"Tiền mất tật mang" chỉ vì ham du học châu Âu giá rẻ, lấy bằng nhanh

Không ít thanh niên Trung Quốc đã phải nhận "trái đắng" vì đi theo hình thức "du học thạc sĩ châu Âu" giá rẻ trong thời kỳ dịch bệnh COVID-19 hoành hành.

Không yêu cầu điểm IELTS, sơ yếu lý lịch cá nhân hoặc thư giới thiệu của các giáo sư, chỉ với số tiền chưa đến 30.000 NDT là có thể trở thành sinh viên của các trường đại học hàng đầu châu Âu.

Khóa học chỉ 10 tháng, lấy bằng thạc sĩ từ 300 trường đại học hàng đầu châu Âu, được giao lưu gặp gỡ với cựu sinh viên đoạt giải Nobel Alexievich,... Bên trên đều là những lời quảng cáo hấp dẫn, với tiêu chí ít tiền nhất, thời gian ngắn nhất và trải nghiệm du học quý giá, đã thu hút đông đảo sự quan tâm của thanh niên Trung Quốc, đặc biệt là trong thời kỳ dịch bệnh COVID-19 hoành hành.

ham-du-hoc-gia-re-01-1617928095.jpg

Buổi giao lưu với người đoạt giải Nobel Alexievich tại Hội chợ sách Thượng Hải, Trung Quốc. Ảnh: ICphoto

Trong nửa đầu năm 2020, tình hình việc làm ở Trung Quốc trở nên khó khăn do ảnh hưởng bởi dịch bệnh. Cát Mai mới tốt nghiệp đại học gặp khó khi tìm việc nên muốn đi du học nước ngoài. Tuy nhiên, học phí ở Anh, Mỹ hay nhiều nước châu Âu khiến cô nản lòng.

Đúng lúc này, chương trình "1 năm đào tạo thạc sĩ bằng tiếng Anh ở Belarus" chỉ tốn vài chục nghìn NDT xuất hiện trên mạng xã hội.

Đối với Cát Mai cũng như nhiều công chức, giáo viên hay nhân viên văn phòng khác đang thiếu triển vọng phát triển nghề nghiệp do bị hạn chế bởi trình độ học vấn của họ, đây như chiếc "chìa khóa" để mở ra một tương lai sáng lạng hơn.

Sau đó, "vận may" nối tiếp đến với Cát Mai cùng nhóm sinh viên sắp đi du học ở Đông Âu xa xôi này. Vào tháng 4/2020, Trung tâm Dịch vụ Du học của Bộ Giáo dục Trung Quốc (Trung tâm Du học) cho biết do ảnh hưởng của dịch bệnh, lưu học sinh sẽ được tham gia khóa học trực tuyến. "Vì yếu tố khách quan, việc chuyển từ dạy học truyền thống sang học online sẽ không ảnh hưởng đến kết quả chứng nhận bằng cấp", trung tâm này nhấn mạnh.

Vào cuối năm 2020, Cát Mai rất ngạc nhiên và thêm phần an tâm khi biết rằng ngay cả các blogger nổi tiếng trên Douyin (ứng dụng TikTok phiên bản Trung Quốc) cũng quảng cáo chương trình "du học thạc sĩ nước ngoài rẻ nhất trong toàn quốc".

Các video ngắn có nội dung học phí 1 năm học thạc sĩ bằng tiếng Anh tại các trường đại học lớn ở Belarus chỉ tốn 40 nghìn tệ (tương đương 141 triệu đồng), nếu đăng ký sớm, bạn sẽ có cơ hội đăng ký vào trường Đại học Tổng hợp Belarus. Trong Bảng xếp hạng toàn diện các trường đại học thế giới năm 2021, Đại học Tổng hợp Belarus xếp hạng 317.

"Điều quan trọng nhất là bạn có thể tham gia các bài học trực tuyến! Bài học trực tuyến! Bài học trực tuyến!", các blogger nhấn mạnh bằng giọng điệu phóng đại rằng nhiều chương trình du học ở Belarus có thể được học tại Trung Quốc và hoàn thành tín chỉ bằng các khóa học trực tuyến.

ham-du-hoc-gia-re-03-1617928115.jpg

Những blogger nổi tiếng trên Douyin quảng cáo chương trình "bằng thạc sĩ nước ngoài rẻ nhất trong toàn quốc". Ảnh: QQ

Lý Kiện Ba, một chuyên viên tài chính, cũng là một người hào hứng với "chương trình du học" này. Vào tháng 9/2020, anh bắt đầu theo học chương trình thạc sĩ tại một trường đại học ở Belarus, ngôi trường có lịch sử gần trăm năm và có cựu sinh viên là chính trị gia nổi tiếng. Có hơn 120 người đăng ký cùng nhóm với Lý Kiện Ba, bao gồm các lĩnh vực khác nhau như giáo dục, tâm lý và luật.

"Hầu hết họ đều đang đi làm và muốn nâng cao trình độ học vấn", Lý Kiện Ba cho biết.

Đây quả thực được gọi là "chương trình thạc sĩ" rẻ nhất Trung Quốc, cùng với đó là thủ tục giấy tờ vô cùng đơn giản. Chỉ cần bảng điểm đại học, chứng chỉ học tập, ảnh chụp hộ chiếu, không cần điểm IELTS, sơ yếu lý lịch và không cần thư giới thiệu từ giáo sư. Lý Kiện Ba cùng nhiều người khác cảm thấy "nhặt được một món hời".

Tất nhiên, Lý Kiến Ba đã có lúc rất lo lắng, không cần phải đi nước ngoài gì cả vẫn được coi là đi du học sao? Người trung gian trả lời rằng trước tháng 6/2021, cần phải ở lại Belarus ít nhất một tháng để hoàn thành việc bảo vệ luận án.

Tuy nhiên, Lý Kiện Ba tìm hiểu được thông tin cho thấy, theo yêu cầu của hầu hết các trường học ở Belarus, việc bảo vệ thạc sĩ trong khoảng thời gian này đều phải được tiến hành ngoại tuyến.

Trước đó, để chứng nhận kinh nghiệm học tập của 1 du học sinh phải có "Giấy chứng nhận lưu học sinh về nước", do Bộ phận Giáo dục (Văn hóa) của Lãnh sự quán Trung Quốc ở nước ngoài cấp cho các trường cao đẳng, đại học chính quy và các cơ sở nghiên cứu khoa học ở nước ngoài. Hoặc các du học sinh đã sống ở nước ngoài hơn 6 tháng và sẽ trở lại làm việc tại Trung Quốc. Những điều kiện trên sẽ là cơ sở quan trọng để xét duyệt và chứng nhận bằng cấp. Tuy nhiên, vào tháng 9/2020, Bộ Giáo dục thông báo rằng họ sẽ hủy bỏ thủ tục "Giấy chứng nhận lưu học sinh về nước" từ tháng 11 cùng năm.

Chính sách cùng thủ tục được giản hóa đã nới lỏng và mang lại nhiều cơ hội đi du học cho nhiều người. Tuy nhiên, cũng kể từ đó, các quảng cáo như "không cần ra nước ngoài, học chắc chắn đỗ" bắt đầu xuất hiện nhan nhản trên mạng xã hội.

Một nghiên cứu sinh ở Hạ Môn thẳng thắn nói: "Sắp tới tôi sẽ thi vào một trường đại học. Nếu vợ tôi có bằng thạc sĩ thì theo quy chế giới thiệu nhân tài, cả hai sẽ được biên chế". Tuy nhiên, người này bị một đối tượng trung gian lừa đảo cách đây không lâu: "Họ đã nhận tiền rồi mà không chịu làm”.

"Có quá nhiều quảng cáo không đáng tin cậy", Lôi Đông, một học viên chuẩn bị đăng ký chương trình du học Belarus nói.

Trong đợt đánh giá công chức hàng năm, Lôi Đông dù tốt nghiệp đại học tại trường nằm trong top 50 của Trung Quốc nhưng anh vẫn không được thăng chức bởi không có tấm bằng sau đại học.

Một trung gian đã giải thích cặn kẽ cho anh cách lấy bằng mà "không cần ra nước ngoài học", thậm chí bảo vệ luận văn cũng có thể hoàn thành "tại gia".

Tuy nhiên, Lôi Đông vẫn nghi ngờ, anh liên hệ với trường Đại học Kinh tế Nhà nước Belarus và hỏi về điều đó, thì được trả lời qua e-mail: "Chúng tôi không hứa cho phép sinh viên bảo vệ trực tuyến."

Chất lượng các khóa du học trực tuyến

ham-du-hoc-gia-re-02-1-1617928154.jpg

Một số khóa học sinh viên thậm chí còn không biết mặt giáo viên. Ảnh minh họa

Đến tháng 1/2021, hơn một nửa học kỳ của các khóa học trực tuyến đã trôi qua. Trong học kỳ đầu tiên, Lý Kiện Ba đã mở 14 khóa học về chuyên ngành của mình, hầu hết các khóa học đều bài tập về nhà với "lượng bài tập rất lớn". Cuối học kỳ sẽ có các bài kiểm tra, thậm chí có bài kiểm tra được tiến hành dưới hình thức phỏng vấn trực tiếp. Tuy nhiên, sau một thời gian, Lý Kiện Ba cảm thấy "rất thất vọng".

"Các giáo viên trong nhiều khóa học không sử dụng Zoom", Lý Kiện Ba chia sẻ. Anh cho biết thêm rằng bài tập về nhà thường là phân tích trường hợp của một công ty nào đó, nói về hành vi vi phạm pháp luật hoặc viết về hiện thân của tư tưởng truyền thống Trung Quốc trong luật. .

Điều khiến anh ấy thất vọng hơn cả là trình độ tiếng Anh của người hướng dẫn. "Nhiều giáo viên có giọng tiếng Anh nặng và không thể hiểu họ. Các giáo viên trong một số khóa học thậm chí không lộ mặt. Hầu như cả học kỳ chỉ phát tài liệu cho môn học và giao bài tập về nhà", Lý Kiện Ba nói.

Một số học sinh thậm chí không chịu làm bài nên đã thuê người làm hộ. Hàn Hoa, một du học sinh tại Đại học Mogilev, nhận được rất nhiều lời nhờ vả như vậy với mức thù lao khá cao. Khi các sinh viên không hiểu các giáo sư Belarus đang giảng về vấn đề gì, Hàn Hoa sẽ giúp họ phiên dịch.

Vào tháng 9/2020, một giáo sư quen thuộc nói với Hàn Hoa rằng hơn 120 người Trung Quốc sẽ sớm đến lớp. Trước đó, số lượng sinh viên Trung Quốc mà Hàn Hoa nhìn thấy trong khuôn viên trường hàng năm "không vượt quá một chữ số".

"Sau đó, tôi được biết rằng hơn 120 sinh viên quốc tế này đang tham gia các khóa học trực tuyến tại Trung Quốc", Hàn Hoa nói và cho biết trường Đại học Mogilev bắt đầu mở chương trình thạc sĩ một năm bằng tiếng Anh vào năm 2019.

"Nhiều giáo viên Belarus có trình độ tiếng Anh chỉ ở mức trung bình", Hàn Hoa chia sẻ.

Trường cũ đã tuyển một lượng lớn sinh viên cho chương trình 1 năm đào tạo thạc sĩ bằng tiếng Anh, điều này ban đầu khiến Hàn Hoa, người đã học ở Belarus nhiều năm và chỉ có bằng cử nhân "rất tức giận".

"Có một khóa học mà sinh viên không thể gặp giáo viên trong suốt một học kỳ mà chỉ gặp nhau trong kỳ thi. Giáo viên thậm chí không thể đặt câu hỏi bằng tiếng Anh và phải nhờ tôi dịch giúp", cô tiết lộ.

Kỳ thi cuối kỳ khó như thế nào?

Lý Kiện Ba cung cấp một "giáo trình kiểm tra" gồm 50 câu hỏi được gửi trước cho sinh viên để chuẩn bị và giáo viên sẽ hỏi một câu bất kỳ trong số đó. Tuy nhiên, Hàn Hoa, người đã quen với phương pháp thi của Belarus, nói: "Thí sinh chỉ cần chuẩn bị một câu hỏi là đủ, bởi giáo viên cũng sẽ không hiểu bạn đã trả lời gì".

Trong một nhóm WeChat du học sinh tại Belarus, một bạn sinh viên hỏi: "Có quá nhiều câu hỏi cần chuẩn bị, em phải làm sao?"

Một học sinh khác chia sẻ "kinh nghiệm" của mình: "Hello teacher, I'm XXX, I like singing, jumping and playing basketball. (Tạm dịch: Xin chào, tôi là XXX, thích hát, nhảy và chơi bóng rổ). Một số thành viên khác trong nhóm cũng chia sẻ: "Chỉ cần biết 'yes, ok' là qua thôi." hay "Cứ cười với giáo viên nhiều 1 chút là được.".

Cô Vương, một người trung gian tuyên bố vừa trở về sau khi học tập tại Đại học Polotsk ở Belarus vào tháng 7/ 2020, hiện làm việc chăm chỉ để quảng bá chương trình thạc sĩ tại trường cũ của cô.

"Ngôn ngữ rất kém, không có cách nào giao tiếp được nhưng không sao. Với 58.000 NDT (hơn 200 triệu đồng), bạn có thể nhận được một khóa trợ giảng. Dịch vụ bao gồm giúp học viên trả lời các câu hỏi và dịch bài tập về nhà sang tiếng Anh", cô Vương hào hứng giới thiệu.

Tuy nhiên, Cát Mai, người đang tham gia một khóa học trực tuyến chuyên ngành Kinh doanh của Đại học Tổng hợp Belarus, cảm thấy rằng giáo viên rất nghiêm khắc. Hầu như tuần nào cũng phải thức khuya để làm bài tập về nhà.

"Các giáo viên giảng dạy rất nghiêm túc, ngoài vấn đề nội dung thì những lỗi cơ bản như chọn phông chữ, màu sắc, làm thế nào để bài thuyết trình PPT trở nên nghệ thuật hơn cũng được giáo viên nhắc nhở", Cát Mai chia sẻ.

Về việc liệu câu trả lời có thể được chuẩn bị trước trong quá trình kiểm tra hay không, Cát Mai nói "Các bài kiểm tra đều được bảo mật và hoàn toàn không có cơ hội gian lận".

Vương Hồng Liệt, người đứng đầu tổ chức đã làm việc trong lĩnh vực trung gian giáo dục ở Belarus trong nhiều năm, giải thích rằng các trường nằm ở vùng Minsk, tức là vùng thủ đô, có chất lượng giảng dạy tốt hơn, đặc biệt là ở các trường đại học quốc gia.

ham-du-hoc-gia-re-04-1-1617928052.jpg

Nhiều thanh niên Trung Quốc nhận trái đắng vì ham chương trình du học châu Âu siêu nhanh, siêu rẻ. Ảnh minh họa

Nếu giáo sư giảng dạy không nói được tiếng Anh, thì những "thạc sĩ học bằng tiếng Anh" hoạt động như thế nào?

Trong quá trình "du học" trực tuyến, Lý Kiện Ba đã nhiều lần gặp phải chuyện khiến anh "không vui", do đó, anh muốn tìm hiểu mối quan hệ giữa nhà trường và người trung gian.

Ban đầu, để tiện cho việc giữa các sinh viên, Lý Kiện Ba đã thành lập nhóm WeChat. Sau khi biết chuyện, bên trung gian đã uy hiếp và yêu cầu anh giải tán nhóm WeChat, nếu không sẽ thông báo với nhà trường và đuổi học.

"Điều bất ngờ hơn là giám đốc Văn phòng Đối ngoại của trường thực sự đến để cảnh cáo tôi", Lý Kiện Ba nói.

Sau khi Hàn Hoa giúp một số giáo viên dịch các câu hỏi phỏng vấn trong kỳ thi, giám đốc Văn phòng Đối ngoại cũng đến gặp cô ấy và trực tiếp nói rằng: "Chúng tôi đã ký hợp đồng với một bên trung gian, và không cho phép bên thứ ba có thể can thiệp".

Sau thời gian theo dõi, Lý Kiện Ba còn phát hiện ra rằng phí trung gian của mỗi sinh viên là khác nhau.

Lý Kiện Ba cho biết khi nộp đơn đăng ký vào tháng 9/2020, học phí của họ là 2.300 USD (khoảng 53 triệu đồng), còn học phí khi ghi danh vào tháng 12 cùng năm đã lên tới 3.000 USD (khoảng 69 triệu đồng).

Vậy những sinh viên nhập học tháng 12, khi nào thì tốt nghiệp?

Người trung gian nói rằng đó là chỉ tiêu tuyển sinh lại đợt tháng 9. Nói cách khác, cho dù có chênh lệch thời gian học 3 tháng, hai nhóm sẽ đồng thời tốt nghiệp.

Tuy nhiên, ông Vương Hồng Liệt khẳng định việc nhập học trước mùa xuân (sau tháng 1) là thông tin sai lệch.

"Tháng 12 nhập học và nhập học vào mùa xuân là hai điều hoàn toàn khác nhau. Ngoài ra, thời gian nhập học khác nhau sẽ không thể tốt nghiệp cùng 1 lúc, bởi bộ Giáo dục Belarus quy định số giờ học của sinh viên thạc sĩ phải đạt 10 tháng".

Sau tháng 1/2021, sự công khai của bên trung gian đã tăng cường. Các phóng viên của Southern Weekend phát hiện bên trung gian có thể nhận được ít nhất 5.000 NDT (hơn 15 triệu đồng) cho mỗi sinh viên khi đăng ký chương trình "1 năm đào tạo thạc sĩ bằng tiếng Anh".

Bản thân nhiều người trung gian là sinh viên Trung Quốc ở Belarus. Hàn Hoa nói rằng "ngay cả sinh viên được giới thiệu đến trường cũng có thể nhận được hoa hồng từ 200 - 300 USD nếu giới thiệu thêm được các sinh viên khác".

Hàn Hoa cho biết bản thân cô luôn cảm thấy có điều gì đó "không ổn".

Bằng cấp có thể được chứng nhận?

Trước ngày 19/3/2021, điều duy nhất mà nhóm du học sinh tự học trong nước này đấu tranh là có nên ra nước ngoài để bảo vệ hay không, trong khi dịch bệnh COVID-19 đang bùng phạt mạnh ở Trung Quốc và cả châu Âu.

Một số sinh viên rất lo lắng về vấn đề chứng nhận học tập vẫn bay đến Belarus để đảm bảo rằng họ được đánh giá cao.

So với việc ra nước ngoài, việc học xong về nước còn khó khăn hơn. Kể từ đầu năm nay, kinh nghiệm của những người Trung Quốc làm việc ở Belarus về nước đã khiến nhiều sinh viên trong nước nản lòng.

Cát Mai, ban đầu đã sẵn sàng đến Belarus để bảo vệ, đang vô cùng lo lắng với những thủ tục xét nghiệm và vé máy bay khứ hồi, thì nhận được một tin nhắn chia sẻ "Nếu không thể thì cứ bỏ qua chuyện đó đi. Tôi không phải dành thời gian cho các lớp học trực tuyến mỗi ngày, chứ đừng nói đến việc ra nước ngoài với nguy cơ bị lây nhiễm".

Đúng lúc đó, một bản ghi trò chuyện WeChat được phát hành bởi tài khoản Hoàng Nghiêu, người được cho là Chủ tịch Hội sinh viên Trung Quốc của Đại học Tổng hợp Belarus, đã được chuyển đến các nhóm sinh viên quốc tế khác nhau. Nội dung là anh yêu cầu du học sinh phải hoàn thành việc đăng ký tư cách du học sinh, "nếu không đăng ký, khả năng cao khi về nước sẽ không được xác minh trình độ học vấn". Tài khoản Hoàng Nghiêu đặc biệt nhấn mạnh rằng mặc dù hình thức chứng nhận du học sinh đã bị hủy bỏ nhưng việc hủy bỏ "chỉ là trên giấy" và "vẫn cần hoàn thành trên tệp điện tử".

Đến ngày 19/3/2021, Trung tâm Du học đã ban hành thông báo mới. Qua đó cho biết kể từ khi dịch bệnh bùng phát, 1 số trường đại học và tổ chức trung gian ở 1 số quốc gia đã liên tục triển khai các khóa học trực tuyến và tuyển sinh sinh viên Trung Quốc bằng cách giảm yêu cầu nhập học, yêu cầu tốt nghiệp hoặc rút ngắn giờ học. Những hành vi trên bị nghi ngờ là "bán văn bằng trá hình". Thông báo nêu cụ thể rằng những văn bằng đó "không nằm trong phạm vi chứng nhận của trung tâm chúng tôi".

Những bằng cấp học vấn không được Trung tâm Du học chứng nhận đều chỉ là 1 tờ giấy thông thường.

Lúc này, nhóm du học sinh ngày nào cũng bắt đầu "lên lớp tại gia" đều bàng hoàng: "Đây không còn là quảng cáo du học nữa, mà là tuyên truyền sai lầm và lừa đảo".

Hoa Vũ (Theo QQ) - Người Đưa Tin Pháp Luật