Tiết kiệm năng lượng hiệu quả, doanh nghiệp gia tăng sức cạnh tranh

Việc áp dụng cùng lúc nhiều giải pháp tiết kiệm năng lượng có thể giúp các doanh nghiệp sản xuất tiết giảm chi phí lên tới hàng tỷ đồng mỗi năm.

Trong bối cảnh nền kinh tế thế giới có nhiều biến động, chuỗi cung ứng bị gián đoạn ảnh hưởng đáng kể đến các ngành sản xuất của Việt Nam, trong đó có ngành dệt may. Với Công ty Cổ phần - Tổng Công ty Dâu tằm tơ Việt Nam, một trong những giải pháp giúp doanh nghiệp “vượt qua cơn bĩ cực” là tiết giảm chi phí, trong đó có tiết kiệm năng lượng trong sản xuất.

1-1737173642.png
Tiết giảm chi phí giúp Công ty Cổ phần - Tổng Công ty Dâu tằm tơ Việt Nam vượt qua cơn “bĩ cực”.

 

Theo ông Lê Văn Đồng - Trưởng phòng Khoa học - Công nghệ và Chất lượng sản phẩm, Công ty Cổ phần - Tổng Công ty Dâu tằm tơ Việt Nam, doanh nghiệp hiện đang có 4 nhà máy tại khu vực Bảo Lộc (Lâm Đồng), chuyên thực hiện xe tơ, dệt lụa, gia công hàng hóa cho đối tác Nhật Bản. Mẫu mã, hình thức đều do đối tác quy định, công ty chỉ thực hiện theo hợp đồng.

 

“Yêu cầu của đối tác rất cao. Tơ phải đạt độ dài mảnh, chất lượng lụa mềm mại, mặt lụa mịn, rất nhiều yêu cầu của đối tác Nhật Bản mà chúng tôi đang thực hiện để đảm bảo hợp đồng thông suốt. Bên cạnh việc đảm bảo chất lượng, tiết giảm chi phí, tiết kiệm nguyên vật liệu cũng như các tiêu hao năng lượng đang là ưu tiên của công ty”, ông Đồng khẳng định.

Ông Đồng chia sẻ, các dàn máy của công ty được chế tạo từ lâu, hoạt động vẫn ổn định nhưng tiêu hao năng lượng khá lớn. Vì vậy, công ty đã đặt ra quy trình lao động chặt chẽ để công nhân, người lao động thực hiện nhằm tiết giảm chi phí điện năng. Tại mỗi xưởng, đều có bản quy định, nhắc nhở công nhân trong giờ sản xuất thì bật điện, ngoài giờ sản xuất phải tắt điện, khi công việc hoàn thành, rời khỏi dây chuyền thì tắt điện.

“Chúng tôi sử dụng tới hàng triệu kWh điện hàng năm. Bởi vậy, tiết kiệm từng chi phí trong mọi khâu sản xuất, dù nhỏ nhất cũng giúp doanh nghiệp trụ vững trong cơn lốc cạnh tranh. Ngoài tiết giảm chi phí sử dụng điện, chúng tôi còn lắp đặt hệ thống năng lượng mặt trời trên các mái xưởng. Năng lượng mặt trời tại khu vực Bảo Lộc, nhất là trong những mùa nắng giúp công ty giảm chi phí sử dụng điện khá nhiều. Hiện tại, công ty đang mở rộng thêm hệ thống năng lượng mặt trời nhằm xanh hóa quy trình sản xuất cũng như giảm năng lượng tiêu thụ”, ông Lê Văn Đồng thông tin.

4-1737173803.png
Các diễn giả dự Tọa đàm trực tuyến với chủ đề “Tiết kiệm năng lượng trong các ngành công nghiệp: Bài toán công nghệ và chính sách” do Tạp chí Công Thương tổ chức mới đây. (Nguồn: Tạp chí Công Thương)

Chia sẻ tại Tọa đàm trực tuyến với chủ đề “Tiết kiệm năng lượng trong các ngành công nghiệp: Bài toán công nghệ và chính sách” do Tạp chí Công Thương tổ chức mới đây, ông Nguyễn Quốc Dũng, Trưởng ban Kinh doanh Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) nhấn mạnh, việc sử dụng năng lượng tiết kiệm ở khu vực sản xuất có tác động rất lớn tới sử dụng điện toàn xã hội. Hiện tiềm năng tiết kiệm năng lượng ở các doanh nghiệp sản xuất rất lớn.

Khảo sát của Chương trình quốc gia về sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả giai đoạn 2019-2030 (Chương trình VNEEP3) cũng cho thấy, các ngành công nghiệp của Việt Nam đang chiếm hơn 50% tổng tiêu thụ năng lượng toàn quốc, với tiềm năng tiết kiệm năng lượng lên tới 30% - 35%.

2-1737173748.png
Các khảo sát của Chương trình Quốc gia về sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả giai đoạn 2019 - 2030 cho thấy, tiềm năng tiết kiệm năng lượng trong công nghiệp có thể đạt từ 20%-30%.

 

Tại Tọa đàm, chia sẻ ở góc độ doanh nghiệp, ông Mạch Đình Khoa, Giám đốc Phát triển chiến lược kinh doanh và hoạt động thương mại, Công ty TNHH Schneider Electric Việt Nam cho hay, tiết kiệm năng lượng có tác động rất lớn với doanh nghiệp. Với thị trường cạnh tranh ngày càng khốc liệt thì việc tối ưu hóa chi phí sản xuất, đồng thời có thể hạ giá bán sản phẩm hoặc giữ nguyên giá bán sản phẩm là việc rất quan trọng.

 

“Doanh nghiệp nếu không có yêu cầu về tiết kiệm năng lượng sẽ dẫn đến chi phí tiếp tục tăng cao kéo theo giảm lợi thế cạnh tranh trên thị trường trong nước lẫn xuất khẩu. Mặt khác, tiêu chuẩn của các thị trường lớn như Mỹ, châu Âu, Nhật Bản đang chú trọng đến việc thống kê và sử dụng phát thải carbon, nên khi sản xuất sản phẩm tiết kiệm năng lượng tốt, thông qua giảm khí thải carbon tốt sẽ là những tiền đề, những tiêu chuẩn quan trọng giúp doanh nghiệp có lợi thế hơn khi cạnh tranh ở thị trường xuất khẩu”, ông Khoa dẫn chứng.

Năm 2023, Dự án “Thúc đẩy thị trường đầu tư tiết kiệm và hiệu quả năng lượng trong lĩnh vực công nghiệp và hỗ trợ Kế hoạch hành động tăng trưởng xanh Việt Nam” do Vụ Tiết kiệm năng lượng và Phát triển bền vững (Bộ Công Thương) khởi xướng đã lựa chọn 10 doanh nghiệp thực hiện kiểm toán năng lượng dưới sự giám sát của các chuyên gia năng lượng Hàn Quốc. Các doanh nghiệp thuộc các lĩnh vực khác nhau như sản xuất giấy, sản xuất thép; sản xuất sợi, sản xuất điện…. Kết quả, hàng chục giải pháp tiết kiệm năng lượng đã được đề xuất cho mỗi doanh nghiệp.

3-1737173748.png
Doanh nghiệp sản xuất tiết kiệm đáng kể chi phí nhờ tiết kiệm năng lượng.

 

Ông Trịnh Quốc Vũ, Phó Vụ trưởng Vụ Tiết kiệm năng lượng và Phát triển bền vững cho biết, mục tiêu của dự án là đóng góp vào mục tiêu quốc gia về giảm cường độ năng lượng bằng cách cải thiện hiệu quả năng lượng trong lĩnh vực công nghiệp Việt Nam; đảm bảo an ninh năng lượng cho phát triển kinh tế và xã hội; giảm phát thải khí nhà kính để góp phần thực hiện cam kết của Việt Nam về phát thải ròng bằng 0 vào năm 2050.

 

Tham gia dự án, doanh nghiệp có thể tiếp cận nguồn tài chính đầu tư dự án tiết kiệm năng lượng từ Quỹ Chia sẻ rủi ro (RSF) cấp bảo lãnh tín dụng tối đa lên tới 50% giá trị khoản vay của ngân hàng thương mại cho các dự án tiết kiệm năng lượng hợp lệ.

Bên cạnh đó, doanh nghiệp có thể tiếp cận khoản tín dụng trị giá 220 triệu USD của chính phủ Hàn Quốc, thông qua Ngân hàng Xuất nhập khẩu Hàn Quốc (K-EXIM) cùng sự tham gia của các ngân hàng thương mại đối tác Việt Nam để hỗ trợ doanh nghiệp nhập khẩu thiết bị và dịch vụ từ Hàn Quốc.

PV