Người phụ nữ thân tín được Chủ tịch Vạn Thịnh Phát Trương Mỹ Lan cho cổ phần trị giá 3 tỷ đồng
Bà Trương Mỹ Lan có nhiều cánh tay thân tín để thao túng ngân hàng SCB.
Thăng tiến thuận lợi
Lên quan tới vụ án xảy ra tại Tập đoàn Vạn Thịnh Phát (VTP), Ngân hàng SCB, theo kết luận điều tra, bị can Trần Thị Mỹ Dung (Nguyên Phó Tổng giám đốc SCB) là một trong những người thân tín của bà Trương Mỹ Lan (Chủ tịch Tập đoàn VTP).
Tài liệu điều tra thể hiện, bà Mỹ Dung làm việc tại Ngân hàng SCB từ tháng 5/2010 đến tháng 9/2022, trải qua các vị trí, chức vụ từ nhân viên kinh doanh, chuyên viên tái thẩm định của Phòng Tái thẩm định. Sau đó, bà Dung được bổ nhiệm làm Phó Giám đốc Phòng Tái thẩm định, Phó Giám đốc Khối phê duyệt tín dụng và Xử lý nợ (Khối Tái thẩm định), Phó Tổng Giám đốc phụ trách Khối Phê duyệt tín dụng và Xử lý nợ.
Bà Trần Thị Mỹ Dung khai nhận, biết rõ bà Trương Mỹ Lan, Chủ tịch Tập đoàn VTP là cổ đông lớn, nắm giữ gần như tuyệt đối cổ phần Ngân hàng SCB. Tuy không giữ chức vụ tại Ngân hàng SCB nhưng do là chủ ngân hàng nên bà Lan có quyền điều hành ngân hàng này trong đó có hoạt động cho vay, thông qua việc sắp xếp nhân sự, chỉ đạo, điều hành lãnh đạo cấp cao của Ngân hàng SCB như Chủ tịch HĐQT, HĐQT, Ban Tổng Giám đốc... đối với nghiệp vụ cho vay. SCB chủ yếu cho khách hàng vay theo chỉ đạo của bà Trương Mỹ Lan, đối với nhóm khách hàng vay thông thường chiếm tỷ trọng rất nhỏ.
Từ ngày 11/9/2019 đến ngày 12/10/2020, bà Trần Thị Mỹ Dung là Phó Giám đốc Khối Tái thẩm định, có nhiệm vụ, quyền hạn trong việc Phê duyệt cấp tín dụng đối với khoản cấp tín dụng thuộc thẩm quyền/ký tờ trình đề xuất cấp tín dụng trình Giám đốc Khối và/hoặc Phó Tổng Giám đốc; từ ngày 25/11/2020 đến ngày 04/01/2021, bà Trần Thị Mỹ Dung là Quyền Giám đốc Khối Tái thẩm định, có nhiệm vụ, quyền hạn trong việc Phê duyệt cấp tín dụng đối với khoản cấp tín dụng thuộc thẩm quyền/Ký tờ trình đề xuất cấp tín dụng trình Phó Tổng Giám đốc và Tổng Giám đốc/Quyền Tổng Giám đốc. Giai đoạn này Trương Mỹ Lan chỉ đạo trực tiếp cho Trương Khánh Hoàng (quyền Tổng Giám đốc SCB) hoặc Nguyễn Phương Hồng (Phó Tổng Giám đốc SCB), sau đó, những người này báo cáo lại cho Võ Tấn Hoàng Văn (Tổng Giám đốc SCB) và Đinh Văn Thành (Chủ tịch HĐQT Ngân hàng SCB) biết, tổ chức thực hiện lập hồ sơ, phê duyệt, giải ngân đối với các khoản vay đứng tên cá nhân, pháp nhân trong hệ sinh thái Vạn Thịnh Phát của bà Trương Mỹ Lan.
Từ ngày 07/01/2021 đến ngày 04/3/2022, bà Dung là Phó Tổng Giám đốc được Tổng Giám đốc ủy quyền phê duyệt đề xuất cấp tín dụng đối với các khoản vay trên 150 tỷ đồng (bằng thẩm quyền Tổng Giám đốc). Khi cần sử dụng tiền, bà Trương Mỹ Lan sẽ thông báo cho bà Dung cùng Trương Huệ Vân (Tổng Giám đốc Công ty Tập đoàn quản lý bất động sản Windsor), Trương Khánh Hoàng họp tại phòng họp tầng 39, Tòa nhà Times Square. Trương Mỹ Lan sẽ thông báo là cần số lượng bao nhiêu tiền, sử dụng tài sản gì để thế chấp, thời gian giải ngân để mọi người cùng thực hiện.
Về tài sản đảm bảo các khoản vay, bà Dung khai luôn luôn không đủ đảm bảo cho số tiền mong muốn nên bà Trương Mỹ Lan luôn chỉ đạo phải nâng giá lên để rút tiền tại Ngân hàng SCB.
Trên cơ sở “chỉ thị” từ bà Trương Mỹ Lan, bà Dung sẽ họp với lãnh đạo, nhân viên của ngân hàng SCB để thông báo cho mọi người biết chỉ đạo của bà Lan về việc thực hiện một khoản vay tại Ngân hàng SCB, nếu đồng thuận thì cùng nhau tổ chức thực hiện việc lập hồ sơ, phê duyệt, giải ngân đối với các khoản vay của bà Lan.
Sau khi thống nhất chủ trương thực hiện với Chủ tịch Hội đồng quản trị, bà Nguyễn Phương Hồng hoặc ông Trương Khánh Hoàng hoặc bà Trần Thị Mỹ Dung sẽ triển khai, hoàn thiện các hồ sơ phê duyệt.
Dung khai, đối với các hồ sơ cho vay thuộc nhóm khách hàng Vạn Thịnh Phát, hầu hết các khoản vay Ngân hàng SCB giải ngân trước theo yêu cầu sử dụng tiền của bà Trương Mỹ Lan, sau đó các bộ phận liên quan tại Ngân hàng SCB mới phối hợp, hoàn thiện hồ sơ cấp tín dụng để hợp thức.
Việc định giá tài sản đảm bảo liên quan đến các khoản vay, bà Dung giao cho bị can Bùi Ngọc Sơn, Chuyên viên Khối Tái thẩm định và Xử lý nợ thực hiện, liên hệ với các công ty thẩm định giá ban hành chứng thư nâng khống giá trị tài sản. Do quy định cho vay các khoản vay không được quá 70% giá trị tài sản bảo đảm, nên khi giao cho ông Sơn thực hiện, bà Dung yêu cầu phải đảm bảo giá trị để cho vay được theo yêu cầu của bà Trương Mỹ Lan. Tài sản đảm bảo là thủ tục hợp thức, nên ngoài việc nâng khống giá trị trên chứng thư thẩm định giá thì thủ tục thế chấp được bổ sung, hoàn thiện sau khi đã giải ngân cho vay (quy trình ngược).
Ngoài ra, sau khi đã giải ngân lên tài khoản, bà Trần Thị Mỹ Dung chuyển cho chi nhánh được phân công “giải quỹ” của khoản vay phương án thu chi tiền theo hồ sơ và thu chi tiền theo thực tế do đại diện Vạn Thịnh Phát là Nguyễn Phương Anh lập để phối hợp thực hiện, hoàn thiện toàn bộ quy trình rút tiền khỏi SCB.
Được bà Trương Mỹ Lan cho cổ phần trị giá 3 tỷ đồng
Theo kết luận điều tra, từ ngày 11/9/2019 đến ngày 15/8/2022, bà Trần Thị Mỹ Dung với các vai trò là Phó Giám đốc Khối Tái thẩm định, Giám đốc Khối Tái thẩm định, Phó Tổng giám đốc, Phó Tổng giám đốc được Tổng giám đốc ủy quyền thực hiện quyền hạn của Tổng giám đốc đã ký 395 Tờ trình tái thẩm định, 395 Biên bản họp Hội đồng Kinh doanh và Đầu tư Hội sở, 144 Tờ trình của Tổng giám đốc (thừa ủy Quyền Tổng giám đốc) trình Hội đồng quản trị đồng ý cho 394 khách hàng là các cá nhân, pháp nhân thuộc hệ sinh thái Tập đoàn VTP, với 617 khoản vay tại Ngân hàng SCB, có dư nợ đến ngày 17/10/2022 là hơn 356.873 tỷ đồng (gồm: Dư nợ gốc 287.850 tỷ đồng và dư nợ lãi 69.023 tỷ đồng, bao gồm nợ lãi phí đã được bán nợ/cấn trừ nợ).
Bà Trần Thị Mỹ Dung nhận thức, biết rõ các khoản vay của các cá nhân, pháp nhân thuộc hệ sinh thái Vạn Thịnh Phát do các khoản vay này đều có điểm chung là được theo dõi trên hệ thống Core Banking tại Ngân hàng SCB là “HSTT - Hội sở tiếp thị”; giải ngân, rút tiền của SCB ra trước, sau đó mới hoàn thiện hợp thức hồ sơ cho vay. Thực tế, các đơn vị tại Ngân hàng SCB không có việc thẩm định khách hàng, thẩm định tài sản bảo đảm, không quan tâm phương án vay vốn, bỏ qua quy trình cho vay thông thường theo quy định pháp luật.
Theo kết luận điều tra, căn cứ kết quả điều tra, cơ quan điều tra đủ căn cứ xác định: Bà Trần Thị Mỹ Dung là người có chức vụ, quyền hạn, đã lợi dụng chức vụ quyền hạn của mình để thực hiện hành vi giúp sức tích cực, đồng phạm với Trương Mỹ Lan thực hiện hành vi phạm tội “Tham ô tài sản” quy định tại khoản 4, Điều 353 Bộ luật Hình sự năm 2015, liên đới chiếm đoạt số tiền 200.690 tỷ đồng (= Dư nợ gốc từ ngày 11/9/2019 đến ngày 15/8/2022: 287.850 tỷ đồng - Giá trị tài sản đảm bảo do Công ty Thẩm định giá Hoàng Quân định giá tại thời điểm ngày 30/9/2022 được SCB chấp nhận có đủ pháp lý để trích lập dự phòng rủi ro: 87.159 tỷ đồng), gây thiệt hại số nợ lãi phát sinh 69.023 tỷ đồng.
Cơ quan điều tra cũng xác định, năm 2021, bà Trần Thị Mỹ Dung còn được bà Trương Mỹ Lan cho 300.000 cổ phần SCB (tương đương 3 tỷ đồng).
Cơ quan điều tra đánh giá, quá trình điều tra, bà Trần Thị Mỹ Dung đã thành khẩn khai báo, ăn năn hối cải, tích cực hợp tác với cơ quan điều tra trong quá trình giải quyết vụ án; nhận thức rõ hành vi vi phạm, đã tự nguyện giao nộp 300.000 cổ phần SCB để khắc phục hậu quả của vụ án.
Vụ "cô gái hot nhất Thanh Hóa": Tung tin người khác nhiễm HIV bị xử lý thế nào?
Vừa qua, chị V.T.C. (ngụ xã Thành Sơn, huyện Bá Thước, tỉnh Thanh Hóa) bỗng dưng bị tung tin đồn nhiễm HIV. Thông tin chị C. bị nhiễm xuất hiện trên mạng xã hội đã làm xáo trộn cuộc sống gia đình. Để minh oan, vợ chồng chị C. đã đi xét nghiệm và kết quả âm tính với HIV.
Hiện tại, các cơ quan chức năng đã vào cuộc làm rõ, truy người đã tung tin đồn thất thiệt về chị C. để xử lý theo quy định. Trường hợp tìm ra người đã tung tin thất thiệt về chị C. thì việc xử lý sẽ như thế nào?
Theo khoản 5 Điều 8, Luật Phòng, chống nhiễm virus gây ra hội chứng suy giảm miễn dịch mắc phải ở người HIV/AIDS 2006 (sửa đổi 2020) thì nghiêm cấm hành vi công khai tên, địa chỉ, hình ảnh của người nhiễm HIV hoặc tiết lộ cho người khác biết việc một người nhiễm HIV khi chưa được sự đồng ý của người đó, trừ trường hợp quy định tại Điều 30 Luật này.
Kẻ xấu tung tin nạn nhân nhiễm HIV lên mạng xã hội.
Theo điểm c khoản 3, điểm c khoản 5 Điều 19 Nghị định 117/2020/NĐ-CP quy định về vi phạm quy định về thông tin, giáo dục, truyền thông trong phòng, chống HIV/AIDS như sau:
Phạt tiền từ 10 triệu đến 15 triệu đồng đối với hành vi tiết lộ cho người khác biết việc một người nhiễm HIV khi chưa được sự đồng ý của người đó, trừ trường hợp thực hiện việc phản hồi thông tin trong hoạt động giám sát dịch tễ học HIV/AIDS và thông báo kết quả xét nghiệm HIV theo quy định của pháp luật.
Phạt tiền từ 15 triệu đến 20 triệu đồng đối với hành vi công khai tên, địa chỉ, hình ảnh người nhiễm HIV khi chưa được sự đồng ý của người đó, trừ trường hợp thực hiện việc phản hồi thông tin trong hoạt động giám sát dịch tễ học HIV/AIDS và thông báo kết quả xét nghiệm HIV theo quy định của pháp luật.
Biện pháp khắc phục hậu quả: Buộc xin lỗi trực tiếp người nhiễm HIV, thành viên gia đình người nhiễm HIV và cải chính thông tin công khai trên phương tiện thông tin đại chúng nơi người nhiễm HIV sinh sống liên tục trong 03 ngày theo quy định của pháp luật, trừ trường hợp người nhiễm HIV không đồng ý xin lỗi công khai.
Mức phạt trên áp dụng với cá nhân, nếu tổ chức có hành vi vi phạm tương tự cá nhân thì bị phạt gấp đôi. Như vậy, nếu có hành vi tiết lộ thông tin người nhiễm HIV khi chưa có sự đồng ý của họ có thể bị xử phạt đến 40 triệu đồng theo quy định của pháp luật.
Có thể xử lý hình sự
Trong trường hành vi tung tin đồn thất thiệt về người khác xúc phạm nghiêm trọng nhân phẩm, danh dự hoặc gây thiệt hại đến quyền, lợi ích hợp pháp của người đó thì người có hành vi vi phạm pháp luật có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự về tội vu khống theo quy định tại Điều 156 Bộ luật Hình sự 2015 và khoản 2 Điều 2 Luật sửa đổi Bộ luật Hình sự 2017 như sau:
Người nào thực hiện một trong các hành vi sau đây, thì bị phạt tiền từ 10 triệu đồng đến 50 triệu đồng, phạt cải tạo không giam giữ đến 02 năm hoặc phạt tù từ 3 tháng đến 1 năm:
- Bịa đặt hoặc loan truyền những điều biết rõ là sai sự thật nhằm xúc phạm nghiêm trọng nhân phẩm, danh dự hoặc gây thiệt hại đến quyền, lợi ích hợp pháp của người khác;
- Bịa đặt người khác phạm tội và tố cáo họ trước cơ quan có thẩm quyền.
Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 1 năm đến 3 năm:
- Có tổ chức; Lợi dụng chức vụ, quyền hạn; Đối với 2 người trở lên; Đối với ông, bà, cha, mẹ, người dạy dỗ, nuôi dưỡng, chăm sóc, giáo dục, chữa bệnh cho mình; Đối với người đang thi hành công vụ; Sử dụng mạng máy tính hoặc mạng viễn thông, phương tiện điện tử để phạm tội;
- Gây rối loạn tâm thần và hành vi của nạn nhân mà tỷ lệ tổn thương cơ thể từ 31% đến 60%; Vu khống người khác phạm tội rất nghiêm trọng hoặc đặc biệt nghiêm trọng.
Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 3 năm đến 7 năm:
- Vì động cơ đê hèn; Gây rối loạn tâm thần và hành vi của nạn nhân mà tỷ lệ tổn thương cơ thể 61% trở lên; Làm nạn nhân tự sát.
Sau cuộc gọi đe dọa, tài khoản của người phụ nữ "bay màu" 315 triệu đồng
Sáng 25-11, lãnh đạo Công an thị xã An Nhơn, tỉnh Bình Định xác nhận đơn vị vừa tiếp nhận đơn của bà Nguyễn Thị H. (ngụ xã Nhơn Mỹ, thị xã An Nhơn) về việc bị lừa mất nhiều tiền.
Một bị hại ở Bình Định trong vụ lừa đảo qua mạng đến ngân hàng chuyển tiền và đã được ngăn chặn kịp thời.
Theo trình bày của bà H., khoảng 11 giờ ngày 10-11, bà nhận được cuộc điện thoại từ số lạ, tự xưng là thiếu úy Hồ Minh Trí, công tác tại Công an tỉnh Bình Định với nội dung thông báo bà H. để lộ thông tin CCCD, liên quan đến đường dây ông mua bán ma túy. Để chứng minh tài khoản của bà H. trong sạch, Trí yêu cầu bà H. ra ngân hàng nộp 500 triệu đồng vào số tài khoản Kienlongbank 0000257447, chủ tài khoản Hồ Bảo Toàn.
Bà H. than không đủ tiền, Trí nói sẽ chuyển hồ sơ ra Bộ Công an và tạm giam bà. Quá lo sợ, ngày 13-11 và ngày 15-11, bà H. đã chuyển tổng cộng 315 triệu đồng cho đối tượng lừa đảo.
Theo Công an tỉnh Bình Định, tình trạng lừa đảo với các chiêu trò cũ qua không gian mạng vẫn tiếp tục xảy ra trong thời gian gần đây trên địa bàn tỉnh. Cụ thể, từ đầu năm đến nay, trên địa bàn Bình Định đã xảy ra 83 vụ lừa đảo, số tiền chiếm đoạt hơn 83 tỉ đồng.
Để lại cuốn sổ ghi "con là một đứa bất hiếu" rồi nhảy cầu tự tử
Đến trưa 25-11, các lực lượng chức năng huyện Quảng Ninh, tỉnh Quảng Bình vẫn đang khẩn trương tìm kiếm tung tích của một nam thanh niên - được cho là nhảy cầu tự tử trong đêm.
Thợ lặn cùng với các lực lượng đang tiếp tục tổ chức tìm kiếm nam thanh niên nhảy cầu tự tử.
Khoảng 21 giờ 42 tối qua (24-11), khi người dân đi qua cầu Quán Hàu, huyện Quảng Ninh thì phát hiện nam thanh niên nhảy từ trên cầu xuống sông Nhật Lệ.
Nhận được thông tin, Công an huyện Quảng Ninh đã phối hợp với Công an thị trấn Quán Hàu, Công an xã Võ Ninh tổ chức lực lượng xác minh sự việc.
Trên cầu Quán Hàu, lực lượng chức năng phát hiện 1 cái ví trong đó có Thẻ Căn cước công dân mang tên Nguyễn Nhật H. (SN 1997; ngụ xã Hàm Ninh, huyện Quảng Ninh) và 1 thẻ ATM. Bên cạnh còn cuốn sổ nhỏ ghi "Con xin lỗi mọi người, con là một đứa con bất hiếu… Mong gia đình tha thứ cho con".
Sau khi xác minh có sự việc trên, Công an huyện Quảng Ninh huy động lực lượng, phương tiện cùng người thân của nam thanh niên để tổ chức tìm kiếm trong đêm.
Đến 10 giờ sáng nay, chính quyền địa phương đã huy động lực lượng với hơn 30 người và 2 thợ lặn cùng các phương tiện để tiếp tục tìm kiếm nạn nhân mất tích trên sông Nhật Lệ.