Những cá nhân nào bị bà Nguyễn Phương Hằng tố cáo?
VKSND TP.HCM ban hành cáo trạng, truy tố bị can Nguyễn Phương Hằng (52 tuổi, Tổng giám đốc công ty cổ phần Đại Nam) và 4 đồng phạm về tội Lợi dụng các quyền tự do dân chủ xâm phạm lợi ích của Nhà nước, quyền, lợi ích hợp pháp của tổ chức, cá nhân.
Hồ sơ vụ án nêu rõ, bà Nguyễn Phương Hằng đã lợi dụng, sử dụng 12 kênh mạng xã hội livestream xâm phạm bí mật đời tư, ảnh hưởng uy tín, danh dự nhiều cá nhân như ông Võ Nguyễn Hoài Linh (nghệ sĩ Hoài Linh), bà Nguyễn Thị Mỹ Oanh (ca sĩ Vy Oanh), bà Ðặng Thị Hàn Ni (nhà báo Hàn Ni), ông Huỳnh Minh Hưng (ca sĩ Ðàm Vĩnh Hưng), ông Nguyễn Đức Hiển (nhà báo Đức Hiển), bà Trần Thị Thủy Tiên (ca sĩ Thủy Tiên) cùng chồng là Lê Công Vinh…
Quá trình điều tra, bà Nguyễn Phương Hằng khai các thông tin phát ngôn khi livestream và đăng tải trên Facebook về các cá nhân trên đều do bà đọc trên mạng chưa được kiểm chứng và không có cơ sở chứng minh.
Theo cáo trạng, bà Nguyễn Phương Hằng có đơn tố cáo một số cá nhân về hành vi lợi dụng các quyền tự do dân chủ xâm phạm lợi ích của Nhà nước, quyền, lợi ích hợp pháp của tổ chức, cá nhân. Các nhân bị bà Nguyễn Phương Hằng tố cáo gồm ông Trần Văn Sỹ (luật sư Trần Văn Sỹ), bà Nguyễn Thị Mỹ Oanh (ca sĩ Vy Oanh), ông Huỳnh Minh Hưng (ca sĩ Đàm Vĩnh Hưng), bà Trần Thị Trang (người mẫu Trang Trần), bà Đinh Thị Lan.
Ngoài ra còn có những người đăng ký, quản lý, sử dụng của các tài khoản Facebook tên "Đàm Ngọc Tuyên", "Huỳnh Ngọc Thiên Hương", "Xóm nhiều chuyện", "Giác Tịnh Nhân", "Maria Trần", "Đinh Thu Hiền", "Vô Thường", "Đinh Lan" và các tài khoản YouTube có tên "Kim Mao TV Hoàng Ngọc", "Hot News", "Happy Media", "Biên Niên tiểu sử", "Lan Đinh".
Sau khi bà Nguyễn Phương Hằng gửi đơn tố cáo, Cơ quan Cảnh sát điều tra Công an TP.HCM (PC02) đã triệu tập nhiều cá nhân lên làm việc. Cơ quan cảnh sát điều tra Công an TP.HCM đang điều tra, xác minh làm rõ, để xem xét xử lý theo quy định của pháp luật.
Các YouTuber liên quan gồm Phạm Hoàng Khang (29 tuổi, chủ kênh YouTube Lang Thang Đường Phố), Huỳnh Tấn Lợi (31 tuổi, chủ kênh YouTube Vlogs Trúc Ngân), Võ Minh Điền (37 tuổi, chủ kênh YouTube Điền Võ), Ngũ Lùn (39 tuổi, chủ kênh YouTube Bánh Mỳ Đây), Nguyễn Việt Anh (37 tuổi, chủ kênh YouTube Chuyện Đời Thường), Nguyễn Văn Việt (28 tuổi, chủ kênh YouTube Trai Đồng Bằng)…
Đối với những người này, do hành vi chưa đủ cơ sở xử lý hình sự, Cơ quan Cảnh sát điều tra Công an TP.HCM đã có văn bản chuyển tài liệu liên quan đến Phòng An ninh mạng và Phòng chống tội phạm công nghệ cao Công an TP.HCM để xử lý theo thẩm quyền.
Bị can Nguyễn Phương Hằng.
Đối với các cá nhân sử dụng kênh YouTube để chia sẻ thông tin liên quan đến Nguyễn Phương Hằng nhằm mục đích "câu like", tăng thu nhập, Cơ quan điều tra Công an TP.HCM và các đơn vị chức năng liên quan đang xác minh, làm rõ để xử lý.
Công an TP.HCM xác định Nguyễn Thị Mai Nhi (40 tuổi, trợ lý của bà Hằng); Lê Thị Thu Hà (31 tuổi, nhân viên Công ty Đại Nam) và Huỳnh Công Tân (29 tuổi, trưởng phòng Truyền thông Công ty Đại Nam) đã thực hiện nhiệm vụ đăng tin trên mạng xã hội Facebook về tiêu đề, thời điểm, đường dẫn đến kênh YouTube, TikTok sẽ phát livestream.
Đồng thời, in các nội dung mà bà Nguyễn Phương Hằng sẽ phát ngôn, đưa cho bà Nguyễn Phương Hằng trước các buổi livestream; chuẩn bị, sử dụng các phương tiện, thiết bị điện tử để phục vụ livestream và phát livestream trên các tài khoản mạng xã hội của bà Nguyễn Phương Hằng.
Các bị can Nhi, Hà và Tân còn tham gia dẫn chương trình trong các buổi livestream, thông báo số lượng người xem, đọc các bình luận trên livestream phát trực tiếp…
Về bị can Đặng Anh Quân (cựu giảng viên Đại học Luật TP.HCM), nhà chức trách xác định ông Quân đã trực tiếp tham gia nhiều buổi livestream cùng bà Nguyễn Phương Hằng.
Trong các buổi livestream này, ông Đặng Anh Quân đã phát ngôn, bình luận, cùng tương tác với bà Nguyễn Phương Hằng về những nội dung xúc phạm nghiêm trọng danh dự, uy tín, nhân phẩm của nhiều cá nhân.
Bộ Công an "vạch trần" thủ đoạn mạo danh ngân hàng cho vay trực tuyến lãi suất thấp để lừa đảo
Theo Bộ Công an, thủ đoạn này là một chuỗi các hoạt động lừa đảo. Trong đó, biểu hiện rõ nhất là các đối tượng để cho người muốn vay tiền phải tự làm hồ sơ vay tiền trực tuyến, sau đó yêu cầu người vay phải chuyển một khoản tiền nhỏ (khoảng từ 500.000đ đến 5.000.000đ) phục vụ hỗ trợ xác minh, duyệt khoản vay…
Để “con mồi” tin tưởng, các đối tượng đã mạo danh một số ngân hàng và các công ty tài chính có thật tại Việt Nam, tạo lập website, ứng dụng, chạy quảng cáo thông qua các nền tảng mạng xã hội để chào mời cho vay tín chấp với lãi suất đặc biệt thấp.
Các đối tượng lừa đảo đã tạo lập hàng nghìn tài khoản facebook với các nguồn thông tin giả, tham gia vào các hội nhóm, diễn đàn, đăng bài quảng cáo cho vay tín chấp với lãi suất thấp (chỉ 1%/ tháng), thủ tục vay đơn giản, không cần gặp trực tiếp; nợ xấu vẫn vay được; không thế chấp, không thẩm định, chỉ cần Chứng minh nhân dân hoặc Căn cước công dân và có tài khoản ngân hàng/thẻ ATM là có thể vay được tiền...
Khi có người vay tiếp cận, các đối tượng sẽ dẫn dụ, yêu cầu người vay cung cấp thông tin cá nhân, như: họ tên, số điện thoại, ảnh chụp CMND/CCCD, ảnh chụp chân dung… phục vụ làm hồ sơ vay.
Sau khi dụ người vay chuyển tiền phục vụ hỗ trợ xác minh, duyệt khoản vay, các đối tượng tiếp tục viện dẫn hàng loạt các lý do khoản vay không được giải ngân xuất phát từ lỗi khai hồ sơ của người vay (như khai sai tên người hưởng thụ, đổi cách viết tên người hưởng thụ từ chữ in thường sang in hoa, không đủ điều kiện vay, thừa hoặc sai một số trên số căn cước công dân…).
Từ đó, chúng yêu cầu người vay phải nộp thêm các khoản tiền để bảo đảm khoản vay hoặc khắc phục lỗi hệ thống; hứa hẹn sẽ hoàn trả lại số tiền đã gửi cho khách hàng sau khi khoản vay được giải ngân. Tuy nhiên, khi người vay chuyển tiền vào số tài khoản của các đối tượng cung cấp, các đối tượng sẽ lập tức chiếm đoạt và ngắt liên lạc.
Tội phạm mạo danh ngân hàng để dẫn dụ bị hại sập bẫy lừa đảo. (Ảnh: Bộ Công an)
Với thủ đoạn lừa đảo tinh vi trên, bị hại không những bị mất tiền mà còn bị mất toàn bộ thông tin danh tính cá nhân, tiềm ẩn nguy cơ tiếp tục bị lợi dụng để phục vụ cho các hoạt động vi phạm pháp luật khác, ví dụ như: đăng kí SIM không chính chủ, đăng kí mở tài khoản ngân hàng, ví điện tử phục vụ các hoạt động lừa đảo, rửa tiền, cá độ trực tuyến…
Để tránh bị lừa đảo, Bộ Công an khuyến cáo người dân cần chủ động nâng cao ý thức cảnh giác, khi có nhu cầu vay tiền liên hệ trực tiếp với các tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng để được tư vấn, hướng dẫn làm thủ tục vay vốn.
Người dân cần cảnh giác, tìm hiểu kỹ, xác thực chính xác công ty tài chính, tư vấn viên trước khi tiến hành các thủ tục vay tiền bằng cách kiểm tra mã số thuế, địa chỉ, người đại diện công ty, gọi điện thoại đến các số đường dây nóng, chăm sóc khách hàng của các công ty, kiểm tra kỹ các đường link trang web trước khi truy cập.
Đặc biệt, người dân không cung cấp bất kỳ thông tin cá nhân nào khi chưa xác định chính xác website, ứng dụng và danh tính tư vấn viên. Tuyệt đối không cung cấp thông tin tài khoản ngân hàng, mã OTP cho người khác và không chuyển tiền vào tài khoản cá nhân mà các đối tượng lạ cung cấp, dụ dỗ.
"Người dân cần nhanh chóng trình báo cơ quan công an nơi gần nhất khi phát hiện thủ đoạn mạo danh, lừa đảo chiếm đoạt tài sản hoặc bị mạo danh, lừa đảo chiếm đoạt tài sản", Bộ Công an khuyến cáo.
Cảnh báo người dân cẩn trọng khi đặt vé máy bay, phòng khách sạn online
Theo Cục Thương mại điện tử và Kinh tế số (Bộ Công thương) một số phương tiện thông tin đã phản ảnh về việc lợi dụng nhu cầu du lịch của người dân tăng cao, nhất là kì nghỉ hè sắp tới, nhiều đối tượng lợi dụng không gian mạng, thông qua các website, thương mại điện tử (TMĐT) mạng xã hội để thực hiện các hành vi vi phạm pháp luật.
Điều này ảnh hưởng đến lòng tin của người tiêu dùng (NTD) đối với hoạt động TMĐT.
Cục TMĐT và Kinh tế số cảnh báo một số phương thức lừa đảo phổ biến các đối tượng thường sử dụng như đăng tải bài quảng cáo bán tour du lịch, phòng khách sạn với giá rẻ trên website, ứng dụng TMĐT và mạng xã hội. Sau đó đề nghị khách hàng chuyển tiền đặt cọc tour, phòng khách sạn từ 30%-50% để lừa đảo, chiếm đoạt số tiền đặt cọc này.
Giấy cam kết quyền lợi giả mạo thương hiệu Du Lịch Việt. ẢNH: Công ty Du Lịch Việt cung cấp
Bên cạnh đó, các đối tượng có thể đăng bài quảng cáo dịch vụ làm visa du lịch nước ngoài trên website, ứng dụng TMĐT và mạng xã hội cam kết tỉ lệ thành công cao, hoàn trả 100% số tiền nếu không xin được visa.
Tuy nhiên, khi khách hàng thanh toán chi phí hoặc một phần chi phí, các đối tượng sẽ để NTD tự khai thông tin tờ khai, hoàn thiện hồ sơ… Sau đó lấy lý do khai thông tin bị thiếu, không trả lại tiền.
Đáng chú ý, các đối tượng có thể làm giả website, fanpage của công ty du lịch uy tín, làm giả hình ảnh chụp biên lai, hóa đơn thanh toán và đề nghị khách hàng thanh toán chi phí tour du lịch. Sau khi người dân chuyển khoản, các đối tượng sẽ chặn liên lạc, xóa mọi dấu vết.
Đặc biệt, đối tượng lừa đảo có thể sử dụng công nghệ ứng dụng trí tuệ nhân tạo, cũng có thể làm giả, chiếm đoạt tài khoản người dùng mạng xã hội. Từ đó, liên lạc với người thân trong danh sách bạn bè cho biết đang bị mắc kẹt khi du lịch tại nước ngoài và cần một khoản tiền ngay lập tức.
Vì vậy, Cục TMĐT và Kinh tế số khuyến cáo NTD trước khi quyết định đặt tour hoặc dịch vụ du lịch cần tìm hiểu kỹ thông tin về công ty du lịch, đơn vị cung cấp dịch vụ.
NTD nên chọn các đơn vị uy tín, đầy đủ giấy tờ, giấy phép kinh doanh. Nếu có nghi ngờ hoặc phát hiện bất thường, NTD không chuyển tiền cho bất kỳ ai trước khi xác định rõ nguồn gốc, độ tin cậy của đơn vị đó. Đồng thời cần thông báo cho cơ quan chức năng.
Ở góc độ doanh nghiệp, đại diện Công ty Cổ phần truyền thông Du lịch Việt (quận Phú Nhuận) cho biết, cách đây hai tuần công ty nhận được thông tin về việc một số nhóm, đối tượng sử dụng văn bản giả mạo thương hiệu Du Lịch Việt để lừa đảo khách hàng trên các mạng xã hội.
Qua đó, nhằm trục lợi chiếm đoạt tài sản bằng các chiêu trò như tuyển dụng “việc nhẹ, lương cao”, “làm việc online” tải ứng dụng, hoàn thành khảo sát…. Ngay khi phát hiện sự việc, công ty đã gửi thông tin đến các cơ quan chức năng để làm rõ.
“Chúng tôi khẳng định không tổ chức hay liên kết với bất kỳ đơn vị nào khác để tuyển dụng làm việc online hay yêu cầu khách hàng tham gia vào các hội nhóm với mục đích thực hiện các nhiệm vụ đặt mua sản phẩm, các dịch vụ online...” -đại diện Công ty Du lịch Việt nhấn mạnh.
Công ty mong muốn khách hàng cẩn trọng phân biệt những thông tin trên mạng xã hội, tỉnh táo trước những chiêu trò ngày càng tinh vi của các đối tượng xấu nhằm tránh rủi ro, tổn hại đến quyền lợi của mình.
Lo ngại COVID-19 bùng phát sau kỳ nghỉ lễ, thường trực chống dịch tại tất cả các tuyến
Kỳ nghỉ lễ 30/4 - 1/5 và Giỗ Tổ Hùng Vương năm nay kéo dài 5 ngày trong bối cảnh dịch COVID-19 đang gia tăng trở lại, khiến nhiều người lo lắng, sau kỳ nghỉ số ca mắc sẽ tăng cao nhanh.
Bộ Y tế cho biết, trong tháng 4, một số bệnh truyền nhiễm gây dịch nguy hiểm đã được ghi nhận số mắc gia tăng mạnh so với 3 tháng đầu năm như COVID-19, sốt xuất huyết, tay chân miệng. Hiện nay, hầu hết các nước đã mở cửa, nới lỏng toàn bộ các biện pháp phòng, chống dịch COVID-19 (kể cả ở những nước có sự lây nhiễm cao); cùng đó nhu cầu giao thương, du lịch của người dân sau 3 năm đại dịch gia tăng rất lớn (nhất là trong thời gian nghỉ lễ Giỗ tổ Hùng Vương, 30/4-1/5) gây nguy cơ cao lây lan dịch bệnh truyền nhiễm.
Để dịch không bùng phát, Bộ Y tế đã có công văn đề nghị UBND các tỉnh, TP trực thuộc Trung ương quán triệt, triển khai hiệu quả Nghị quyết số 38/NQ-CP của Chính phủ ban hành Chương trình phòng, chống dịch COVID-19 và thực hiện nghiêm việc thường xuyên cập nhật, đánh giá cấp độ dịch.
Các địa phương chú trọng triển khai công tác phòng, chống dịch bệnh tại các vùng sâu, vùng xa, vùng khó tiếp cận dịch vụ y tế, vùng đồng bào dân tộc sinh sống, khu vực di biến động về dân cư và nơi có tỷ lệ tiêm chủng chưa cao.
Có phương án cụ thể sẵn sàng đáp ứng với các tình huống dịch bệnh trên địa bàn trước, trong và sau thời gian nghỉ lễ; tổ chức thường trực phòng chống dịch tại tất cả các tuyến, phân công nhiệm vụ, trách nhiệm cụ thể.
Người dân đổ về Đền Hùng trong sáng 29/4 (tức ngày 10/3 năm Quý Mão). (Ảnh: Phong Sơn).
Các tỉnh chủ động công tác giám sát, theo dõi chặt chẽ tình hình dịch bệnh trên địa bàn; tăng cường giám sát tại các cửa khẩu, trong các cơ sở y tế và tại cộng đồng để phát hiện sớm và xử lý kịp thời, không để dịch bệnh lây lan ra cộng đồng.
Bộ Y tế đề nghị các địa phương báo cáo kịp thời và triển khai ngay các biện pháp ứng phó khi dịch có nguy cơ bùng phát trên địa bàn.
Phối hợp chặt chẽ với Bộ Y tế để chủ động phát hiện sớm các biến thể mới của virus. Bảo đảm năng lực cấp cứu, hồi sức tích cực tại các cơ sở khám bệnh, chữa bệnh. Tăng cường các biện pháp kiểm soát nhiễm khuẩn, phòng lây nhiễm hạn chế tối đa lây lan dịch bệnh trong bệnh viện, chú trọng bảo vệ người bệnh thuộc nhóm có nguy cơ cao (như phụ nữ có thai, người mắc bệnh nền, người cao tuổi,...).
Các địa phương cần tăng cường truyền thông phòng bệnh để nâng cao nhận thức, thay đổi hành vi của người dân trong việc bảo vệ sức khoẻ của bản thân, gia đình và cộng đồng. Thường xuyên cập nhật thông tin về tình hình dịch bệnh và khuyến cáo người dân thực hiện tốt thông điệp 2K ( khẩu trang, khử khuẩn) + vaccine + thuốc + điều trị + công nghệ + ý thức người dân và các biện pháp khác, đặc biệt tại các cơ sở y tế, trên các phương tiện giao thông công cộng, nhà ga, bến xe, chợ, tại các địa điểm, sự kiện tập trung đông người.
Huy động sự tham gia của chính quyền địa phương và các ban, ngành, đoàn thể để triển khai quyết liệt việc rà soát, vận động các đối tượng tham gia tiêm chủng, nhất là với các nhóm có nguy cơ cao như nhóm người cao tuổi, nhóm di biến động, người mắc bệnh nền, người bị suy giảm miễn dịch và phụ nữ mang thai.
Mặc dù hiện nay, chủng Omicron vẫn chiếm chủ đạo, song các chuyên gia y tế cho biết, biến thể phụ của Omicron liên tục biến đổi, miễn dịch do tiêm vccine COVID-19 lại giảm dần theo thời gian. Do đó, để có kỳ nghỉ lễ an toàn, người dân, du khách khi đi du lịch cần chủ động thực phòng, chống COVID-19 như: Tiêm vaccine đủ liều theo khuyến cáo của ngành y tế; đeo khẩu trang đến nơi đông người, sát khuẩn tay thường xuyên.
Khi đi du lịch, người dân nên mang theo khẩu trang, dung dịch sát khuẩn, thuốc hạ sốt, giảm ho, nước muối sinh lý, dung dịch súc họng, test nhanh COVID-19... để chủ động chăm sóc bản thân khi cần thiết. Bên cạnh đó, cập nhật thường xuyên tình hình dịch và tuân thủ các khuyến cáo phòng dịch của địa phương.