Phụ huynh phản ánh "trải nghiệm kinh hoàng" tại khoá tu ở chùa Cự Đà: Chính quyền nói gì?
Mới đây, trên Facebook chị G.N.N. ở Hà Nội chia sẻ thông tin kèm hình ảnh của con trai về “trải nghiệm kinh hoàng” tại khoá tu mùa hè ở chùa Cự Đà.
Thông tin chia sẻ trên mạng xã hội
Cụ thể, Facebook chị G.N.N. viết: “Trải nghiệm kinh hoàng của con em tại khoá tu mùa hè chùa Cự Đà, xã Cự Khê, Thanh Oai, Hà Nội.
Khi ngồi viết lên những tâm sự này mà tay em vẫn run lẩy bẩy, đang ngồi trong viện chờ kết quả chụp phim của con ạ. Vì con bị bạn dùng ghế gỗ đánh mạnh vào đầu và tay phải đi viện Đa khoa Hà Đông chụp chiếu nhưng ban tổ chức giấu nhẹm và không thông báo với gia đình em.
Em có đăng kí cho con khoá tu mùa hè tại Chùa Cự Đà 5 ngày để con trải nghiệm cùng các tu sinh khác, khoá tu của con em có gần 600 tu sinh, từ 9 -16 tuổi cả nam và nữ. Những ngày con vào chùa, ban tổ chức có dặn mang theo 6-8 bộ quần áo để thay rồi mang về giặt và có quy định ko được liên lạc hay gọi điện để các con tránh nhớ nhà nhớ gia đình.
Ngày 1, ngày 2 khi em vào hóng tại nhóm Zalo để xem hình ảnh của con xem con ăn ở sinh hoạt thế nào? Nhưng ban tổ chức nói là rất bận ko có thời gian chụp ảnh cập nhật, con đi có 5 ngày chứ có phải 5 tháng 5 năm đâu mà bố mẹ đòi hỏi.
Hôm nay ngày thứ 5 tới lịch đón con về, lúc gặp con em hơi sốc bởi nhìn con quần áo, người ngợm bẩn thỉu, hôi hám, chân tay muỗi đốt chi chít, hỏi ra thì mới được biết là ở chùa đông lắm tắm sau là hết nước nên con ko tắm được.
Khu vệ sinh tạm thường xuyên tắc bồn cầu bẩn lắm con ko dám đi vệ sinh, ngủ cũng ngủ dưới nền đất trải chiếu mấy hôm mưa gió, ẩm thấp nhiều muỗi không ngủ được. Em cũng tặc lưỡi cho qua vì em nghĩ con đi có 5 ngày sinh hoạt khổ thế để con thấm mà thấy thương bố thương mẹ nhiều hơn.
Hình ảnh chị N. chia sẻ con trai bị thương ở tay
Nhưng chiều nay em phát hiện ra tay trái của con sưng to chỗ khuỷ tay và tay cứ còng còng em mới hỏi thì con nói thật. Con ở chùa xô xát và bị bạn dùng ghế gỗ ngồi đập mạnh vào đầu và tay. Các anh chị phụ trách bảo con không được nói bị đánh mà là bị ngã, nếu không nghe lời thì bị phạt quỳ 2 tiếng. Ban tổ chức đưa con em đi Bệnh viện đa khoa Hà Đông chụp chiếu và nẹp tay cố định.
Con em bị như thế nhưng ban tổ chức không hề gọi điện thoại báo gia đình em tiếng nào, kể cả hôm nay kí nhận đón con thì lại tháo nẹp tay con ra coi như không có chuyện gì.
Em có gọi điện hỏi cô Thu người xưng là trưởng ban tổ chức thì cô quanh co cô bảo là cô quên, rồi cô thông báo lên nhầm nhóm. Cô nhắn tin xin lỗi và bảo tới thăm con, em đã từ chối vì nếu như con em không kêu đau thì em cũng không thể biết được là con bị đánh đau tới mức phải đi viện như vậy.
Em đưa con vào viện kiểm tra chụp lại, con không làm sao, bác sĩ bảo bị om xương đau lắm phải một thời gian dài mới khỏi.
Ban tổ chức chùa Cự Đà làm ăn tắc trách, thiếu trách nhiệm với tu sinh. Gần 600 học sinh tu tập trong không gian nhỏ như vậy, điều kiện tắm rửa sinh hoạt thiếu thốn rồi để xảy ra đánh nhau tới đi viện mà vẫn giấu.
Chúng em gửi con tu tập tại chùa cũng cúng dường và ủng hộ thực phẩm chứ không phải là đi không đâu ạ. Em chia sẻ tâm sự của mình để các phụ huynh có con gửi vào chùa mình nên cân nhắc kĩ nhé”.
Dù chưa rõ thực hư nhưng khi thông tin kèm hình ảnh được tăng tải, bài viết của chị N. đã thu hút hàng nghìn bình luận và chia sẻ.
Chiều 17/6, bà Phạm Thị Lương Duyên - Phó chủ tịch UBND xã Cự Khê (Thanh Oai, Hà Nội) cho biết, sau khi nhận được thông tin đăng tải lên mạng xã hội liên quan đến khóa tu ở chùa Cự Đà, chính quyền đã phối hợp với lực lượng liên ngành huyện Thanh Oai thành lập đoàn kiểm tra làm việc với nhà chùa về vấn đề phụ huynh phản ánh.
Theo bà Duyên, qua nội dung báo cáo của nhà chùa, khoảng 10h30 ngày 15/6, một cháu bé đến phòng y tế của nhà chùa kêu bị đau tay và nói bị bạn xô đẩy ngã. Thấy vậy, nhà chùa đã đưa đi khám tại Bệnh viện Đa khoa Hà Đông. Tại đây, bác sĩ kết luận cháu xương không tổn thương, chỉ đau phần mềm. Nhà chùa hỏi cháu bé muốn về nhà hay tiếp tục ở lại khoá tu thì cháu nói ở lại. Nhà chùa nhận có lỗi khi không thông báo cho gia đình vì nghĩ cháu không sao. Đến ngày 16/6 gia đình đến đón thì phát hiện tay bị sưng nên đi kiểm tra chấn thương phần mềm.
Bà Duyên cho hay, thời điểm đoàn kiểm tra chỗ ăn ngủ, khu vệ sinh... tại nhà chùa cơ bản đều sạch sẽ, khu nam nữ riêng, khu vệ sinh đầy đủ.
“Có thể hôm trước bị mất điện, dẫn đến mất nước nên không đảm bảo vệ sinh chứ lúc tôi đến kiểm tra thì sạch sẽ, thoáng mát”, bà Duyên nói.
Bà Duyên cũng cho biết thêm, hằng năm, phía nhà chùa đều có khóa tu cho các cháu và đã có tờ trình gửi UBND xã, trong đó nêu rõ kế hoạch tổ chức khóa tu và cam kết nhiều nội dung. Năm nay nhà chùa có 2 khoá tu, khoá thứ nhất khoảng hơn 300 cháu, khoá thứ 2 có 400 cháu.
“Chúng tôi chỉ nắm bắt được thông tin trên mạng rồi xác minh chứ không nhận được phản ánh của phụ huynh về vấn đề này”, bà Duyên thông tin.
Lý do phó chủ tịch xã khai tên giả khi vi phạm nồng độ cồn
Ngày 17-6, theo nguồn tin của Báo Người Lao Động, ông Huỳnh Thanh Tuấn - Phó Chủ tịch UBND xã Lý Văn Lâm, TP Cà Mau, tỉnh Cà Mau - vừa bị phát hiện vi phạm nồng độ cồn khi lái xe và có dấu hiệu khai báo không đúng sự thật.
Theo thông tin ban đầu, vào khoảng 0 giờ ngày 2-6, trong lúc tuần tra kiểm soát trên địa bàn xã Lý Văn Lâm, tổ tuần tra kiểm soát của Công an tỉnh Cà Mau đã phát hiện người đàn ông điều khiển xe máy có dấu hiệu sử dụng rượu bia nên ra hiệu lệnh dừng phương tiện để kiểm tra.
Tại đây, người điều khiển khai tên "Huỳnh Thanh Khởi", vi phạm các lỗi như: điều khiển xe trên đường mà trong hơi thở có nồng độ cồn vượt quá 0,4mlg/lít khí thở (0,753); không giấy phép lái xe; không mang theo chứng nhận đăng ký xe.
Sau đó, Công an TP Cà Mau mời người vi phạm lên làm việc thì phát hiện người này tên Huỳnh Thanh T., đang giữ chức Phó Chủ tịch UBND xã Lý Văn Lâm. Làm việc với cơ quan chức năng, ông T. thừa nhận là người điều khiển xe máy và vi phạm nồng độ cồn. Tuy nhiên, do sợ gửi giấy báo vi phạm về đơn vị nên ông đã khai báo thông tin không đúng sự thật. Công an TP Cà Mau đã ra quyết định xử phạt vi phạm hành chính đối với ông T. 8 triệu đồng.
Trước đó, cuối tháng 11-2022, tổ tuần tra kiểm soát cũng phát hiện và lập biên bản vi phạm hành chính đối với ông T. do vi phạm các lỗi như: nồng độ cồn, không có giấy phép lái xe… Ông T. sau đó đã bị kiểm điểm rút kinh nghiệm.
Dịch COVID-19 hôm nay: Ca nhiễm tiếp tục giảm ngày cuối tuần
Về tình hình dịch COVID-19 hôm nay, Bộ Y tế cho biết từ 16 giờ ngày 16-6 đến 16 giờ ngày 17-6, cả nước ghi nhận 251 ca nhiễm, giảm nhẹ so với ngày trước đó.
Biểu đồ dịch COVID-19
Kể từ đầu dịch đến nay Việt Nam có 11.619.267 ca nhiễm, đứng thứ 13/231quốc gia và vùng lãnh thổ, trong khi với tỉ lệ số ca nhiễm/1 triệu dân, Việt Nam đứng thứ 120/231 quốc gia và vùng lãnh thổ (bình quân cứ 1 triệu người có 117.421 ca nhiễm).
Trong ngày có thêm 55 bệnh nhân được công bố khỏi bệnh nâng tổng số ca được điều trị khỏi lên 10.639.773 ca. Số bệnh nhân đang thở ôxy là 14 ca, tăng 1 ca so với hôm qua.
Tổng số ca tử vong do COVID-19 tại Việt Nam tính đến nay là 43.206 ca, chiếm tỉ lệ 0,4% so với tổng số ca nhiễm. Số ca tử vong xếp thứ 26/231 vùng lãnh thổ, số ca tử vong trên 1 triệu dân xếp thứ 141/231 quốc gia, vùng lãnh thổ trên thế giới.
Đến nay, nước ta đã tiêm được 266.457.817 liều vắc-xin COVID-19. Hiện số liều vắc-xin COVID-19 tiêm trên 100 người dân tại Việt Nam cao hơn 1,6 lần so với trung bình của thế giới. Tỉ lệ tiêm liều cơ bản cao hơn 1,4 lần so với trung bình của thế giới và tỉ lệ tiêm mũi nhắc lại cao hơn 2 lần so với trung bình thế giới.
Chấm thi lớp 10 tại TP.HCM: Lạc đề vẫn được tính điểm
Trong đề thi môn Văn vào lớp 10 công lập của TP.HCM, đề 1 (thí sinh được chọn một trong hai đề) của phần nghị luận văn học yêu cầu "viết bài văn nghị luận về một khổ thơ hoặc đoạn thơ khiến bản thân nghĩ suy về tình yêu nước của con người Việt Nam và muốn cất lên những lời ngợi ca tình yêu ấy. Từ đó cho biết tác động của khổ thơ hoặc đoạn thơ đó đối với mình".
Phần đáp án do Sở Giáo dục và Đào tạo TP.HCM công bố có lưu ý trường hợp thí sinh chọn phân tích truyện, giám khảo vẫn đánh giá và cho điểm phần kỹ năng và phần đúng chủ đề như hội đồng thi đã thống nhất.
Trả lời VnExpress, ông Nguyễn Tiến Thành, chuyên viên môn Ngữ văn, Sở Giáo dục và Đào tạo TP.HCM, xác nhận thí sinh chọn sai thể loại mà đề yêu cầu - phân tích truyện thay vì phân tích thơ - vẫn được chấm điểm phần kỹ năng, trình bày.
Cụ thể, những bài làm này được chấm điểm nếu đảm bảo cấu trúc bài nghị luận; đảm bảo quy tắc chính tả, dùng từ, đặt câu; diễn đạt sáng tạo, suy nghĩ sâu sắc về vấn đề nghị luận. Phần kỹ năng này được chấm tối đa 1 điểm.
Tuy nhiên, theo ông Thành, giám khảo sẽ cân nhắc bài làm của thí sinh đạt mức độ nào để cho điểm, không phải chỉ căn cứ vào hình thức. Ví dụ, bài làm có ba phần mở, thân, kết nhưng mỗi phần phải đúng nhiệm vụ mới được điểm tối đa 0,5. Nếu chỉ đúng về mặt hình thức mở, thân, kết nhưng viết cho có, không đảm bảo chức năng thì thí sinh cũng không được chấm điểm tối đa.
"Ngoài ra, thí sinh chọn phân tích truyện nhưng truyện này có chủ đề về tình yêu nước sẽ được giám khảo xem xét cho điểm vì nội dung nghị luận đúng chủ đề. Như vậy, những bài làm sai đề nếu viết tốt lắm cũng chỉ được tối đa 1,5/4 điểm", ông Thành nói đáp án, thang điểm chi tiết môn Văn được thông báo, hướng dẫn cụ thể đến từng giám khảo chấm thi.
Học sinh tham dự kỳ thi tuyển sinh vào lớp 10 tại TP.HCM dò bài sau khi rời phòng thi. Ảnh: PLO
Chuyên viên của Sở cũng cho biết thêm hướng dẫn chấm thi môn Văn của TP.HCM năm nay thực hiện tương tự như chấm thi tốt nghiệp THPT, vẫn cho điểm phần kỹ năng, đúng chủ đề cho những thí sinh chọn sai thể loại. Những năm trước, các trường hợp này sẽ bị chấm 0 điểm.
Nhiều cán bộ chấm thi chia sẻ trên Pháp luật TP.HCM, họ khá bất ngờ trước bài làm của HS. Bởi dù đề thi cũng như đáp án khá thoáng nhưng nhiều em vẫn học tủ, viết lan man, lạc đề.
"Nhiều em viết khá lan man, không đúng chủ đề. Bố cục bài viết rập khuôn, máy móc theo văn mẫu, không có sự sáng tạo", vị này nói.
Tuy nhiên, một giám khảo chấm thi khác cho biết trong quá trình chấm vẫn có nhiều bài thi viết rất tốt, đặc biệt phần cảm nhận và xác định vấn đề.
Môn Văn không có nhiều điểm 9 nhưng điểm 7, 8 cũng khá.