Tin tức 24h: Rơi từ tầng 34 của chung cư, nữ sinh lớp 7 ở Hà Nội tử vong

CTV
Thi thể nữ sinh lớp 7 được phát hiện trên sàn tầng lửng ở chung cư Eco Green (đường Nguyễn Xiển, huyện Thanh Trì, Hà Nội).

Hà Nội: Rơi từ tầng 34 của chung cư, nữ sinh lớp 7 tử vong

Trưa 31/10, lãnh đạo UBND xã Tân Triều (huyện Thanh Trì, Hà Nội) cho biết, vào sáng cùng ngày, người dân phát hiện một thi thể ở khu vực sàn tầng lửng của chung cư Eco Green trên đường Nguyễn Xiển.

Khu vực nơi xảy ra sự việc

Theo lãnh đạo xã Tân Triều, nạn nhân là nữ, đang học lớp 7.

Hình ảnh trích xuất từ camera cho thấy, vào sáng cùng ngày, nữ sinh này được bố dẫn đi học. Sau khi phụ huynh đi thang máy xuống tầng 1 thì không thấy con đâu. Người bố liền đi tìm thì phát hiện con đã tử vong.

“Nạn nhân rơi từ tầng 34 của tòa CT3, không rơi xuống đất mà rơi vào sàn tầng lửng nối 2 tòa nhà”, lãnh đạo UBND xã Tân Triều nói và cho biết, tòa nhà nơi xảy ra sự việc có 34 tầng.

Hiện công an đang điều tra, làm rõ nguyên nhân nữ sinh này tử vong.

Đề xuất tăng lương tối thiểu từ 1/7/2024, giảm giờ làm việc từ 48 xuống 44 giờ mỗi tuần

Theo đại biểu Phạm Trọng Nghĩa, bên cạnh những kết quả rất trân trọng, năm 2023 dự kiến có 5/15 chỉ tiêu Quốc hội giao chưa đạt. Trong đó có chỉ tiêu tốc độ tăng năng suất lao động xã hội, năm thứ 3 liên tiếp chúng ta không đạt chỉ tiêu này. Điều đáng lo ngại là tốc độ tăng năng suất lao động xã hội bình quân đang có xu hướng giảm. Vì vậy, đại biểu đoàn Lạng Sơn đề nghị Chính phủ đánh giá bổ sung các nguyên nhân, xác định trách nhiệm và có giải pháp quyết liệt đối với chỉ tiêu này.

Cũng theo đại biểu Ủy ban Xã hội, nước ta là quốc gia có quy mô kinh tế nhỏ, độ mở cao. Thống kê của Ngân hàng Thế giới cho thấy Việt Nam là một trong những quốc gia có độ mở về kinh tế tăng nhanh và lớn nhất thế giới.

Ảnh minh hoạ.

“Bên cạnh những mặt tích cực, nền kinh tế có độ mở quá cao, nếu không có những giải pháp chính sách tốt, sẽ đem đến nhiều hệ lụy, như: nền kinh tế trở nên dễ bị tổn thương, nhạy cảm với các biến động từ bên ngoài; xuất nhập khẩu nhiều nhưng chủ yếu là hàng hóa thâm dụng lao động, giá trị gia tăng không cao; tăng trưởng cao nhưng vẫn ở vị trí cuối trong chuỗi giá trị toàn cầu; nguy cơ là công xưởng gia công, nguy cơ rơi vào bẫy thu nhập trung bình là hiện hữu”, ông Nghĩa nói.

Với xu hướng hội nhập sâu và rộng, tham gia ngày càng nhiều hơn vào các Hiệp định thương mại tự do, đại biểu đề nghị Chính phủ đánh giá cụ thể tác động của độ mở nền kinh tế đến nước ta ra sao? Độ mở bao nhiêu là phù hợp với nước ta? Nhu cầu và cơ chế kiểm soát độ mở của nền kinh tế nước ta thế nào? Từ đó, có giải pháp để xây dựng nền kinh tế tự chủ hơn, có khả năng thích ứng tốt hơn theo quan điểm phát huy nội lực là yếu tố quyết định gắn với ngoại lực và sức mạnh thời đại.

Đề cập đến các giải pháp trong thời gian tới, theo đại biểu đoàn Lạng Sơn, các chỉ tiêu và giải pháp của năm 2024 phải đặt trong tổng thể của giai đoạn 2021 - 2025.

Trong đó, theo ông Phạm Trọng Nghĩa, cần quan tâm đến ba nhóm giải pháp.

Thứ nhất, tăng cầu trong nước, phát triển thị trường nội địa; tiếp tục giảm thuế, phí, lệ phí cho người dân và doanh nghiệp. “Tôi nhất trí kéo dài thời gian giảm thuế VAT đến hết 30/6/2024. Đồng thời, đề nghị Chính phủ chỉ đạo Hội đồng Tiền lương quốc gia tiến hành thương lượng sớm để tăng lương tối thiểu cho người lao động bảo đảm thực hiện từ 1/7/2024 cùng thời điểm với việc thực hiện cải cách tiền lương trong khu vực công”, ông Nghĩa nêu.

Thứ hai, là đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính. Ông Nghĩa đề nghị trong kỳ họp này, Quốc hội yêu cầu tổng soát thủ tục hành chính trên tất cả các lĩnh vực; trong đó, tập trung vào các lĩnh vực liên quan đến đầu tư, sản xuất kinh doanh, đến đổi mới, sáng tạo để báo cáo Quốc hội tại Kỳ họp thứ 7.

Thứ ba, là giải pháp tăng cường liên kết vùng. Cụ thể, đại biểu đoàn Lạng Sơn đề nghị Chính phủ khẩn trương xây dựng, trình Quốc hội ban hành luật hoặc nghị quyết về phát triển vùng, tăng cường liên kết vùng làm cơ sở pháp lý cho việc thể chế hóa các quan điểm của Đảng trong 6 nghị quyết nêu trên vào cuộc sống.

Đề cập đến thời hạn làm việc, theo đại biểu Phạm Trọng Nghĩa, người lao động cần được quan tâm, chia sẻ và phải được thụ hưởng tốt hơn từ những thành quả phát triển của đất nước. Vì vậy, ông đề nghị Chính phủ xem xét trình Quốc hội giảm giờ làm việc bình thường cho người lao động trong khu vực tư từ 48 giờ/tuần xuống 44 giờ/tuần, tiến tới 40 giờ/tuần như trong khu vực công (đã được thực hiện từ 1999).

“Đây cũng là xu hướng tiến bộ của đa số các quốc gia trên thế giới. Tôi kính mong các vị đại biểu Quốc hội quan tâm, ủng hộ quy định này”, ông Nghĩa nói.

Đà Nẵng: Thực hư thông tin trường thu mỗi lớp 5 triệu đồng lắp máy điều hòa

Ngày 31-10, ông Nguyễn Hữu Phước, Hiệu trưởng Trường Tiểu học Đoàn Thị Điểm - quận Thanh Khê, TP Đà Nẵng – cho biết trong hôm nay, các lớp sẽ tổng kết ý kiến của phụ huynh và gửi về trường để tổng hợp, báo cáo lên quận về chủ trương lắp máy điều hoà tại các phòng học.

Trước đó, ngày 30-10, một phụ huynh của trường này đã đăng lên mạng xã hội hình ảnh biên bản lấy ý kiến cha mẹ học sinh về chủ trương thực hiện xã hội hoá kinh phí hỗ trợ từ phụ huynh để vận hành, bảo trì hệ thống máy điều hoà theo đề án của thành phố.

Phụ huynh này cho rằng việc thu 5 triệu đồng tiền lắp đặt mỗi lớp và tiền điện 9 tháng/học sinh/  năm học là bất hợp lý.

Trường Tiểu học Đoàn Thị Điểm - TP Đà Nẵng đang tổ chức lấy ý kiến phụ huynh về đề xuất lắp đặt máy điều hoà tại các phòng học

Lý giải về thông tin trên, ông Phước cho hay việc lấy ý kiến này được thực hiện theo chủ trương của cấp trên. Cụ thể, từ chỉ đạo của UBND TP, các ngành liên quan, trong đó Sở GD-ĐT, đã triển khai đến các địa phương, yêu cầu tổ chức lấy ý kiến của phụ huynh liên quan việc đầu tư máy điều hoà. UBND quận Thanh Khê đã yêu cầu hiệu trưởng các trường mầm non, tiểu học và THCS tổ chức lấy ý kiến phụ huynh, tổng hợp và gửi báo cáo về Phòng GD-ĐT trước ngày 4-11.

Theo ông Phước, Trường TH Đoàn Thị Điểm đã tổ chức lấy ý kiến từ ngày 28-10. Để thông tin được cụ thể hơn, nhà trường đưa ra các dự kiến về mức kinh phí vận động xã hội hoá trong 1 năm học gồm: tiền điện trong 9 tháng (khoảng 8,6 triệu đồng/lớp); phí bảo trì, vệ sinh 2 máy (600.000 đồng); phí vận hành ban đầu cho 2 máy là 5 triệu đồng (chỉ thu năm đầu tiên khi bắt đầu sử dụng thiết bị). Dự kiến tổng chi phí tối đa là hơn 14 triệu đồng. Với bình quân mỗi lớp 35 học sinh thì dự kiến mỗi tháng, 1 em đóng khoảng hơn 45.000 đồng. 

Ông Phước cho hay các chi phí trên chỉ là dự kiến ở mức tối đa nếu đề án đi vào thực tế. "Chúng tôi làm dự kiến ở mức tối đa để khi đề án đi vào thực tế thì phụ huynh không thất vọng. Nhà trường ghi nhận tất cả các ý kiến của phụ huynh. Thời tiết nóng hay lạnh là việc phát sinh, tuy nhiên đó là ý kiến mà nhà trường sẽ ghi nhận và tổng hợp để báo cáo cấp trên" – ông cho biết.

Đối với ý kiến cho rằng chi phí lắp đặt 5 triệu đồng/2 máy là quá cao, ông Phước cũng cho biết đó đều là dự kiến ở mức tối đa. Sở dĩ trường đưa ra dự kiến trên bởi khi tiến hành lắp máy điều hoà, hệ thống điện có sẵn ở các trường không đảm bảo. Vì vậy phải lắp đặt lại hệ thống điện cùng các thiết bị đi kèm khác.

Cũng theo ông Phước, các chỉ đạo của Sở GD-ĐT và quận Thanh Khê về vấn đề này thì không ghi cụ thể từng mục kinh phí nhưng nhà trường muốn xây dựng khung dự kiến để tạo sự rõ ràng, thống nhất ngay từ đầu với phụ huynh.

Trong biên bản lấy ý kiến, Trường TH Đoàn Thị Điểm cũng đề xuất 3 mục đồng ý, không đồng ý và ý kiến khác. Ông Phước lý giải quá trình này mới chỉ ở giai đoạn "phôi thai", còn tổ chức thực hiện sau này chắc chắn phải có đề án rõ ràng, được HĐND TP Đà Nẵng thông qua.

Ông Phước nêu quan điểm, chủ trương lắp đặt điều hoà ở các phòng học của TP Đà Nẵng là hợp lý. "Tôi đồng ý và hoan nghênh. Vào mùa nắng, các em học sinh và giáo viên rất khổ sở nên việc này là cần thiết. Trong quá trình thực hiện, đối với những trường hợp có hoàn cảnh khó khăn thì đương nhiên các trường sẽ linh hoạt giải quyết. Điều cốt yếu là tạo môi trường tốt nhất cho các em" - ông nhấn mạnh.

TP.HCM: Hỗ trợ giáo viên khó khăn 500.000 đồng/người dịp Tết Giáp Thìn năm 2024

Theo thông tin từ Vietnamnet, công đoàn ngành giáo dục TP.HCM vừa có kế hoạch tổ chức các hoạt động chăm lo Tết Giáp Thìn năm 2024 cho đoàn viên công đoàn, cán bộ, nhà giáo và người lao động. Kế hoạch được tổ chức trên tinh thần "Tết đến với mọi đoàn viên, người lao động", trong đó, quan tâm trước hết là các đối tượng có hoàn cảnh khó khăn.

Cụ thể, đối tượng chăm lo là đoàn viên công đoàn, nhà giáo và người lao động bị tai nạn lao động; Đoàn viên công đoàn, nhà giáo và người lao động hoặc vợ/chồng/con bệnh nan y, bệnh hiểm nghèo; Nữ đoàn viên công đoàn, nhà giáo và người lao động đang mang thai, nuôi con nhỏ dưới 12 tháng tuổi; Cán bộ công đoàn chuyên trách và các trường hợp đột xuất khác.

Riêng các trường hợp khó khăn đột xuất khác không thuộc các tiêu chí quy định trong kế hoạch, Ban Thường vụ Công đoàn ngành Giáo dục Thành phố xem xét, quyết định chăm lo theo thẩm quyền (căn cứ theo đề xuất của Công đoàn cơ sở) đảm bảo đúng đối tượng, minh bạch, chính xác, theo Báo Pháp luật Việt Nam.

Ngành giáo dục TP.HCM vừa có kế hoạch tổ chức các hoạt động chăm lo Tết Giáp Thìn năm 2024 cho đoàn viên công đoàn, cán bộ, nhà giáo và người lao động. Ảnh: Vietnamnet.

Nguyên tắc xét chăm lo Tết từ cấp cơ sở, những trường hợp thật sự đặc biệt khó khăn thì lập danh sách đề xuất Công đoàn ngành giáo dục thành phố hoặc Công đoàn thành phố hỗ trợ.

Mức chăm lo được công đoàn ngành đưa ra là 500.000 đồng/trường hợp. Ngoài ra, công đoàn giáo dục TP.HCM cũng khuyến khích các cơ quan, đơn vị vận động nguồn quỹ xã hội để tăng mức chi chăm lo cho Đoàn viên công đoàn, nhà giáo và người lao động có hoàn cảnh khó khăn, tuy nhiên phải đảm bảo tính công khai, minh bạch, thống nhất, đảm bảo nguyên tắc tài chính.

Đối với các đơn vị thực sự khó khăn, không thưởng Tết cần báo cáo kịp thời danh sách những trường hợp có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn theo các tiêu chí nêu trên gửi về Công đoàn ngành giáo dục thành phố trước ngày 5/12/2023.