Tranh cãi suất bún 35.000 đồng chỉ có 2 miếng chả ở Sầm Sơn: Quản lý thị trường nói gì?
Mới đây, trên mạng xã hội Facebook đăng tải thông tin kèm hình ảnh suất bún chả Sầm Sơn 35k (35.000 đồng) nhưng chỉ có hai miếng chả cá.
Thông tin suất bún 35.000 đồng được chia sẻ trên mạng.
Cụ thể, Facebook này chia sẻ: “Suất bún chả này ở Sầm Sơn - Thanh Hoá với mức giá 35k hiện gây chấn động giới ẩm thực trong nước. Mặc dù đã có niêm yết giá rất rõ ràng và chủ quán cũng nói luôn 35k chỉ được 2 miếng chả thôi.
Nhận được suất ăn, khách thấy 2 miếng chả nên đã đăng lên mạng hỏi như vậy là đắt hay rẻ thì chủ quán đòi đối chất với khách vì sao đăng lên không hỏi ý kiến”.
Sau khi thông tin kèm hình ảnh đăng tải nhận được sự quan tâm, chú ý của cộng đồng mạng. Nhiều người cho rằng, với giá bán 35.000 đồng/suất bún mà chỉ có vỏn vẹn 2 miếng chả là hơi đắt. Số khác lại cho rằng, chủ quán đã niêm yết, công khai giá cả như vậy không ăn thì thôi.
Suất bún 35.000 đồng gây tranh cãi
Trước thông tin trên, ông Thiều Như Huynh – Đội trưởng Đội quản lý thị trường số 2 - Cục Quản lý thị trường Thanh Hoá cho biết, đơn vị đã nhận được thông tin phản ánh suất bún chả 35.000 đồng có 2 miếng chả từ du khách qua đường dây nóng.
Theo ông Huynh, quán ăn du khách phản ánh suất bún chả là Đ.P. nằm ở mặt đường Hồ Xuân Hương, TP.Sầm Sơn (Thanh Hoá). Khi nhận được thông tin, đơn vị đã đến quán Đ.P. để xác minh, kiểm tra. Qua kiểm tra, cơ sở này có đầy đủ giấy phép kinh doanh và chứng nhận an toàn thực phẩm, niêm yết giá đầy đủ.
“Trước khi ăn giữa du khách và chủ quán ăn cũng có thỏa thuận với khách hàng suất bún 35.000 đồng bao gồm cả bún, chả và dưa món, rau sống, nước chấm, nước vối. Còn hình ảnh khách chụp lên thiếu rau và nước chấm”, ông Huynh nói.
Vị này cũng cho biết thêm, do khu vực này đối diện biển nên việc thuê mặt bằng đắt nên giá không giống như những chỗ khác. Chủ cửa hàng cũng đã thông báo với khách hàng về giá cả. Thời điểm đó, khách hàng cũng đồng ý, không có ý kiến gì và sau khi về mới đăng lên Facebook. Sau khi kiểm tra, đơn vị cũng nhắc nhở chủ cửa hàng niêm yết giá bằng "K" là không đúng quy định nên đã yêu cầu chủ quán phải viết bằng chữ Việt Nam đồng.
Công an điều tra vụ 6 người ngộ độc botulinum do ăn chả lụa
Ông Hoàng Tùng - Chủ tịch UBND TP Thủ Đức, TP.HCM cho biết, Công an TP Thủ Đức đang điều tra làm rõ vụ việc sáu người bị ngộ độc botulinum do ăn chả lụa của người bán dạo xảy ra trên địa bàn.
Cũng theo ông Tùng, khi có kết quả điều tra, lực lượng liên quan sẽ xử lý nghiêm các trường hợp nếu có vi phạm vệ sinh an toàn thực phẩm.
Trước đó, ngày 13-5, gia đình bốn người (ngụ TP.Thủ Đức) gồm một người dì cùng ba anh em ruột là NVH (14 tuổi), NVĐ (13 tuổi) và NTX (10 tuổi) mua giò lụa từ người bán dạo không rõ nguồn gốc để ăn với bánh mì. Trong đó có ba trẻ bị ngộ độc botulinum.
Đến tối 20-5, Bệnh viện Chợ Rẫy thông tin đang phối hợp cùng BV Nhân dân Gia Định tiếp tục điều trị cho ba trường hợp khác cũng bị ngộ độc botulinum do ăn bánh mì kẹp chả lụa.
Các bệnh nhân bị ngộ độc đang được các bác sĩ điều trị. Ảnh: BVCC
Cả ba bệnh nhân này đều ngụ tại TP Thủ Đức, thuộc hai gia đình khác nhau. Qua khai thác, cả ba cho biết vào ngày 13-5 có ăn bánh mì kẹp chả lụa của người bán dạo và ăn một loại mắm để lâu ngày.
Đến ngày 14-5 cả ba bệnh nhân đều có triệu chứng rối loạn tiêu hoá, mệt mỏi, đau đầu, choáng váng, tiêu chảy… nên được đưa vào bệnh viện cấp cứu.
Vụ việc sau đó được lực lượng chức năng xác định cơ sở kinh doanh cung cấp chả lụa cho tiệm bánh mì nằm tại địa bàn phường Trường Thọ.
Phòng Y tế TP Thủ Đức đã phối hợp cùng Công an phường Trường Thọ và UBND phường Trường Thọ kiểm tra cơ sở nơi nghi ngờ là điểm kinh doanh chả lụa gây ngộ độc ngộ độc botulinum này.
Qua làm việc, lực lượng chức năng xác định cơ sở này đã hoạt động khoảng hơn hai tháng nay, không có giấy phép kinh doanh, kinh doanh sản phẩm không rõ nguồn gốc, không hoá đơn chứng từ, cơ sở không có biển hiệu.
Làm việc đoàn kiểm tra, chủ cơ sở cho biết là chỉ buôn bán nhỏ lẻ nên không có các giấy tờ liên quan. Bước đầu, đoàn kiểm tra đã yêu cầu cơ sở này ngưng hoạt động, lập biên bản xử phạt vi phạm hành chính vì các lỗi liên quan.
Bé gái 3 tháng tuổi bị bạo hành chấn thương sọ não: Mẹ và người tình đều dương tính ma túy
Ngày 21-5, trao đổi với phóng viên Báo Người Lao Động, lãnh đạo cơ quan điều tra Công an TP Đà Lạt cho biết đang tạm giữ đối tượng Trần Hoài Thương (33 tuổi, ngụ phường 2, TP Đà Lạt) để điều tra về hành vi bạo hành khiến bé gái N.T.C (gần 3 tháng tuổi) bị nhiều thương tích rất nặng.
Bé C đang được điều trị tại bệnh viện đa khoa Lâm Đồng. Ảnh: H.X
Mẹ của bé gái là N.P.H.A. (22 tuổi, ngụ phường 3, TP Đà Lạt) cũng bị tạm giữ. Qua xét nghiệm nhanh, cả Thương và H.A. đều cho kết quả dương tính với ma túy.
Tại cơ quan điều tra, Trần Hoài Thương đã thừa nhận bạo hành nhiều lần đối với bé gái mới gần 3 tháng tuổi trong nhiều ngày vì hay quấy khóc. Đêm 20-5, bé gái không chịu uống sữa nên bị Thương đánh vào đầu khiến bé ộc sữa và khó thở.
Bé C. được đưa vào bệnh viện cấp cứu sau đó và xác định bị tổn thương nội sọ, gãy xương cẳng tay, gãy xương đùi, gãy xương cẳng chân cùng một số chấn thương nặng khác.
Lãnh đạo UBND TP Đà Lạt đã đến thăm bé C. và đề nghị tập trung cứu chữa tốt nhất cho bé, yêu cầu các đơn vị liên quan vào cuộc làm rõ vụ việc.
Thầy giáo nhận lỗi sau khi đánh vợ phải nhập viện cấp cứu
Ngày 21/5, Phòng Giáo dục và Đào tạo (GD&ĐT) huyện Buôn Đôn (Đắk Lắk) cho biết, đơn vị đang yêu cầu Trường tiểu học Nguyễn Thị Minh Khai (xã Ea Huar) báo cáo vụ việc thầy giáo N.V.H.L. (33 tuổi), giáo viên nhà trường có hành vi đánh vợ (giáo viên mầm non) gây thương tích, phải nhập viện cấp cứu.
Cụ thể, theo tường trình của thầy giáo L., nguyên nhân đánh vợ do từ lúc dọn ra sống riêng được 3 năm đến nay, cô N. ít quan tâm, chăm lo cho gia đình như: nấu cơm, cho con ăn uống, đưa đón đi học…
Về tiền bạc, tất cả khoản chi tiêu sinh hoạt, tiền học của con hầu như do một mình thầy L. gánh vác. Mỗi lần thầy L. hỏi vợ mình tiền lương, cô N. đều nói hết rồi. Theo thầy L., vợ mình thường xuyên đi làm sớm và về trễ hơn so với các đồng nghiệp khác. Có thời điểm nhiều ngày liên tục, cô N. đi từ sớm đến khoảng 6 giờ tối mới về xong lại đi tới hơn 12 giờ đêm.
Trên mặt cô N. có nhiều vết thương do chồng đánh.
Do nhiều vấn đề nên thầy L. đã nhiều lần đề nghị viết đơn ra tòa để giải quyết ly hôn nhưng cô N. không đồng ý, khiến thầy L. bức xúc trong thời gian dài.
Đến ngày 13 và 14/5, do mâu thuẫn về tiền bạc, cô N. chửi bới thầy L. dẫn đến việc thầy L. đánh đập cô N. phải nhập viện cấp cứu.
“Bản thân tôi nhận thức được việc làm của mình là sai và phải chịu trách nhiệm trước pháp luật nhưng vì những nguyên nhân nói trên tôi mới có hành động đó. Kính mong Ban Giám hiệu Trường tiểu học Nguyễn Thị Minh Khai và các cấp, các ngành có liên quan xem xét về nguyên nhân dẫn đến sự việc như tôi trình bày ở trên”, trích bản tường trình của thầy L gửi Ban Giám hiệu Trường tiểu học Nguyễn Thị Minh Khai.
Trước đó, thấy con gái bị chồng đánh, bố của chị N. đã phản ánh vụ việc đến cơ quan chức năng.
Theo lời kể của người bố, trưa 14/5, ông nhận tin từ người thân báo con gái ông nhập viện cấp cứu vì bị chồng đánh.
Tại Trung tâm Y tế huyện Buôn Đôn chị N. được chẩn đoán đa chấn thương, xuất huyết kết mạc, cơ thể có nhiều vết thương ở vùng trán, chân mày, mi mắt, sưng nề ổ mắt, vùng đỉnh đầu có khối sưng, dập môi...
Sau đó, người nhà đã xin chuyển cô N. lên Bệnh viện Đa khoa vùng Tây Nguyên để chữa trị do vết thương khá nặng.
Thấy con gái bị chồng đánh, bố của chị N. đã phản ánh vụ việc đến cơ quan chức năng.
Hiện các cơ quan chức năng huyện Buôn Đôn đang xác minh, xử lý nghiêm theo quy định của pháp luật.