Tin tức đời sống ngày 2/11: Cứu sống bé sinh non 25 tuần tuổi chỉ nặng 700g

Tin tức đời sống mới nhất ngày 2/11/2022. Cập nhật tin đời sống mới nhất ngày 2/11/2022 trên trang Đời sống & Pháp luật.

Cứu sống bé sinh non 25 tuần tuổi chỉ nặng 700g

Bệnh viện Sản Nhi Nghệ An cho biết sau hơn 3 tháng chăm sóc, các bác sĩ khoa Hồi sức Cấp cứu Sơ sinh đã nuôi sống thành công bé gái chào đời ở tuần 25, chỉ nặng 700g. Được biết, đây là con gái của sản phụ Đ.T.M.N ở Hà Tĩnh.

Theo hồ sơ bệnh án, trước đó, bé gái sinh non được chuyển từ Bệnh viện Đa khoa tỉnh Hà Tĩnh trong tình trạng tiên lượng rất nặng, đe dọa tử vong cao. Trong những ngày đầu, tình trạng bệnh nhi diễn biến hết sức phức tạp, luôn ở trong tình trạng nặng.

Bệnh nhi được nằm lồng ấp, hỗ trợ thông khí bằng máy thở, bơm thuốc surfactant, đặt đường nuôi dưỡng qua tĩnh mạch rốn và duy trì thuốc vận mạch. Ngoài ra, bệnh nhi còn được điều trị kết hợp bệnh lý vàng da và bệnh võng mạc ở trẻ sinh non.

tin tuc doi song ngay 211 cuu song be sinh non 25 tuan tuoi chi nang 700g1             Bác sĩ Bệnh viện Sản nhi Nghệ An chăm sóc em bé sinh non. Ảnh: Phụ Nữ Việt Nam

Báo Phụ Nữ Việt Nam dẫn lời bác sĩ Trương Lệ Thi, Trưởng khoa Hồi sức cấp cứu sơ sinh cho biết, thể trạng của bé sơ sinh rất non yếu, chỉ 700g. Nhịp tự thở của bé kém, da tái, bầm tím nhiều vùng mặt, phổi thông khí kém, bộ phận sinh dục ngoài chưa hoàn thiện, mạch bẹn bắt kém.

Bên cạnh đó, các cơ quan trong cơ thể bé chưa trưởng thành, hoàn thiện nên nguy cơ suy hô hấp, suy tuần hoàn và nhiễm trùng của bệnh nhi rất cao. Thấu hiểu sự mong mỏi, lo lắng, cũng như kỳ vọng rất lớn của gia đình các y, bác sĩ xác định nỗ lực điều trị và chăm sóc để cứu sống bé, mang lại hạnh phúc cho đại gia đình.

Đối với các trẻ non yếu, cân nặng cực thấp, chế độ điều trị được tính toán cẩn thận bao gồm lượng dịch, năng lượng và lượng sữa theo từng ngày tùy thuộc cân nặng. Bệnh nhi nói trên được theo dõi cân nặng 2 lần/tuần để điều chỉnh kịp thời, đảm bảo trẻ tăng cân tốt trong quá trình điều trị. Đồng thời, việc tuân thủ chế độ chăm sóc, đảm bảo vô khuẩn trong quá trình trẻ nằm viện được thực hiện nghiêm ngặt.

Bệnh nhi được xuất viện sau hơn 3 tháng điều trị. Dưới sự chăm sóc của các y bác sĩ tại khoa Hồi sức cấp cứu sơ sinh, cân nặng của bé đã đạt 2,75kg, sức khỏe ổn định. Đây là bước đệm quan trọng giúp cho bé phát triển bình thường như bạn bè cùng lứa. Trẻ được khám sàng lọc đầy đủ về thính lực, sàng lọc bệnh võng mạc trẻ đẻ non đầy đủ trước khi ra viện.

Thiếu niên 15 tuổi bị sốc mất máu cấp

Theo thông tin từ Bệnh viện Nhi đồng 2 (TP.HCM), đơn vị này vừa tiếp nhận và can thiệp cho một trường hợp bị sốc mất máu cấp. Trước đó, bệnh nhi P.H. (15 tuổi) nhập viện trong tình trạng đi tiêu ồ ạt ra máu đỏ tươi, da xanh, niêm nhợt nhạt.

Dù đã được truyền máu bổ sung nhưng tình trạng mất máu vẫn diễn ra không kiểm soát được, khiến bệnh nhi rơi vào sốc giảm thể tích do xuất huyết tiêu hóa. Việc chẩn đoán, xác định vị trí bị xuất huyết gặp nhiều khó khăn bởi đường ruột rất dài gây khó khăn khi kiểm tra hình ảnh.

Sau khi làm các thủ thuật và xác định được vị trí chảy máu, các bác sĩ đã thực hiện phương pháp mổ hở, đưa vị trí hổng trạng bị xuất huyết ra ngoài ổ bụng. Sau phẫu thuật, sức khỏe của bệnh nhi phục hồi tốt.

“Khi mở lòng ruột ra, ê kíp ghi nhận vị trí này bị vỡ dị dạng khiến máu chảy thành vòi. Đoạn ruột có mạch máu dị dạng được cắt và khâu nối lại thành công”, báo Tiền Phong dẫn lời bác sĩ Lê Thọ Đức – người trực tiếp phẫu thuật.

Sốc phản vệ nguy kịch do bị ong mặt quỷ đốt

VTV News đưa tin, trưa ngày 31/10, phòng Cấp cứu của Khoa Khám bệnh và Hồi sức cấp cứu - Bệnh viện Công an tỉnh Tuyên Quang tiếp nhận một bệnh nhi bị phản vệ do ong đốt.

Theo đó, trên đường đi học về, bệnh nhi G.Đ.T.M. (12 tuổi, trú tại TP Tuyên Quang) không may bị ong mặt quỷ đốt nhiều nốt vào đầu và cổ. Sau khi bị ong đốt, bệnh nhi bị khó thở, vã nhiều mồ hôi và được người nhà đưa vào Bệnh viện Công an tỉnh Tuyên Quang cấp cứu.

tin tuc doi song ngay 211 cuu song be sinh non 25 tuan tuoi chi nang 700g2                                      Bác sĩ kiểm tra tình trạng của bệnh nhi. Ảnh: VTV News

Bệnh nhi nhập viện trong tình trạng gọi hỏi đáp phản ứng chậm, da toàn thân mẩn đỏ, vã mồ hôi da lạnh, môi tím tái. Ekip trực của bệnh viện lập tức xử trí nhanh, chính xác, kịp thời dùng các thuốc vận mạch, chống sốc cứu bệnh nhi thoát cơn nguy kịch.

Bác sĩ CKI Trần Văn Long - Trưởng Khoa Khám bệnh và Hồi sức cấp cứu chia sẻ, nọc của ong mặt quỷ rất độc và nguy hiểm. Khi bị đốt, nọc độc của ong mặt quỷ có thể gây ra tình trạng sốc phản vệ, tan máu, vỡ hồng cầu, rối loạn đông máu, tổn thương cơ, tổn thương thận nặng… Nếu không xử trí kịp thời thì rất dễ nguy hiểm đến tính mạng.

Nếu thấy có dấu hiệu nặng như sưng đau, người thấy khó chịu, mệt mỏi hoặc các nốt đốt ở những vị trí ở đầu, mặt cổ… sau khi bị ong mặt quỷ đốt, người bệnh cần đến cơ sở y tế gần nhất gần nhất để các bác sĩ khám và cấp cứu kịp thời.