Cụ bà 81 tuổi bị ong vò vẽ đốt hơn 70 vết
Theo TTXVN, chiều ngày 20/4, bác sĩ Nguyễn Ích Tuấn, Phó Giám đốc Bệnh viện Đa khoa tỉnh Bạc Liêu cho biết, bệnh viện vừa cứu sống bệnh nhân cao tuổi bị ong vò vẽ đốt 71 vết.
Cụ thể, nữ bệnh nhân C.T.L (81 tuổi, ngụ ấp Bần Ổi, xã Vĩnh Lộc A, huyện Hồng Dân) nhập viện ngày 12/4 trong tình trạng lừ đừ, khó thở, thở nhanh, mạch nhanh, huyết áp 85/50 mmHg, rối loạn tri giác, rên rỉ, bứt rứt.
Qua khai thác bệnh sử, tiền sử và thăm khám, các bác sĩ nhận định đây là trường hợp nhiễm độc nặng do ong vò vẽ đốt, kèm theo bệnh nền tăng huyết áp, đái tháo đường type 2. Tiên lượng bệnh nặng sẽ tổn thương đa cơ quan, hôn mê và khả năng tử vong rất cao, các bác sĩ khẩn trương xử trí cấp cứu ban đầu, nhanh chóng thực hiện xét nghiệm cận lâm sàng cần thiết, chỉ định lọc máu liên tục.
Sau nhiều lần lọc máu liên tục, tình trạng người bệnh được cải thiện nhiều. Hiện người bệnh đã tỉnh táo, tự đi lại, ăn uống, các chỉ số xét nghiệm đã trở về bình thường.
Theo lời kể của người nhà, bệnh nhân đi chặt bẹ dừa nước, bị ong vò vẽ đốt vào vùng đầu, mặt, tay, chân và khắp người với 71 vết. Sau đó, gia đình đưa bà đến Bệnh viện Đa khoa tỉnh Bạc Liêu cấp cứu và điều trị.
Cứu sống bệnh nhân bị phình bóc tách động mạch chủ ngực dọa vỡ
Tối ngày 20/4, Bệnh viện Hoàn Mỹ Cửu Long cho biết vừa phẫu thuật cứu sống một trường hợp bị phình bóc tách động mạch chủ ngực dọa vỡ bằng kỹ thuật hybrid, theo báo Người Lao động.
Bệnh nhân là bà T.T.L (55 tuổi, trú tại tỉnh Trà Vinh), được chuyển đến Bệnh viện Hoàn Mỹ Cửu Long với tình trạng đau ngực sau xương ức khoảng 2 ngày, từng đi khám y tế địa phương và được chẩn đoán tăng huyết áp.
Bệnh nhân đã uống thuốc điều trị nhưng cơn đau ngày càng tăng nên nhập cấp cứu tại Bệnh viện Hoàn Mỹ Cửu Long. Sau khi hội chẩn, bệnh nhân được chẩn đoán phình động mạch chủ ngực dọa vỡ trên nền tăng huyết áp và được chỉ định mổ cấp cứu.
Ekip bác sĩ đã điều trị cho người bệnh bằng kỹ thuật hybrid (cùng lúc vừa phẫu thuật chuyển vị mạch máu vùng cổ, vừa can thiệp đặt stent-graft, can thiệp động mạch chủ ngực bằng stent-graft qua da tại đoạn bóc tách của động mạch chủ ngực).
Dưới sự trợ giúp của hệ thống DSA, hệ thống dẫn và stent được đưa vào đúng vị trí tổn thương mạch máu, giúp tái tạo thành động mạch bị tổn thương, làm cho thành động mạch chủ cứng cáp hơn, không bị vỡ; đồng thời điều chỉnh dòng chảy đúng với sinh lý hơn và không còn tác động vào túi phình.
Sau khoảng gần 4 giờ thực hiện, ca mổ kết thúc, chỗ phình động mạch chủ ngực được giải quyết, bệnh nhân được theo dõi hồi sức tim mạch. Sức khỏe của người bệnh chuyển biến tốt, chỉ số sinh hiệu ổn định.
Thiếu nữ 17 tuổi đau quặn bụng sau 30 phút ăn tôm biển
Các bác sĩ bệnh viện Đa khoa Hùng Vương (Phú Thọ) thông tin đã tiếp nhận nữ bệnh nhân 17 tuổi bị phản vệ mức độ nguy kịch với tôm. Thông tin trên tờ Tri Thức Trực Tuyến, bệnh nhân vào cấp cứu trong đêm với tình trạng nổi ban đỏ toàn thân, khó thở, gọi hỏi đáp ứng chậm, mạch nhanh khó bắt, đau bụng từng cơn, huyết áp không đo được.
Người nhà cho biết bệnh nhân có tiền sử dị ứng với tôm, cua, lạc nhưng vẫn ăn tôm biển vì nghĩ rằng sẽ không sao. 30 phút sau khi ăn, bệnh nhân xuất hiện triệu chứng đau quặn bụng. Sau 2 giờ, bệnh nhân nổi ban đỏ, sẩn cục toàn thân, ngứa. Người nhà cho uống thuốc chống dị ứng nhưng triệu chứng không thuyên giảm.
Sau 4 giờ, bệnh nhân tiếp tục đau bụng, nôn và đại tiện phân lỏng 2 lần. Lúc này, gia đình đốt vỏ tôm thành tro và cho bệnh nhân uống theo kinh nghiệm của người quen. Sau khi uống, người bệnh càng nôn nhiều hơn và lịm đi. Đến khi này, gia đình mới đưa đi cấp cứu.
Ngay khi tiếp nhận bệnh nhân, khai thác tiền sử và triệu chứng, các bác sĩ đã chẩn đoán và áp dụng phác đồ cấp cứu phản vệ. Sau tiêm bắp adrenaline, tình trạng bệnh nhân không cải thiện, bác sĩ chỉ định truyền tĩnh mạch liên tục.
Sau đó, bệnh nhân dần ổn định và duy trì huyết áp trong giới hạn. Qua 3 ngày được điều trị, bệnh nhân hồi phục hoàn toàn và xuất viện.
Đinh Kim (T/h)