Ngày 5/12, trong báo cáo truy xuất nguồn thực phẩm gây ngộ độc cho hơn 600 học sinh và giáo viên trường Ischool Nha Trang, Trung tâm Y tế Nha Trang cho biết, nhân viên bếp của trường đã không rã đông hoàn toàn cánh gà đông lạnh mà ngâm vào thau nước, luộc sơ, chiên chưa chín kỹ.
Trước đó, các cơ quan chức năng xác định bữa ăn trưa 17/11 có món cánh gà chiên bị nhiễm vi khuẩn Salmonella là tác nhân gây ngộ độc.
Suất ăn trưa 17/11 khiến hàng trăm học sinh Ischool Nha Trang nhập viện.
Người giám sát và nhân viên bếp cho biết, nguyên liệu cánh gà được nhập vào chiều 16/11, sau đó được để nguyên thùng trên bàn bếp đến sáng hôm sau thì chế biến món ăn. Khoảng 7h30 đến 8h ngày 17/11, sau khi mở thùng nguyên liệu thấy cánh gà chưa rã đông thì nhân viên bếp ngâm vào thau nước rồi luộc sơ rồi chiên thực phẩm. Việc thực phẩm chưa rã đông hoàn toàn, nấu chưa chín kỹ, nguồn nguyên liệu không đảm bảo cũng là điều kiện lý tưởng cho vi sinh vật trong thức ăn phát triển gây nhiễm khuẩn thức ăn.
Theo Cục Y tế Dự phòng (Bộ Y tế), khuẩn Salmonella bị hủy bởi nhiệt độ 50 độ C trong vòng một giờ hoặc 100 độ C trong 5 phút, hoặc có thể bị tiêu diệt bởi các chất sát khuẩn thông thường.
Theo UBND tỉnh Khánh Hòa, số ca ngộ độc thực phẩm liên quan Trường iSchool Nha Trang đã lên đến 665 ca; 1 học sinh lớp 1 người nước ngoài tử vong. Có 3 loại vi khuẩn được phát hiện qua xét nghiệm mẫu cánh gà chiên là Salmonella spp, Escherichia coli và Bacillus cereus. Trong đó, Bacillus cereus - chủng sinh độc tố ly giải hồng cầu và độc tố ruột không ly giải hồng cầu - còn có trong mẫu nước mắm.
Ăn 2 miếng bỏng ngô con đặt trên mạng về, mẹ Hà Nội phải nhập viện vì nguyên nhân không thể ngờ
Sau khi ăn bỏng ngô được khoảng 1 tiếng, người phụ nữ cảm thấy hoa mắt, chóng mặt, buồn nôn phải đưa đi cấp cứu. Kết quả khiến nhiều người bất ngờ về nguyên nhân ngộ độc.
TS.BS Nguyễn Trung Nguyên - Giám đốc Trung tâm Chống độc, Bệnh viện Bạch Mai cho biết, các bác sĩ đang điều trị cho một bệnh nhân nữ (56 tuổi, ở Thanh Xuân Hà Nội) được chẩn đoán bị ngộ độc cần sa sau khi ăn nhầm bỏng ngô nghi có tẩm cần sa.
Theo lời kể của người nhà, tầm 16h30 ngày 29/11, chị Phạm Thị Chang có ăn 2 miếng bỏng ngô. Sau 1 tiếng, chị Chang cảm thấy hoa mắt, chóng mặt, nôn ra thức ăn, sau đó ý thức lơ mơ nên được người nhà đưa vào Trung tâm Chống độc - Bệnh viện Bạch Mai.
Qua khai thác thì được biết bỏng ngô mà bệnh nhân ăn được con đặt mua trên mạng. Kết quả xét nghiệm nước tiểu của bệnh nhân phát hiện chất THC (một chất chính có trong cần sa). Bệnh nhân được chẩn đoán ngộ độc cần sa, được cấp cứu và điều trị theo đúng phác đồ nên đã qua cơn nguy kịch.
Loại bỏng ngô khiến bệnh nhân ngộ độc nặng khi ăn.
Bác sĩ Nguyên khuyến cáo, hiện nay có nhiều loại ma túy mới xuất hiện, không chỉ dưới các dạng truyền thống như dạng viên, dạng bột, dạng tem… mà còn được trộn vào nhiều loại thực phẩm, đồ ăn, thức uống. Trước đó, Trung tâm Chống độc đã tiếp nhận nhiều bệnh nhân ngộ độc cần sa có trong các loại bánh ngọt, bánh quy, kẹo và trong thuốc lá điện tử, thuốc lào. Đây là lần đầu tiên trường hợp ngộ độc cần sa sau ăn bỏng ngô được phát hiện.
Hiện nay có rất nhiều loại ma túy, không chỉ được bán và sử dụng kín đáo mà còn len lỏi phổ biến công khai vào đời sống hàng ngày, liên tục thu hút lôi kéo mở rộng số người tham gia sử dụng và gây nghiện. Lý do là chưa cấm các loại ma túy đó được đưa vào thuốc lá điện tử hay các đồ ăn thức uống và ở các tụ điểm giải trí. Việc quản lý mua bán online chưa chặt chẽ cũng khiến việc phát tán các sản phẩm này rất nhanh chóng.
Bác sỹ Nguyên cũng nhấn mạnh, cần sa là một loại ma túy tự nhiên và cổ điển, việc xét nghiệm phát hiện dễ dàng. Tuy nhiên hầu hết các ma túy khác hiện nay là các chất mới, các kẻ xấu thay đổi hàng ngày (thường được gọi dưới tên không chính xác là các chất cần sa tổng hợp), các phòng xét nghiệm hiện đại ở nước ta còn chưa kịp nghiên cứu tìm ra cách phát hiện, nhà nước còn chưa kịp đưa vào danh sách cấm, thì đã có chất mới xuất hiện thêm.
Hiện nay, ngoài một vài phòng xét nghiệm thuộc hệ thống pháp y, khoa học hình sự thì tất cả các phòng xét nghiệm ở các bệnh viện và tất cả các đơn vị cơ động kiểm tra ma túy nhanh trên cả nước đều không thể xét nghiệm phát hiện các ma túy mới này.
* Tên bệnh nhân đã được thay đổi
Bé trai Hải Dương nát bàn tay vì điện thoại phát nổ khi đang chơi game
Trong quá trình chơi game, bé trai 14 tuổi liên tục sạc pin khiến chiếc điện thoại phát nổ, làm bàn tay trái em bị dập nát phải nhập viện cấp cứu.
Ca cấp cứu trên vừa được các bác sĩ Bệnh viện Trung ương Quân đội 108 thực hiện ngày 4/12. Nạn nhân là bé trai 14 tuổi, ở Hải Dương. Khi vào viện, bàn tay trái của bệnh nhân bị tổn thương nặng nổ điện thoại.
Gia đình cho biết, tai nạn xảy ra khi bệnh nhân đang dùng điện thoại chơi game. TS.BS Ngô Thái Hưng, Khoa Chấn thương chi trên và vi phẫu thuật, Viện Chấn thương chỉnh hình, Bệnh viện Trung ương Quân đội 108 cho biết, nam bệnh nhân bị nát bàn tay trái, vết thương dập nát da gan tay và hở lộ khối xương trụ cốt, gãy hở các xương bàn. Vụ tai nạn còn khiến trẻ dập nát 5 ngón, nát hết phần mềm.
Bệnh nhân được các bác sĩ tiến hành phẫu thuật cắt lọc vết thương, chỉnh trục các ngón, găm đinh cố định, khâu định hướng vết thương. Hiện, bệnh nhân tỉnh táo, các ngón tay hồng trở lại…
Hình ảnh bàn tay bị dập nát của bệnh nhân sau khi được bác sĩ xử lý.
Theo TS.BS Hưng các dạng tổn thương này thường phức tạp, ngoài các tổn thương dập nát trực tiếp còn các tổn thương do sóng nổ. Do đó, các tổn thương thường có hoại tử thứ phát sau phẫu thuật, bệnh nhân cần được theo dõi tiếp.
Thực tế, đã có rất nhiều trường hợp bị tổn thương nặng do vừa dùng điện thoại vừa sạc, thậm chí nhiều vụ tai nạn do nổ điện thoại khi chơi điện tử trong thời gian liên tục gây cụt chi, bỏng mặt... TS.BS Ngô Thái Hưng lưu ý mọi người cẩn trọng khi sử dụng điện thoại để tránh sự cố:
- Không sử dụng điện thoại khi đang sạc pin.
- Để điện thoại ở nơi thoáng mát khi sạc pin (lý tưởng ở 25 độ C).
- Không sử dụng các loại củ sạc, dây sạc, pin, pin dự phòng không chính hãng hoặc không phải của các hãng uy tín.
- Khi thiết bị không sử dụng trong thời gian dài cần sạc pin lên tối thiểu 50%. Sau 6 tháng không sử dụng cần sạc lại pin.
- Với công nghệ pin Li-ion hiện tại thì có thể sạc lại pin ở bất kỳ dung lượng nào, nhưng khuyến cáo nên sạc đầy pin rồi sử dụng, tránh việc cắm đi cắm lại nhiều lần, có thể gây chai pin.
- Khi phát hiện pin có dấu hiệu bất thường (pin bị phồng, pin sụt nhanh bất thường…) cần liên hệ với nhà sản xuất thiết bị để được thay thế.
- Pin Li-ion phổ biến trên điện thoại di động hiện nay dùng trên 2 năm, dù dùng đúng cách thì dung lượng pin cũng bị giảm đi, thường chỉ còn khoảng 80%. Lúc này dù pin không có dấu hiệu bất thường thì cũng nên xem xét thay thế.