Theo Báo cáo tài chính đã kiểm toán năm 2022, Tổng Công ty Hàng hải Việt Nam (VIMC) lợi nhuận sau thuế 2.540 tỷ đồng, giảm 786 tỷ đồng so với năm 2021.
Lãi hơn 2.540 tỷ đồng
Tổng Công ty Hàng hải Việt Nam (VIMC) vừa công bố Báo cáo tài chính hợp nhất đã được kiểm toán năm 2022 với doanh thu đạt 14.342 tỷ đồng, tăng 7,5% so với năm 2021.
Thông tin tại Báo cáo thường niên 2023 của VIMC cho biết thêm, doanh thu chủ yếu đến từ hoạt động vận tải biển đạt 4.749 tỷ đồng và hoạt động khai thác cảng biển đạt 6.650 tỷ đồng.
Báo cáo của VIMC cũng cho biết, sản lượng hàng thông qua cảng cả năm 2022 đạt 124 triệu tấn, sản lượng vận tải biển đạt 21,8 triệu tấn, đều thấp hơn thực hiện trong năm 2021.
Giá vốn bán hàng chỉ tăng nhẹ lên 10.366 tỷ đồng. Do đó, lợi nhuận gộp về bán hàng và cung cấp dịch vụ đạt hơn 3.976 tỷ đồng, tăng 6,1%.
Trong năm 2022, chi phí tài chính của VIMC giảm 56 tỷ đồng, còn 502 tỷ đồng, chi phí khác giảm còn 70,6 tỷ đồng. Ngược lại, chi phí bán hàng và chi phí quản lý doanh nghiệp đồng loạt tăng, lần lượt ghi nhận ở mức 156 tỷ đồng và 1.324 tỷ đồng.
Trong khi hoạt động bán hàng và cung cấp dịch vụ ghi nhận tăng trưởng, thì mảng hoạt động tài chính lại sụt giảm so với năm 2021 với việc chỉ mang về 549 tỷ đồng doanh thu (giảm 10%). Đáng chú ý, khoản lãi trong công ty liên doanh, liên kết giảm còn 173 tỷ đồng, trong khi con số này ở năm 2021 là 797 tỷ đồng.
Lợi nhuận thuần từ hoạt động kinh doanh trong năm 2022 của VIMC là 2.717 tỷ đồng (giảm 22%). Thu nhập khác cũng giảm còn 409 tỷ đồng. Lợi nhuận khác là 339 tỷ đồng.
Kết quả, VIMC lãi trước thuế 3.055 tỷ đồng (giảm 20%), lãi ròng giảm gần 31%, ghi nhận ở mức 2.540 tỷ đồng. Kết quả này thấp hơn 25 tỷ đồng so với số liệu thể hiện trong Báo cáo tài chính hợp nhất quý IV/2023 được VIMC tự lập và công bố hồi cuối tháng 1/2023.
Theo giải trình từ phía VIMC, lợi nhuận sau thuế năm 2022 giảm sút là do lợi nhuận gộp về bán hàng và cung cấp dịch vụ và lợi nhuận khác tăng 248 tỷ đồng, trong khi chi phí bán hàng, chi phí quản lý doanh nghiệp và thuế tăng lại tăng tới 410 tỷ đồng. Ngoài ra, Tổng Công ty còn ghi nhận khoản lãi lỗ trong công ty liên kết, liên doanh giảm 623 tỷ đồng.
Tuy nhiên, năm 2022, VIMC đề ra mục tiêu doanh thu thuần và lợi nhuận sau thuế lần lượt là 12.500 tỷ đồng và 2.518 tỷ đồng. Như vậy, doanh nghiệp vẫn hoàn thành các mục tiêu cả về doanh thu lẫn lợi nhuận năm.
Trong năm 2023, VIMC dự báo bối cảnh kinh tế thế giới có nhiều biến động ảnh hưởng lớn đến ngành hàng hải toàn cầu. Do đó, doanh nghiệp chỉ đặt mục tiêu doanh thu hợp nhất 13.354 tỷ đồng và lợi nhuận trước thuế đạt 2.300 tỷ đồng.
Thông tin về tình hình tài chính của Tổng Công ty Hàng hải Việt Nam, tại ngày 31/12/2022, tổng tài sản của Tổng công ty là 26.946 tỷ đồng, tăng hơn 319 tỷ đồng so với thời điểm đầu năm. Cơ cấu tài sản gần như chia đều cho tài sản ngắn hạn (12.835 tỷ đồng) và tài sản dài hạn (14.110 tỷ đồng).
Trong đó, tài sản cố định là 9.498 tỷ đồng, chiếm tỷ trọng 35,3% tổng tài sản và cũng là chỉ tiêu lớn nhất trong tổng tài sản. Đây là các hạnh mục tài sản cố định có giá trị lớn như đội tàu biển, hệ thống bến cảng, kho bãi, phương tiện thiết bị...
Các khoản đầu tư tài chính ngắn hạn gần 6.400 tỷ đồng, chiếm tỷ trọng 23,8% tổng tài sản. Đây là các khoản tiền gửi có kỳ hạn dưới 1 năm của VIMC và các công ty con.
Một điểm sáng nữa trong bức tranh tài chính của VIMC là nợ phải trả thời điểm cuối năm là 12.861 tỷ đồng, giảm mạnh so với đầu năm và phần lớn là nợ ngắn hạn.
VIMC cho biết, trong tổng nợ phải trả, vay và nợ thuê tài chính là 3.524 tỷ đồng, tập trung tại Ngân hàng Phát triển Việt Nam (VDB) là 1.433 tỷ đồng. Trong năm 2022, VIMC và các doanh nghiệp thành viên tập trung trả nợ tại VDB và cơ cấu nợ tại các ngân hàng thương mại nên nợ vay tài chính đã giảm mạnh.
Nguồn vốn tăng thêm 319 tỷ đồng lên 26.946 tỷ đồng. Vốn chủ sở cũng được nâng lên 14.085 tỷ đồng (tăng 21,6%), chiếm tỷ trọng 52,3% tổng nguồn vốn.
Về dòng tiền, doanh nghiệp ghi nhận dòng tiền thuần từ hoạt động kinh doanh ở mức dương 2.609 tỷ đồng, giảm mạnh so với đầu năm.
Chưa chốt phương án thoái vốn
Trong năm 2022, VIMC đưa ra dự thảo đề án cơ cấu giai đoạn 2021-2025 được các cơ quan Trung ương thảo luận, cho ý kiến. Theo đề xuất của VIMC, đơn vị này muốn giảm tỷ lệ sở hữu Nhà nước tại công ty mẹ từ 99,47% vốn hiện nay xuống còn 65%.
Với khối doanh nghiệp thành viên VIMC đang khai thác các cảng biển, đơn vị này đề xuất giảm tỷ lệ sở hữu vốn của công ty mẹ tại các cảng này. Cụ thể, VIMC đề xuất giảm sở hữu vốn của công ty mẹ tại 5 cảng về mức 51% cổ phần, gồm: Cảng Cần Thơ (đang nắm 99% vốn), cảng Cam Ranh (đang nắm gần 81% vốn), cảng Quy Nhơn (hiện nắm 75% vốn), cảng Đà Nẵng (hiện nắm 75% vốn), cảng Cái Lân (hiện nắm 56% vốn). Riêng cảng Hải Phòng, VIMC đề xuất giảm tỷ lệ vốn sở hữu từ 92,5% hiện nay xuống còn 65% vốn; thoái toàn bộ vốn tại Công ty TNHH Vận tải hàng công nghệ cao (hiện nắm 56% vốn).
Với khối doanh nghiệp thành viên của VIMC trong lĩnh vực vận tải biển, dịch vụ hàng hải và logistics, VIMC đề xuất thoái hết vốn tổng công ty đang nắm tại đa số các công ty này, gồm: Công ty CP Vận tải biển và Thương mại Phương Đông (hiện nắm 49% vốn); Công ty CP Vận tải và thuê tàu biển Việt Nam (hiện VIMC nắm hơn 47% vốn); Công ty CP Hàng hải Đông Đô (hiện nắm gần 49% vốn); Công ty CP Vận tải biển Hải Âu (hiện nắm hơn 26% vốn); Công ty CP Vinalines Nha Trang (hiện giữ gần 92% vốn); Công ty Liên danh khai thác container Việt Nam (hiện giữ 60% vốn); Công ty CP Hàng hải Sài Gòn (hiện giữ hơn 10% vốn).
Theo giới thiệu, Tổng Công ty Hàng hải Việt Nam – CTCP hiện có 34 doanh nghiệp thành viên (9 công ty con, 13 công ty liên kết 2 khoản đầu tư khá), 1 doanh nghiệp đang thực hiện giải thể và 2 doanh nghiệp đang thực hiện phá sản.
Tổng Công ty phát triển kinh doanh trên 3 lĩnh vực gồm: Vận tải biển, khai thác cảng biển và dịch vụ hàng hải. Hiên, Chủ tịch HĐQT Tổng Công ty Hàng hải Việt Nam là ông Lê Anh Sơn. Vị trí Tổng giám đốc do ông Nguyễn Cảnh Tĩnh nắm giữ.
Vân Anh