Báo cáo tài chính hợp nhất năm 2022 đã kiểm toán của Tổng Công ty Lương thực miền Nam – CTCP (mã chứng khoán: VSF) ghi nhận doanh nghiệp này lần đầu tiên thoát lỗ kể từ thời điểm cổ phần hoá vào năm 2018.
Trong năm 2022, doanh thu về bán hàng và cung cấp dịch cụ của Vinafood 2 đạt 17.319 tỷ đồng, tăng gần 5% so với năm 2021. Chi phí hoạt động tài chính tăng 80%, lên 294 tỷ đồng, trong đó chi phí lãi vay là 128,5 tỷ đồng. Các khoản chi phí bán hàng và chi phí quản lý doanh nghiệp lần lượt là 979,8 tỷ đồng và 402 tỷ đồng, tương ứng tăng 20% và 7,7%.
Trừ đi các khoản chi phí, lợi nhuận sau thuế của Vinafood 2 đạt 21,1 tỷ đồng, trong khi năm ngoái công ty báo lỗ sau thuế hơn 324 tỷ đồng. Đây cũng là kết quả kinh doanh khả quan nhất trong vòng 5 năm qua của Tổng công ty.
Nhận xét về tình hình hoạt động kinh doanh năm 2022, ban lãnh đạo công ty cho biết sự tăng giá của các loại hàng hoá, đặc biệt là lương thực và thực phẩm đã giúp công ty tăng trưởng doanh thu. Tuy nhiên, để đạt được lợi nhuận sau nhiều năm thua lỗ, công ty đã tăng cường kiểm soát các chi phí sản xuất kinh doanh một cách hiệu quả.
Tính đến ngày 31/12/2022, tổng tài sản của công ty đạt 8.527 tỷ đồng, tăng 2.000 tỷ đồng so với đầu năm. Nợ phải trả của công ty cũng tăng mạnh lên mức 6.072 tỷ đồng, chiếm chủ yếu là nợ ngắn hạn - 4.700 tỷ đồng – và gần bằng tài sản ngắn hạn (4.851 tỷ đồng).
Mặc dù lợi nhuận cải thiện song tính đến hết năm 2022, công ty vẫn lỗ lũy kế hợp nhất là 2.785 tỷ đồng, phần nào khiến vốn chủ sở hữu bị ăn mòn và ghi nhận mức 2.454 tỷ đồng.
Hiện Vinafood 2 đang có nhiều khoản vay tại hàng loạt ngân hàng như Vietcombank (hơn 551 tỷ đồng); MBBank (450 tỷ đồng); HDBank (hơn 172 tỷ đồng); MSB (349 tỷ đồng), PVComBank (30 tỷ đồng),….Trong đó các khoản tín dụng từ MSB, MBBank và PVCombank đều theo dạng tín chấp, không cần tài sản đảm bảo.
Đến cuối năm 2022, Vinafood 2 đã phải trích lập dự phòng hơn 1.277 tỷ đồng cho các khoản nợ xấu và nợ khó đòi. Trong đó, hạng mục phải thu của khách hàng giá trị 221,3 tỷ đồng từ Công ty TNHH Xuất nhập khẩu thương mại, CTCP Lương thực Hậu Giang, Công ty TNHH Lương thực V.A.P,...đều đã quá hạn hơn 5 năm.
Đơn vị kiểm toán cũng đưa ra ý kiến ngoại trừ với báo cáo tài chính của VSF. Theo đó, Tổng công ty đang ghi nhận khoản đầu tư vào CTCP Lương thực Hậu Giang – một công ty con theo giá gốc với gía trị tại ngày 31/12/2022 là 38,7 tỷ đồng và khoản đầu tư này đã được dự phòng tổn thất toàn bộ. Công ty con này đã tạm ngừng hoạt động từ năm 2014 và đang trong quá trình thực hiện thủ tục phá sản.
Tuy nhiên, kiểm toán viên tiền nhiệm đã không thể thu thập được đầy đủ các bằng chứng kiểm toán thích hợp về các thông tin tài chính cần thiết của công ty con này.
Giải trình về ý kiến ngoại trừ của kiểm toán, công ty cho biết CTCP Lương thực Hậu Giang đã có quyết định tuyên bố phá sản nên công ty không lập báo cáo tài chính, việc thực hiện các thủ tục tiếp theo như thu hồi, thanh lý tài sản còn lại, phân chia tài sản sau khi tuyên bố phá sản,…do quản tài viên thực hiện theo quy định. Về phía VSF sẽ vẫn tiếp tục theo dõi tiến độ thực hiện các thủ tục phá sản.
Tại Đại hội đồng cổ đông thường niên năm 2023, HĐQT Vinafood 2 đã đề ra kế hoạch doanh thu hợp nhất toàn Tổng công ty là 15.325 tỷ đồng, lợi nhuận trước thuế 100,58 tỷ đồng.
Ngoài ra, Đại hội cũng thông qua tờ trình của HĐQT Tổng công ty về tiền lương, thù lao của HĐQT, Ban kiểm soát năm 2022 và kế hoạch năm 2023. Theo đó, năm 2022, tiền lương của Chủ tịch HĐQT Vinafood2 là 36 triệu đồng/tháng, Tổng giám đốc là 32 triệu đồng/tháng,...Tiền lương người quản lý chuyên trách (7 người) là 2,6 tỷ đồng; thù lao người quản lý không chuyên trách (3 người) là 227 triệu đồng.
Đáng chú ý, năm 2023, Tổng công ty dự kiến xây dựng quỹ tiền lương và thù lao đối với người quản lý là 4,5 tỷ đồng, trong đó riêng lương của người quản lý chuyên trách (bao gồm Chủ tịch HĐQT, Phó Chủ tịch HĐQT, thành viên HĐQT, Tổng giám đốc, Phó TGĐ, Kế toán trưởng, Trưởng ban Kiểm soát) là gần 4,2 tỷ đồng.
PV