Tôi sinh năm 1988, quê ở một huyện miền núi của tỉnh Hòa Bình. Tôi học đại học chuyên ngành Công nghệ thông tin ở Hà Nội, sau khi ra trường thì làm việc luôn tại Hà Nội. Tính ra tổng thời gian sinh sống của tôi ở Hà Nội đã được hơn 10 năm. Ngần ấy năm gắn bó với nơi "đất chật người đông" này, tôi hiểu rõ sự khắc nghiệt của nó. Tuy nhiên, tôi luôn muốn định cư lâu dài ở Hà Nội vì tại đây, tôi mới có nhiều cơ hội để phát triển sự nghiệp và kiếm tiền.
Sau khi tốt nghiệp ra trường được 1 năm, tôi có bạn gái. Chúng tôi bằng tuổi nhau và có rất nhiều điểm chung như cùng ở quê lên Hà Nội, làm cùng ngành công nghệ thông tin, tính cách mạnh mẽ và sống rất thực tế. Kể từ khi yêu nhau, cô ấy động viên, hỗ trợ tôi rất nhiều trong công việc. Tôi đã nghĩ, cô ấy chính là một nửa mảnh ghép của cuộc đời mình. Thế nhưng, mối tình đầu đẹp đẽ ấy đã kết thúc trong đau đớn, chỉ bởi cô ấy luôn quan niệm "sẽ chỉ kết hôn với người đã có nhà Hà Nội". Trong khi, "giấc mơ nhà Hà Nội" với một chàng trai xuất thân miền núi, gia cảnh khó khăn như tôi lúc đó là điều quá xa vời.
Tôi không muốn mua được cái nhà mà lúc nào cũng áp lực "còng lưng trả nợ", vì cái nhà mà vợ con phải chắt bóp, ăn không dám ăn, tiêu không dám tiêu...(Ảnh minh hoạ).
Chia tay mối tình đầu đầy tiếc nuối, tôi mang theo nỗi ám ảnh "chưa có nhà Hà Nội". Tôi mải mê làm việc và cũng có nhiều thành tựu, được công ty tăng lương, khen thưởng. Tuy nhiên, vì là một công ty tư nhân nhỏ, nên dù là nhân viên xuất sắc, mức lương hiện nay của tôi cũng chỉ khoảng 15 triệu đồng/tháng, ngoài ra tôi còn nhận làm thêm ở chỗ khác, kiếm thêm được tầm 5 triệu/tháng. Tổng thu nhập 20 triệu đồng/tháng không phải là quá tệ, nhưng để tích lũy, mua nhà vẫn là điều "không tưởng". Đó cũng là lý do, khi gặp gỡ, hẹn hò các cô gái, tôi luôn để ý thăm dò xem họ có coi trọng vật chất, có quan tâm đến chuyện mua nhà Hà Nội không.
Mãi hơn 1 năm gần đây, tôi mới có bạn gái mới. Cô ấy kém tôi 5 tuổi, xinh xắn, hiền lành, gia đình có điều kiện. Thời gian đầu yêu nhau, cô ấy luôn nói với tôi rằng "chuyện nhà cửa không quan trọng". Tuy nhiên gần đây, tôi thấy bạn gái có nhiều đổi khác trong suy nghĩ. Mỗi lần hai đứa đi chơi với nhau, cô ấy hay kể chuyện người nọ, người kia mua được nhà trả góp hoặc bạn cô ấy mới lấy chồng đã có ngay căn nhà 2 - 3 tỷ bố mẹ chồng tặng. Những câu chuyện này lại khiến tôi áp lực và nỗi ám ảnh "chưa có nhà Hà Nội" năm nào lập tức trỗi dậy.
Hôm vừa rồi, cô ấy còn chia sẻ rằng, cưới nhau xong hai đứa ở trọ cũng được nhưng khi đã có con thì không ở tiếp tục cảnh thuê trọ. Sau khi cưới khoảng 1 năm, hai vợ chồng phải cố gắng vay mượn thêm, mua được căn nhà trả góp, "an cư" rồi mới tính tới "lạc nghiệp". Tôi có phân tích trước sau gì cũng sẽ mua nhà, nhưng phải đợi thêm một thời gian chứ không thể gấp như thế được. Tôi không muốn mua được cái nhà mà lúc nào cũng áp lực "còng lưng trả nợ", vì cái nhà mà vợ con phải chắt bóp, ăn không dám ăn, tiêu không dám tiêu...
Nhiều bạn bè của tôi khuyên rằng đừng suy nghĩ thực tế quá, ở quê nghèo khó thế sao người ta vẫn lấy nhau, vẫn hạnh phúc, con đàn cháu đống đấy thôi. Nhưng ngẫm đi ngẫm lại thì thấy, ở quê dẫu không tiền thì có gì ăn nấy, không nhà cao cửa rộng thì ai cũng có "mảnh đất cắm dùi". Còn ở nơi "đất chật người đông" như Hà Nội này, hai vợ chồng phải sống cảnh nhà thuê, tằn tiện từng đồng để cố mua được một ngôi nhà thì khốn khó đủ đường!
Vậy tôi nên liều cưới vợ rồi mua nhà, hay bao giờ tự mua được nhà rồi mới nghĩ đến chuyện yêu đương, lấy vợ? Tôi đang rất băn khoăn và áp lực. Mong nhận được ý kiến tư vấn của mọi người!
Hoàng Dũng(Hà Nội)
Theo Vietnamnet