Tối 19/7, trong họp báo về tình hình phòng chống dịch Covid-19, lãnh đạo sở Công Thương TP.HCM đã đưa ra nhận định về hoạt động mua bán hàng hóa trên địa bàn.
Theo đó, khi TP.HCM và 16 tỉnh, thành miền Nam bước vào giai đoạn giãn cách xã hội theo Chỉ thị 16 từ ngày 19/7, ngành công thương TP. đã có phương án chuẩn bị tăng cường cung ứng hàng hóa cho người dân, đảm bảo đầy đủ kể cả trong trường hợp tập trung mua sắm dày đặc hơn.
Song, điều đáng mứng là trong 24h qua, tình hình mua sắm hàng hóa tại TP.HCM không có đột biến khi số lượng người mua và khối lượng hàng hóa được mua đều giảm hẳn, trong khi nguồn hàng chuẩn bị vẫn tăng lên nên áp lực phân phối đã giảm bớt.
Đồng thời, trước chỉ đạo của UBND TP.HCM về việc mở cửa lại chợ truyền thống, sở Công Thương đã làm việc với quận, huyện, TP.Thủ Đức để đảm bảo phòng chống dịch khi thí điểm bán hàng thiết yếu, chủ yếu là đồ tươi sống, rau củ quả.
Trong khi các chợ phải dừng hoạt động tăng lên thì số chợ được phép mở cửa trở lại cũng tăng lên, bù đắp vào chuỗi vận hành lưu thông hàng hóa. Như sáng nay có 44 chợ đang hoạt động thì đến chiều là 44 chợ hoạt động. Tích cực nhất là quận Bình Tân khi đã mở cửa lại 5 chợ.
Phó Giám đốc sở Công Thương TP.HCM Nguyễn Nguyên Phương chia sẻ: “Qua đánh giá của chúng tôi, khi tiến độ mở lại chợ truyền thống nhanh hơn sẽ giúp giảm áp lực cho siêu thị. Việc điều phối bán hàng cũng linh hoạt giữa trực tiếp và trực tuyến nhằm nâng cao năng lực. Ưu tiên bán hàng theo combo để giảm thời gian chuẩn bị và tiếp xúc giữa người bán, người mua”.
Ngày 19/7, UBND TP.HCM đã có văn bản chỉ đạo các Sở, ban ngành trên địa bàn TP.HCM về việc tổ chức chợ truyền thống hoạt động trở lại trong điều kiện đảm bảo an toàn.
Trong bối cảnh tác động của dịch bệnh Covid-19, hiện đã có 3 chợ đầu mối, hơn 2/3 chợ truyền thống và một số siêu thị, cửa hàng tiện lợi tạm ngưng hoạt động để thực hiện các biện pháp an toàn phòng, chống dịch.
Vì thế, việc cung ứng, phân phối hàng hóa cho người dân Thành phố đang tập trung vào kênh phân phối hiện đại làm gia tăng áp lực và tạo nhiều nguy cơ lây nhiễm dịch bệnh.
Trước tình hình trên, UBND TP.HCM cho rằng việc nhanh chóng tổ chức lại các điểm cung ứng hàng hóa tại địa phương với phương thức phù hợp trên cơ sở rà soát, khôi phục và dựa vào hoạt động trở lại các điểm bán mặt hàng lương thực, thực phẩm thiết yếu tại chợ truyền thống trong điều kiện an toàn là hết sức cần thiết.
Từ đó, UBND TP.HCM yêu cầu các sở, ngành, đơn vị liên quan, UBND TP.Thủ Đức, các quân, huyện và các đơn vị khẩn trương thực hiện các nội dung.
Cụ thể, giao sở Công Thương phải nghiên cứu, hướng dẫn tổ chức hoạt động của các chợ truyền thống; tổ chức các điểm bán thực phẩm tươi sống, hàng hóa thiết yếu tại các chợ hiện đang tạm ngưng hoạt động với hình thức phối hợp, đảm bảo an toàn phòng, chống dịch, đáp ứng kịp thời nhu cầu tiêu dùng thiết yếu của người dân.
Đồng thời, hỗ trợ kết nối, cung cấp thông tin địa chỉ liên hệ, đầu mối cung cứng hàng hoá thực phẩm thiết yếu (trong đó ưu tiên trước mắt đối với các mặt hàng thực phẩm tươi sống, rau, củ, quả) đến các địa phương, đơn vị quản lý cho, tiểu thương các chợ truyền thống có nhu cầu đặt hàng với các phương thức phù hợp.
Sở Công Thương phối hợp sở Thông tin - Truyền thông, các đơn vị liên quan khẩn trương triển khai mô hình ứng dụng công nghệ thông tin trong tổ chức hoạt động của chợ truyền thống; nhanh chóng tổ chức đánh giá kết quả thực hiện thí điểm, hiệu chỉnh (nếu cần) và triển khai nhân rộng đến các chợ truyền thống trên địa bàn.
Tiếp tục phối hợp UBND TP.Thủ Đức, huyện Hóc Môn, các công ty quản lý chợ đầu mối đẩy nhanh việc triển khai phương án điều tiết hàng hóa tại các điểm tập kết và trung chuyển hàng hóa tạm thời (tại chợ đầu mối Thủ Đức và Hóc Môn); hỗ trợ kết nối thương nhân chợ đầu mối với tiểu thương chợ truyền thống để kết nối giao dịch và tổ chức phương thức cung ứng hàng hóa phù hợp.
UBND TP.HCM cũng giao cục Quản lý thị trường TP. thường xuyên nắm bắt, theo dõi tình hình thị trường; đồng thời, tăng cường kiểm tra, xử lý nghiêm theo quy định pháp luật đối với hành vi đầu cơ, găm giữ hàng hóa, vi phạm về giá bán, sản phẩm không rõ nguồn gốc, xuất xứ, không đảm bảo chất lượng,... đổi với các mặt hàng thiết yếu và các mặt hàng có nhu cầu cao trong thời gian diễn ra dịch bệnh.
Nguyễn Thành Nhân - Người Đưa Tin Pháp Luật