Theo Gizmodo, Trạm vũ trụ Quốc tế (ISS) xác nhận bị rò rỉ không khí cao hơn mức an toàn. Cơ quan này cho biết đang tổ chức một cuộc thám hiểm ra ngoài không gian để kiểm tra bề mặt của trạm vũ trụ có hư hại nào không.
Cơ quan Hàng không Vũ trụ Mỹ (NASA) và các tổ chức quốc tế liên ngành khác đã phát hiện việc rò rỉ không khí đầu tiên vào tháng 9/2019. ISS cơ bản cũng bị mất một lượng không khí theo thời gian, nhưng tốc độ rò rỉ như hiện tại là hơi cao và nó đã diễn ra liên tục một năm qua.
3 phi hành gia sẽ được cử đi kiểm tra khu vực có mức rò rỉ không khí cao. Ảnh: NASA.
Theo NASA, các phi hành gia quản lý ISS vẫn chưa thể tìm thấy điểm rò rỉ không khí chính xác nhất vì họ cần dành nhiều thời gian để vận hành cả cỗ máy khổng lồ này. Trong khi việc tìm kiếm điểm rò rỉ cần các phi hành gia phải đi bộ ra ngoài không gian và kiểm tra cẩn thận.
Tuy có mức độ rò rỉ không khí cao hơn mức bình thường, NASA xác nhận "các thông số vẫn nằm trong mức kiểm soát và không gây nguy hiểm lúc này cho phi hành đoàn lẫn trạm vũ trụ". NASA cho biết họ chuẩn bị "xác định vị trí bị lỗi, cô lập và sửa chữa nó".
Cụ thể, NASA sẽ cử 3 phi hành gia là Chris Cassidy, Ivan Vagner và Anatoly Ivanishin để kiểm tra khu vực Zvezda, quá trình diễn ra trong 4 ngày 21-24/8. Khi quá trình thực hiện, toàn bộ cửa sập của ISS phải đóng để giám sát áp suất, nhằm tìm ra nơi nào bị mất không khí nhiều hơn mức bình thường.
Năm 2018, một sự cố nghiêm trọng liên quan tới rò rỉ khí oxy từng xảy ra trên ISS. Từ một vết nứt nhỏ do vi thiên thạch tác động lên thân tàu vũ trụ Soyuz MS-09, các phi hành gia sau đó đối diện với nguy cơ tử vong khi vết nứt lớn dần và làm mất rất nhiều khí oxy. Khi đó, các phi hành gia đã phải dùng băng keo vũ trụ để dán lại vết nứt như một các ngăn chặn trong lúc khẩn cấp.