Trẻ sơ sinh luôn nháy mắt, đừng nghĩ rằng chúng đáng yêu, đó có thể là biểu hiện của hội chứng tic

Thấy con có những biểu hiện nháy mắt, chun mũi, nhún vai, ho hắng giọng,… nhiều cha mẹ nhầm tưởng con làm nũng. Tuy nhiên, nếu con liên tục có những hành động này, dù đã được nhắc nhở nhưng không thể kiểm soát thì cha mẹ cần lưu ý.

Nhiều chuyên gia cho biết, hầu hết các bậc phụ huynh khi thấy con hay nháy mắt, chu miệng đều nghĩ là chúng làm nũng, đáng yêu. Nhưng nếu bé chớp mắt thường xuyên hoặc thậm chí kèm theo một số âm thanh lạ, cha mẹ nên cảnh giác. Đó có thể là biểu hiện của chứng tic.

Hội chứng tic là gì?

Triệu chứng rối loạn tic vận động: nháy mắt, chun mũi, nhún vai,… Ảnh minh họa

Hội chứng tic là một dạng rối loạn vận động hoặc một phát âm thanh không chủ đích xảy ra bất ngờ, nhanh chóng nhưng lặp lại nhiều lần. Hội chứng này thường phổ biến ở bé trai hơn so với bé gái. 

Trẻ bị rối loạn tic sẽ có các biểu hiện như không tập trung được, cơ thể co giật, phát ra tiếng động lạ, hành động khác người bình thường. Nếu để tình trạng kéo dài hoặc không điều trị dứt điểm từ sớm, các biểu hiện tic có thể theo trẻ đến tuổi trưởng thành, gây ảnh hưởng nhiều tới công việc và các mối quan hệ trong tương lai của trẻ. Vì vậy, việc phát hiện sớm, can thiệp sớm và điều trị sớm là rất quan trọng.

Dấu hiệu nhận biết hội chứng tic ở trẻ

Rối loạn tic vận động: Chủ yếu liên quan đến nhóm cơ mặt và cơ cổ với các biểu hiện nháy mắt, chớp mắt liên tục, nhăn mặt, nhún vai, chun mũi, lắc đầu, giật cơ hàm,…

Trong trường hợp, rối loạn tich vận động phức tạp, trẻ còn có các hành động như cắn môi, cắn lưỡi, nhổ tóc, vươn ra chạm vào cái gì đó nhiều lần, đá một chân lên tiên tục, bắt chước hành động của người khác.

Cha mẹ nên để ý các dấu hiệu bệnh tic như để đưa con đi khám kịp thời

Rối loạn tic âm thanh: Biểu hiện là những tiếng ồn vô nghĩa như tiếng ho hắng giọng, e hèm trong cổ họng, tiếng hét, kêu ré lên, ngáy, lẩm nhẩm trong miệng. 

Ngoài ra, trẻ còn thường xuyên lặp đi lặp lại các từ, cụm từ vô nghĩa của chính mình hoặc người khác, thậm chí có những lời nói tục tĩu, không phù hợp ngữ cảnh.

Không chỉ vậy, trẻ rối loạn tic cũng có nguy cơ cao mắc kèm các chứng bệnh ảnh hưởng tới sự phát triển cả về thể chất lẫn tinh thần như: tăng động giảm chú ý, rối loạn lo âu, trầm cảm, tự kỷ, rối loạn ám ảnh cưỡng chế…

Chăm sóc tâm lý cho trẻ bị rối loạn Tic

- Giải thích cho trẻ đầy đủ về vấn đề trẻ mắc phải, cố gắng thuyết phục trẻ tham gia vào việc giải quyết vấn đề đó.

- Hạn chế các yếu tố tâm lý gây căng thẳng, lo lắng cho trẻ như học tập. Nghỉ ngơi hợp lý, tạo môi trường sinh hoạt lành mạnh, vui vẻ.

- Tránh la mắng, ép trẻ làm theo mệnh lệnh cứng nhắc. Nên chú ý lắng nghe trẻ, sẵn sàng chia sẻ những khó khăn trẻ gặp phải.

- Động viên trẻ, tạo niềm tin và sự yên tâm cho trẻ.

- Tuân thủ chỉ định điều trị của bác sĩ, hợp tác với bác sĩ trong quá trình điều trị cho trẻ.

(Nguồn: Khoa Thần kinh, BV Nhi đồng 2, TP.HCM)

M.Nguyệt (T/h)