Vietnamnet đưa tin, phòng Cảnh sát Hình sự Công an Hà Tĩnh phát hiện hơn 10 ổ nhóm với hơn 30 đối tượng chuyên dùng điện thoại gọi điện lừa đảo người dân. Các đối tượng này gồm 20 nam và 4 nữ, chủ yếu trú ở huyện Kỳ Anh và 1 người trú TX.Hồng Lĩnh.
Danh tính của chúng gồm: Lê Đình Tuyến (SN 1995), Võ Văn Ba (SN 1995), Võ Văn Hậu (SN 1996), Lê Văn Hạt (SN 1992), Võ Xuân Hiếu (SN 1990), Hoàng Nam Giang (SN 1988), Lê Văn Lĩnh (SN 1993), Phan Văn Tọa (SN 1979), Lê Văn Việt (SN 1994), Hoàng Tiến Đạt (SN 2001), Nguyễn Văn Đức (SN 1998), Trương Tấn Dũng (SN 1988), Nguyễn Văn Hiếu (SN 1984), Trần Văn Đức (SN 1997), Nguyễn Văn Thành (SN 1992), Trần Văn Hậu, Nguyễn Thế Anh (SN 1988), Lê Văn Bình (SN 1994), Lê Văn Cường (SN 1996), Trần Lệ Mỹ (SN 1987), Trương Hoàng Chiến (SN 1998), Hồ Thị Yến (SN 1979, đều trú H.Kỳ Anh), Phạm Thị Mỹ (SN 1975, trú thị xã Kỳ Anh) và Nguyễn Thị Tình (SN 1984, trú thị xã Hồng Lĩnh).
Theo đó, từ tháng 6 đến tháng 12, Phòng Cảnh sát hình sự công an tỉnh đã phối hợp với công an huyện Kỳ Anh khám xét 20 địa điểm khác nhau, triệu tập nhiều đối tượng (trong đó có 26 đối tượng lừa đảo, 6 đối tượng tiêu thụ), thu giữ 1 máy tính xách tay, 56 điện thoại, 8 thẻ ATM, gần 100 triệu đồng tiền mặt cùng nhiều tài sản có giá trị khoảng 350 triệu đồng và nhiều tài liệu giấy tờ khác.
Các đối tượng trong đường dây lừa đảo bị tạm giữ điều tra.
Các đối tượng khai nhận mua thẻ sim “rác” không đăng ký chính chủ, gọi điện cho người dân xưng là nhân viên ngân hàng, nhân viên hoặc người có chức vụ của các nhà mạng… thông báo số thuê bao của người bị hại trúng thưởng một gói quà (trị giá hàng trăm triệu đồng bao gồm hiện vật là xe máy có giá trị lớn như SH, Air Blade… cùng với tiền mặt).
Sau đó, yêu cầu bị hại làm hồ sơ nhận thưởng, chuyển tiền gồm các loại phí vận chuyển, hoa hồng cho người thông báo trúng thưởng, phí tổ chức sự kiện trao thưởng, trích tiền làm từ thiện… Tất cả đều dưới hình thức chuyển thẻ cào điện thoại cho các đối tượng. Một số bị hại khác còn bị yêu cầu chuyển tiền vào số tài khoản do các đối tượng chỉ định.
Đáng nói, các đối tượng sẽ cho bị hại số điện thoại của đồng bọn nói rằng người này cũng trúng thưởng, rồi yêu cầu không được nói cho ai nếu không sẽ cắt giải.
Nhận được tiền, một số đối tượng khác giả danh cán bộ Sở GTVT, CSGT yêu cầu người này tiếp tục gửi thẻ cào để làm biển số xe đã trúng trưởng. Khi đã lừa được tiền, các đối tượng sẽ vứt sim hoặc thêm vào danh sách hạn chế của điện thoại để người bị hại không thể liên lạc được nữa.
Các đối tượng sau đó sẽ bán lại số thẻ cào lừa đảo được với giá rẻ hơn nhiều so với giá trị thực của thẻ để lấy tiền tiêu xài.
Đại tá Đặng Hoài Sơn, Phó Giám đốc Công an tỉnh Hà Tĩnh cho biết trên báo Công an TP.HCM, lực lượng công an đã gặp rất nhiều khó khăn trong quá trình điều tra xác minh, thu thập tài liệu. Các đối tượng lừa đảo này dùng sim “rác” để gọi cho nạn nhân. Chiếm đoạt được thẻ cào, chúng nhanh chóng tháo sim vứt đi để tiêu hủy chứng cứ phạm tội. Chưa kể, người bị hại ở nhiều tỉnh, thành trong cả nước, một số không muốn hợp tác với Cơ quan điều tra vì số tiền bị lừa không lớn hoặc sợ bị làm phiền.