Các ngân hàng Thụy Sĩ lo ngại làn sóng rời bỏ của giới giàu có Trung Quốc

Các nhà đầu tư Trung Quốc bày tỏ lo lắng về sự an toàn tài sản của họ sau khi Thụy Sĩ đóng băng hàng tỷ USD tài sản của Liên bang Nga.
1303-thuysi-1680751253.png
Thụy Sĩ luôn là nơi gửi tin cậy khi các khách hàng giàu có Trung Quốc tìm chỗ lưu trữ tài sản. Ảnh minh họa: Global Look Press

Theo tạp chí chuyên về tài chính Financial Times ngày 9/3, ban lãnh đạo tại các ngân hàng lớn ở Thụy Sĩ cảnh báo quyết định của chính phủ nước này ủng hộ các biện pháp trừng phạt đối với Nga liên quan đến xung đột Ukraine đang có tác động tiêu cực đến hoạt động kinh doanh của các ngân hàng.

Một số quan chức ngân hàng giấu tên tiết lộ với hãng truyền thông rằng nhóm khách hàng giàu có từ Trung Quốc đang rất lo lắng về việc gửi tiền vào các ngân hàng Thụy Sĩ, sau khi Bern từ bỏ chính sách trung lập bằng cách đóng băng hàng tỷ USD tài sản của Nga như một phần của lệnh trừng phạt.

Hồi tháng 2, Ban thư ký Nhà nước về các vấn đề kinh tế của Thụy Sĩ báo cáo có khoảng 8,1 tỷ USD tiền của Nga đã bị đóng băng do lệnh trừng phạt. Trong khi đó, Credit Suisse - ngân hàng lớn thứ hai của Thụy Sĩ - được cho là đã phong tỏa hơn 19 tỷ USD tài sản của Nga.

Financial Times đã phỏng vấn các giám đốc điều hành của 6 trong số 10 công ty cho vay lớn nhất của Thụy Sĩ về trải nghiệm của họ với các khách hàng tư nhân.

“Chúng tôi không chỉ ngạc nhiên mà còn bị sốc khi Thụy Sĩ từ bỏ vị thế trung lập. Hàng trăm khách hàng đang lên kế hoạch mở tài khoản giờ đã nói không với chúng tôi”, một giám đốc phụ trách giám sát hoạt động châu Á tại ngân hàng cho hay.

Một quan chức cấp cao khác cho biết: “Các khách hàng đã bắt đầu hoài nghi về các biện pháp trừng phạt. Đây chắc chắn là một chủ đề được khách hàng quan tâm vào cuối năm ngoái. Họ hỏi liệu tiền của họ có an toàn với chúng tôi không?”.

Anke Reingen, nhà phân tích tại ngân hàng đầu tư RBC, nói với Financial Times rằng ngân hàng Thụy Sĩ là điểm đến lớn nhất của thế giới đối với những nhóm khách giàu có nước ngoài, chiếm 1/4 tổng số toàn cầu và chiếm 10% tổng sản phẩm quốc nội của đất nước.

“Châu Á đã đóng góp mạnh mẽ vào lợi nhuận của các ngân hàng Thụy Sĩ. Nếu bạn nhìn vào giá cổ phiếu của các ngân hàng này thì chúng có mối tương quan rất chặt chẽ với các chỉ số châu Á vì một phần lớn thu nhập và phần lớn trong tăng trưởng thu nhập trong quản lý tài sản đến từ khu vực này”, bà Anke giải thích.

Một số ngân hàng Thụy Sĩ cho biết họ đã lên kế hoạch ứng phó và “diễn tập” cách xử lý hậu quả cũng như cách bảo vệ và trấn an các khách hàng Trung Quốc lớn nhất nếu quan hệ quốc tế với Trung Quốc xấu đi đáng kể.

Andreas Venditti, một nhà phân tích của Vontobel phụ trách các ngân hàng, cho biết tất cả các nhà quản lý tài sản của Thụy Sĩ đang cân nhắc tác động từ lối tiếp trừng phạt cứng rắn.

Kể từ khi Nga tiến hành chiến dịch quân sự đặc biệt tại Ukraine vào năm ngoái, chính phủ Thụy Sĩ đã ủng hộ Liên minh châu Âu (EU) trong việc áp đặt các biện pháp trừng phạt đối với các cá nhân, thực thể Nga.