Từ chối vay tín dụng đen là thể hiện trách nhiệm công dân của mỗi người 

Tiến sĩ Bùi Đức Thụ - Đại biểu Quốc hội khóa XIII - cho rằng, việc từ chối vay tín dụng đen là thể hiện trách nhiệm công dân của mỗi người. Người đi vay các app nên tỉnh táo vì nếu không, hậu quả sẽ chồng chất.

Cần sự vào cuộc đồng bộ của nhiều cơ quan, tổ chức

Trước thực trạng hoạt động vay tín dụng đen, vay app online không phép diễn biến phức tạp thời gian gần đây, phóng viên Tạp chí Đời sống và Pháp luật đã có cuộc phỏng vấn TS. Bùi Đức Thụ, nguyên Ủy viên Thường trực Ủy ban Tài chính và ngân sách của Quốc hội.

Ông Bùi Đức Thụ bên hành lang Quốc hội khóa XIII. Ảnh: N.H.

PV: Ông đánh giá thế nào về thực trạng hoạt động tín dụng đen trong thời gian gần đây?

Ông Bùi Đức Thụ: Trong nền kinh tế thị trường, hoạt động tín dụng là hoạt động bình thường. Cùng với sự phát triển của kinh tế thị trường, mối quan hệ tín dụng cũng phát triển đa dạng về đối tượng, hình thức, quy mô, phục vụ cho sự phát triển kinh tế nói chung. 

Tuy nhiên, trong thời gian gần đây, bên cạnh hệ thống tín dụng chính thống được pháp luật quy định cụ thể và chặt chẽ thì xuất hiện nhiều hình thức tín dụng phi pháp – hoạt động trái pháp luật. Thậm chí họ quảng cáo công khai, đăng tải nhiều app cho vay tiền ngay với những điều kiện hết sức đơn giản. 

Từ tình trạng cho vay trái pháp luật, không đủ những điều kiện tiền đề để đảm bảo cho những hoạt động tín dụng một cách lành mạnh dẫn đến tình trạng như việc không cần tài sản thế chấp, thủ tục bỏ qua những khâu thẩm định.

Tuy nhiên, để vay được tiền, người đi vay phải ký những hợp đồng dài dằng dặc trong đó có những điều khoản bất lợi cho mình, hoặc bị yêu cầu truy cập danh bạ, thông tin cá nhân khi vay app online.

Lãi suất khi vay quá hạn thì cao ngất ngưởng dẫn đến người đi vay app đã ở trong điều kiện khó khăn, không thể vay tín dụng của kênh chính thống lại phải chịu lãi cắt cổ. Tôi được biết có những trường hợp vay 10 triệu đồng, đã trả 20 triệu đồng nhưng vẫn nợ đến vài chục triệu đồng nữa. 

Tôi cũng được biết rất nhiều vụ việc cho vay từ app chui dẫn đến cưỡng chế, chém giết, khủng bố về tinh thần không chỉ với người vay mà còn cả người thân gia đình, những người có liên quan đến người đi vay như thủ trưởng cơ quan, bạn bè…

Tôi khẳng định lại, hoạt động tín dụng đen với lãi suất cao như trên là hoàn toàn trái pháp luật, cần phải có những cách thức để ngăn chặn. Bởi việc xuất hiện các app vay tín dụng đen kiểu này sẽ gây thương tổn đến lợi ích của người đi vay, đồng thời ảnh hưởng đến an sinh xã hội, trật tự an toàn xã hội. 

Nhiều app cho vay ngay với lãi suất “cắt cổ” (Ảnh minh họa)

PV: Là chuyên gia trong lĩnh vực tài chính, ông có thể nói ngắn gọn, dễ hiểu về sự khác nhau giữa hoạt động của tổ chức tín dụng và hoạt động tín dụng không phép thế nào? Phân biệt ra sao?

Ông Bùi Đức Thụ: Hoạt động của tổ chức tín dụng là lĩnh vực kinh doanh đặc biệt có điều kiện và phải được Nhà nước cấp phép theo Luật Các tổ chức tín dụng quy định rất rõ. Ngay cả đối tượng cho vay cũng xác định rõ vay có đảm bảo bằng tài sản thế chấp, cầm cố, hoặc hình thức bảo đảm khác.

Ngoài ra còn có thể có sự bảo lãnh từ người khác, khi mà người đi vay không đủ khả năng trả thì người bảo lãnh có trách nhiệm và nghĩa vụ phải hoàn trả cho các tổ chức tín dụng. 

Cũng có hình thức cho phép vay tín chấp, tức là căn cứ khả năng đánh giá tín nhiệm của người vay có khả năng hoàn trả gốc, lãi thì các tổ chức tín dụng có thể cho vay được. Tín chấp này căn cứ vào khả năng hiệu quả sử dụng vốn. Có những người không có tài sản nhưng dự án, đề án của họ có thể đem lại lợi nhuận mang tính khả thi cao thì các tổ chức tín dụng có quyền được cho vay và chịu trách nhiệm về việc thu hồi vốn này, đảm bảo an toàn, an ninh tiền tệ, an ninh tín dụng.

Cho vay bảo đảm hay tín chấp đều là những điều kiện cần và đủ để đảm bảo an toàn tín dụng, lành mạnh hóa mối quan hệ vay – cho vay.

Nhưng việc vay tín dụng đen thông qua các app thì hoàn toàn bỏ qua những điều kiện tiền đề như đã nói ở trên. Họ không thông qua bất cứ cơ quan tổ chức nào có thể giám định và cấp phép cho hoạt động phi pháp đó. Như tôi đã nói, không chỉ điều kiện hoạt động không đủ mà ngay cả lãi suất cũng là “cắt cổ”.

Tiếp tay cho tín dụng đen cũng là dấu hiệu phạm luật

PV: Hệ quả của tín dụng đen là rất lớn. Vậy theo ông, cần làm gì để ngăn chặn tình trạng này? Vai trò của các cơ quan, tổ chức ra sao?

Ông Bùi Đức Thụ: Phải khẳng định ngay tín dụng đen mang lại nhiều hệ quả nghiêm trọng và ở nhiều nơi, rất đáng báo động. 

Việc ngăn chặn hoạt động tín dụng đen là trách nhiệm của nhiều cơ quan, tổ chức, cá nhân mà trước hết đó là cơ quan quản lý nhà nước. Hoạt động của một tổ chức cá nhân trái pháp luật mà lại ngang nhiên là hiện tượng không bình thường của một xã hội văn minh.

Tôi ngạc nhiên là những app quảng cáo rất công khai, nhiều người sập bẫy nhưng vẫn nhiều người trở thành nạn nhân. Vô hình trung, việc quảng cáo công khai sẽ tiếp tay cho các hoạt động phi pháp.

Khủng bố tinh thần bản thân, bạn bè, gia đình… những người đi vay tiền các app dù họ không có khả năng trả, là trái pháp luật, vi phạm nhân quyền. Cơ quan công an là đơn vị cần vào cuộc điều tra, làm rõ những vấn đề này. 

Chúng ta có một hệ thống chính trị, các tổ chức đoàn thể, hội, nghề nghiệp, các đơn vị, cơ quan, tổ chức thanh niên, phụ nữ, hội người cao tuổi, cựu chiến binh… Rất nhiều tổ chức được thành lập, có trách nhiệm bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của công dân. Họ là những người cần đứng ra cùng chung tay bảo vệ lợi ích công dân, để duy trì văn hóa xã hội, văn hóa kinh tế. Thực tế, thời gian qua, ai đi vay tín dụng đen thì tự chịu trách nhiệm mà không trả được thì tự chịu hậu quả. Mặc dù đối tượng cho vay áp dụng nhiều biện pháp rất phản cảm. 

Một nạn nhân của app online lên mạng cầu cứu vì bị khủng bố đòi tiền.

Ngoài ra, hoạt động tín dụng theo Luật Ngân hàng Nhà nước và Luật Các tổ chức tín dụng đã được Quốc hội thông qua từ năm 1997 đến nay, qua nhiều lần sửa đổi quy định rất rõ trách nhiệm của các cơ quan tổ chức trong việc quản lý kênh tín dụng, đối tượng chủ thể các hoạt động tín dụng này.

Như vậy, bản thân các cơ quan này phát hiện ra các hoạt động trái pháp luật trong lĩnh vực quản lý nhà nước của mình được phân công thì phải có rà soát, có ý kiến và chịu trách nhiệm. 

Tôi cũng muốn nói cần xem xét đến trách nhiệm của chủ các app cho vay online không phép. 

Hoạt động tín dụng đen gây hậu quả rất lớn đến sự phát triển của xã hội. Việc xuất hiện ở nhiều nơi, nhiều tỉnh thành gây ra những điểm đen, hệ lụy xấu, cần tập trung lãnh đạo, chỉ đạo để khắc phục. Nhiều cơ quan đoàn thể cần vào cuộc đồng bộ hơn nữa để cùng chung tay loại bỏ hiện tượng hỗn loạn vay app hiện nay.

PV: Ảnh hưởng của dịch bệnh Covid-19 cũng đẩy nhiều người tìm đến tín dụng đen hơn cho dù họ có thể lường trước được hậu quả. Ông suy nghĩ thế nào về giải pháp cho vấn đề này?

Ông Bùi Đức Thụ: Hai năm gần đây, dịch bệnh Covid -19 làm cho một bộ phận không nhỏ người dân bị nghèo hóa. Ví dụ như công nhân trước đây có việc làm, có thu nhập, nhưng dịch bệnh kéo đến, gần 2 năm nay không có việc làm, thất nghiệp, hoặc duy trì được việc làm thì thu nhập phập phù trong khi mọi chi phí cuộc sống vẫn phải đảm bảo. 

Từ đó dẫn đến việc, họ không thể cân đối được khả năng tài chính của bản thân, phải đi vay mà không đủ điều kiện vay hợp pháp nên đành tìm đến tín dụng đen.

PV: Người cho vay cần bị xử lý, nhưng trách nhiệm của người đi vay cũng cần xem xét thì mới loại bỏ được tín dụng đen ra khỏi đời sống xã hội. Ông nghĩ sao về việc này?

Ông Bùi Đức Thụ: Người đi vay các app online thường là những người không đủ điều kiện để vay được qua các kênh chính thống. Họ thường là những người cực kỳ khó khăn, căng thẳng về tài chính. 

Người đi vay các app nên tỉnh táo vì nếu không, hậu quả sẽ chồng chất. Cần xác định rằng, nếu chọn vay tín dụng đen chính là tiếp tay cho hoạt động phi pháp của đối tượng phi pháp. Kể cả mình có trả nợ đúng hạn theo yêu cầu thì vô hình trung vẫn là tiếp tay, tạo nên mảnh đất màu mỡ cho hoạt động tín dụng đen phát triển. 

Tôi nghĩ, việc từ chối vay tín dụng đen là thể hiện trách nhiệm công dân của mỗi người. Mọi công dân đều cần phải tuân thủ pháp luật, thượng tôn pháp luật là trách nhiệm và nghĩa vụ vô điều kiện. Trong trường hợp tiếp tay cho những người hoạt động phạm pháp thì đều là dấu hiệu vi phạm pháp luật.  

PV: Trân trọng cảm ơn ông!