Phú Thọ: Triệt phá nhiều tổ chức tín dụng đen

Theo cơ quan chức năng, các đối tượng hoạt động tín dụng đen thường lợi dụng nhu cầu vay nóng của người dân để lôi kéo cho vay với thủ tục nhanh chóng, đơn giản, không cần thế chấp. Đổi lại, người vay phải chấp nhận mức lãi “cắt cổ” do tổ chức tín dụng đen đưa ra.

Những con số “khủng” trong hoạt động ngầm

Sau hơn 2 năm thực hiện Chỉ thị số 12 của Thủ tướng Chính phủ về “Tăng cường phòng ngừa, đấu tranh với tội phạm và vi phạm pháp luật liên quan đến tín dụng đen”, Công an tỉnh Phú Thọ đã triệt phá thành công nhiều băng nhóm, tổ chức cho vay tín dụng đen. 

Theo đó, lực lượng công an đã phát hiện 12 vụ/23 đối tượng hoạt động liên quan đến “tín dụng đen”; khởi tố 12 vụ/13 bị can về tội “Cho vay lãi nặng trong giao dịch dân sự”; chứng minh số tiền các đối tượng cho vay là 7,691 tỷ đồng; thu lời bất chính trên 3,2 tỷ đồng. 

Nhiều tổ chức tín dụng đen đã bị Công an tỉnh Phú Thọ triệt phá.

Các đối tượng cho vay nặng lãi chủ yếu núp bóng cơ sở cầm đồ, dịch vụ tài chính để tổ chức các hoạt động cho vay không thế chấp, huy động vốn, góp tài sản kinh doanh… với lãi suất cao. 

“Tình hình tội phạm tín dụng đen có diễn biến phức tạp, nguyên nhân chủ yếu là do một bộ phận người dân có nhu cầu cấp bách về chi tiêu nhưng không có việc làm ổn định, không có tài sản thế chấp, không chứng minh được mục đích sử dụng vốn hợp pháp nên khó khăn trong việc vay vốn từ hệ thống ngân hàng, tổ chức tín dụng chính thống”, nhận định từ phía cơ quan chức năng.

Trong khi đó, các đối tượng hoạt động tín dụng đen thường lợi dụng nhu cầu vay nóng của người dân để lôi kéo cho vay với thủ tục nhanh chóng, đơn giản, không cần thế chấp hoặc chỉ cần giấy tờ cá nhân như: Giấy phép lái xe, thẻ sinh viên, chứng minh thư hoặc thẻ căn cước công dân. 

Thực tế, mức lãi suất mà người đi vay phải trả thường từ 3.000 - 5.000 đồng/1 triệu/1 ngày, tương đương từ 109,5 đến 182,5%/1 năm. Như vậy, chỉ sau 6 đến 8 tháng, số tiền lãi mà người vay phải trả tương đương với số tiền gốc ban đầu đi vay. 

Biến tướng tinh vi của vay nặng lãi

Thời gian qua, Công an tỉnh Phú Thọ đã triệt phá nhiều băng nhóm cho vay lãi nặng, góp phần bảo đảm trật tự, an toàn xã hội. Điển hình là nhóm cho vay lãi nặng của Đặng Ngọc Anh (SN 1991, ở khu Đường Nam, thị trấn Phong Châu) và Lê Duy Thành (SN 1996, xã An Đạo, huyện Phù Ninh). 

Để qua mắt cơ quan chức năng, tất cả các hoạt động cho vay của Ngọc Anh và Thành đều được quản lý thông qua hệ thống phần mềm trên trang web có tên “Camdo.biz” mà Ngọc Anh mua với giá 2 triệu đồng/2 năm/6 tháng. Ngọc Anh soạn thảo hợp đồng giao dịch vay nợ với người vay trên danh nghĩa Đặng Ngọc Anh là Phó Giám đốc Doanh nghiệp tư nhân Anh Tú Phú Thọ, với lãi suất chỉ 1%/tháng.

Khi bị phát hiện, tổng số người vay nợ của Ngọc Anh là 85 người, người vay nhiều nhất là 300 triệu đồng, người vay ít nhất là 5 triệu đồng, lãi suất từ 3.000 đồng-10.000 đồng/1 triệu đồng/1 ngày, tổng số tiền lãi suất lũy kế lên khoảng 1,5 tỷ đồng. 

Để che đậy hoạt động cho vay, vừa để lách luật, một số đối tượng núp bóng dưới vỏ bọc cửa hiệu kinh doanh cầm đồ, cho thuê xe tự lái như trường hợp của Nguyễn Khắc Tú (sinh năm 1971, trú tại khu 10, xã Kim Đức, thành phố Việt Trì) là một điển hình. 

Thực hiện hoạt động cho vay lãi nặng, Tú thuê nhà tại tổ 60, khu đô thị Minh Phương, phường Minh Phương, TP Việt Trì và giao cho Phạm Quyết Tiến (SN 1981, ở địa chỉ trên) đứng tên giấy phép kinh doanh, treo biển thuê xe tự lái. Tại cửa hàng này, Tú và đồng bọn luôn có từ 5-10 xe máy các loại nhưng không cho khách thuê mà mục đích để ràng buộc khách vay tiền. Khi khách có nhu cầu vay từ 20 đến 30 triệu đồng với lãi suất từ 3.000 đồng - 10.000 đồng/1 triệu đồng/ 1 ngày, Tú yêu cầu người vay viết giấy thuê xe máy sau đó, những người này lại viết giấy bán chính xe máy đó cho Tiến với giá tiền bằng hoặc lớn hơn số tiền khách vay. 

Khi các thủ tục trên hoàn tất, Tú liền cắt luôn tiền lãi khoảng 15 đến 30 ngày tùy theo khoản vay và khách vay. Trong trường hợp khách không có khả năng trả nợ, Tú mang giấy thuê xe, ép người vay phải trả tiền. Nếu họ không trả thì đối tượng sẽ làm đơn kiện về tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản, khiến cho con nợ phải bán nhà cửa, đất đai hoặc tài sản có giá trị để trả nợ cho Tú. 

Để phòng ngừa, đấu tranh hiệu quả với tội phạm “tín dụng đen”, lực lượng Công an tiếp tục đẩy mạnh công tác nghiệp vụ cơ bản; rà soát, lập danh sách băng, nhóm đối tượng nghi hoạt động cho vay lãi nặng trên địa bàn mình quản lý, đặc biệt là băng nhóm đối tượng có tiền án, tiền sự… Từ đó, chủ động quản lý, răn đe, ngăn chặn hành vi phạm tội. 

Các cơ quan, ban ngành, đoàn thể đẩy mạnh tuyên truyền cho cán bộ và người dân hiểu rõ phương thức, thủ đoạn hoạt động của loại tội phạm này. Bên cạnh đó, cần đẩy mạnh cải cách hành chính lĩnh vực tín dụng ngân hàng; nghiên cứu đa dạng hóa hình thức cho vay nhằm tạo thuận lợi trong hoạt động giao dịch tín dụng chính thống; các chính sách tài chính, hỗ trợ vay vốn phù hợp, cơ cấu lại thời hạn trả nợ, miễn giảm lãi… cho khách hàng bị ảnh hưởng của dịch Covid-19.