Từ tháng 7/2025, đóng bảo hiểm bao nhiêu năm thì được hưởng lương hưu?

Từ 1/7/2025, điều kiện thời gian đóng bảo hiểm xã hội để được hưởng lương hưu giảm từ 20 năm xuống 15 năm.

Luật Bảo hiểm xã hội sửa đổi vừa được Quốc hội thông qua sáng 29/6, gồm 11 chương, 141 điều. Luật sẽ có hiệu lực từ ngày 1/7/2025, với nhiều điểm mới nổi bật.

Đóng bảo hiểm xã hội 15 năm được hưởng lương hưu

Luật Bảo hiểm xã hội sửa đổi vừa được Quốc hội thông qua quy định người lao động khi đủ tuổi nghỉ hưu mà có thời gian đóng bảo hiểm xã hội từ đủ 15 năm trở lên được hưởng lương hưu hằng tháng.

Bảo hiểm xã hội Việt Nam cho hay, quy định này nhằm tạo cơ hội cho những người tham gia muộn hoặc tham gia không liên tục có cơ hội tích lũy đủ 15 năm đóng (thay vì 20 năm như quy định hiện hành) để hưởng lương hưu hằng tháng.

Quy định về số năm đóng tối thiểu này không áp dụng với người hưởng lương hưu khi suy giảm khả năng lao động.

Người lao động đóng bảo hiểm bao nhiêu năm thì được hưởng lương hưu? Ảnh minh hoạ

Người lao động đóng bảo hiểm bao nhiêu năm thì được hưởng lương hưu? Ảnh minh hoạ

Bên cạnh đó, Luật Bảo hiểm xã hội sửa đổi cũng quy định tỷ lệ hưởng lương hưu đối với lao động nam và lao động nữ có 15 năm đóng, quy định mức tối đa là 75%.

Đồng thời, luật cũng quy định việc tính mức lương hưu hằng tháng của người lao động đủ điều kiện hưởng lương hưu mà có thời gian đóng bảo hiểm xã hội theo quy định của điều ước quốc tế mà nước Cộng hòa Xã hội Chủ nghĩa Việt Nam là thành viên nhưng có thời gian đóng bảo hiểm xã hội ở Việt Nam dưới 15 năm thì mỗi năm đóng trong thời gian này được tính bằng 2,25%.

Với mức lương hưu hằng tháng ổn định, định kỳ được Nhà nước điều chỉnh mức hưởng và trong thời gian hưởng lương hưu được Quỹ bảo hiểm xã hội mua thẻ bảo hiểm y tế thì sẽ góp phần đảm bảo tốt hơn cuộc sống của người lao động, sẽ có thêm nhiều người được đảm bảo lương hưu và được hưởng bảo hiểm y tế khi về già.

Người 75 tuổi sẽ được hưởng trợ cấp hưu trí 

Luật mới quy định chế độ trợ cấp hưu trí xã hội do ngân sách nhà nước bảo đảm trên cơ sở kế thừa và phát triển một phần từ quy định về trợ cấp xã hội hằng tháng đối với người cao tuổi.

Theo đó, người dân Việt Nam được hưởng trợ cấp hưu trí xã hội khi từ đủ 75 tuổi trở lên và không hưởng lương hưu hoặc trợ cấp bảo hiểm xã hội hằng tháng, trừ trường hợp khác theo quy định của Chính phủ.

Người dân Việt Nam từ đủ 70 tuổi đến dưới 75 tuổi thuộc hộ nghèo, hộ cận nghèo và đáp ứng đủ điều kiện quy định thì được hưởng trợ cấp hưu trí xã hội.

Ủy ban Thường vụ Quốc hội quyết định điều chỉnh giảm dần độ tuổi hưởng trợ cấp hưu trí xã hội trên cơ sở đề nghị của Chính phủ phù hợp với điều kiện phát triển kinh tế - xã hội và khả năng của ngân sách nhà nước từng thời kỳ.

Bổ sung đối tượng tham gia bảo hiểm xã hội

Theo quy định của luật mới, đối tượng tham gia bảo hiểm xã hội là người làm việc theo hợp đồng lao động không xác định thời hạn, hợp đồng lao động xác định thời hạn có thời hạn từ đủ 1 tháng trở lên, kể cả trường hợp người lao động và người sử dụng lao động thỏa thuận bằng tên gọi khác nhưng có nội dung thể hiện về việc làm có trả công, tiền lương và sự quản lý, điều hành, giám sát của một bên.

So với Luật Bảo hiểm xã hội năm 2014, Luật Bảo hiểm xã hội sửa đổi đã bổ sung đối tượng tham gia là chủ hộ kinh doanh có đăng ký kinh doanh tham gia theo quy định của Chính phủ.

Bên cạnh đó là người quản lý doanh nghiệp, kiểm soát viên, người đại diện phần vốn nhà nước, người đại diện phần vốn của doanh nghiệp theo quy định của pháp luật; thành viên hội đồng quản trị, tổng giám đốc, giám đốc, thành viên ban kiểm soát hoặc kiểm soát viên và các chức danh quản lý khác được bầu của hợp tác xã, liên hiệp hợp tác xã theo quy định của Luật Hợp tác xã không hưởng tiền lương.

Thục Hiền (T/h)/Đời sống Pháp luật