Các nghiên cứu chỉ ra, khi mệt mỏi, stress một ly cà phê chắc chắn sẽ giúp bạn tỉnh táo hơn, vì thành phần chủ yếu của cà phê là cafein. Cafein có tác dụng kích thích hoạt động của hệ thần kinh, làm gia tăng các hoạt động thể chất có liên quan đến hệ thần kinh. Qua đó, nó có tác dụng làm tăng sự hưng phấn tinh thần, tăng sự tập trung trí óc và hiệu quả làm việc.
Uống cà phê mỗi buổi sáng là thói quen của rất nhiều người. Theo nhiều nghiên cứu, cà phê có thể cải thiện táo bón. Để công năng này hiệu quả thì uống một ly cà phê vào buổi sáng là tốt nhất. Thời gian uống còn lại trong ngày sẽ ít tác dụng hơn.
Bạn nên thưởng thức 1 ly cà phê trọn vẹn sau khi ăn sáng, trong khoảng từ 9h30 – 11h30 mỗi ngày. Vì đây là thời điểm tốt nhất để lượng caffein đạt đỉnh, giúp chúng ta tỉnh táo, làm việc có hiệu quả.
Bên cạnh đó, kết quả nghiên cứu chỉ ra rằng cà phê có thể thúc đẩy tiêu hóa, giúp tiêu hóa thức ăn tốt hơn. 30 phút sau bữa ăn là thời điểm thích hợp để bạn thưởng thức một ly cà phê và tận hưởng lợi ích này. Tuy nhiên, những người thiếu máu không nên sử dụng đồ uống này thường xuyên vì cà phê ảnh hưởng đến sự hấp thụ sắt của cơ thể.
Uống bao nhiêu là vừa đủ?
Trong thể thao, caffeine có tên trong danh sách doping của Ủy ban Thế vận hội quốc tế (IOC).
Tuy nhiên, hàm lượng tiếp thu vào trong người đủ để bị cấm là rất cao (định nghĩa dương tính đối với caffeine là khi nồng độ trong nước tiểu trên 12 microgam/ml). Vì vậy, các vận động viên có thể uống một tách cà phê trong bữa ăn sáng.
Trong chế độ dinh dưỡng không cần có cà phê. Nhưng nếu uống cà phê với liều trung bình thì cũng không có nguy cơ nào về sức khoẻ.
Ba tách cà phê mỗi ngày (250 mg caffeine) được xem là trung bình. Mười tách mỗi ngày được xem là quá nhiều.
Sự nhạy cảm với cà phê là từ để chỉ những tác dụng bất lợi do cà phê gây ra. Tuy vậy, sự nhạy cảm đối với cà phê cũng tuỳ mỗi người, có người chỉ uống một tách là mất ngủ nhưng có người uống năm, bảy tách cũng chẳng sao.
Những ai không nên uống cà phê?
Người có mức độ lo lắng cao: Caffeine là một chất kích thích, có thể làm trầm trọng thêm sự lo lắng ở một số người. Nếu bạn thường xuyên trải qua các cơn lo lắng hoặc hoảng sợ, bạn có thể cân nhắc việc tránh hoặc giảm lượng cà phê có chứa caffeine của mình.
Người đang cho con bú: Vì caffeine là một chất kích thích và lợi tiểu, nên mối quan tâm là một người mẹ đang cho con bú có thể có nguy cơ bị mất nước.
Bên cạnh đó, chất caffeine trong cà phê có thể thông qua máu đi vào sữa mẹ. Do chức năng bài tiết của thận ở trẻ còn khá yếu, do đó khi trẻ bú sữa mẹ sẽ ảnh hưởng đến sức khỏe của bé.
Hiệp hội Mang thai Hoa Kỳ đề nghị tránh caffeine càng nhiều càng tốt trong thời kỳ mang thai và cho con bú.
Trẻ em dưới 12 tuổi: Mặc dù caffeine có thể khiến bất kỳ ai trong chúng ta hơi bồn chồn, nhưng nó có thể gây ra nhiều tác dụng phụ đáng chú ý hơn và thậm chí nghiêm trọng hơn ở trẻ em.
Trẻ em tiêu thụ quá nhiều caffeine có thể dẫn đến tăng nhịp tim, tăng cảm giác lo lắng, khó tập trung và đau bụng. Một khía cạnh khác cần xem xét, đặc biệt là ở trẻ mới biết đi là cà phê có thể che dấu cảm giác đói. Vì vậy trẻ mới biết đi có thể không nhận được dinh dưỡng cần thiết cho sự tăng trưởng và phát triển của chúng.
Người bị trào ngược dạ dày thực quản (GERD): Caffeine có thể nới lỏng cơ vòng thực quản dưới, là van giữa thực quản và dạ dày. Điều này có thể khiến các chất axit trong dạ dày xâm nhập vào thực quản, dẫn đến các triệu chứng GERD khó chịu.
Người bị tiêu chảy: Vì caffeine là một chất lợi tiểu sẽ kích thích đi tiểu nhiều, gây mất nước. Đối với người bị tiêu chảy, mất nước là vấn đề đặc biệt nghiêm trọng. Do vậy, người đang mắc vấn đề về tiêu chảy cần tuyệt đối không uống cà phê để đảm bảo sức khỏe.
Theo Người Đưa Tin Pháp Luật