Gần đây, tình trạng trẻ sơ sinh bị bỏ rơi đang trở thành vấn đề nổi cộm và nhức nhối trong xã hội khiến chúng ta không khỏi xót xa. Dư luận lên án, báo chí chỉ trích, mạng xã hội dậy sóng, vô vàn câu hỏi về đạo đức và nhận thức được đặt ra. Chúng ta chĩa mũi dùi vào “thủ phạm” - những người phụ nữ nỡ nhẫn tâm bỏ rơi thiên thần nhỏ của mình, đã được phát triển đầy đủ hình hài một cách kì diệu chỉ từ một giọt máu đào.
Có 2 câu hỏi lớn mà tôi muốn đề cập tới trong phạm vi bài viết này. Đó là: Tại sao hành vi độc ác ấy lại xảy ra nhan nhản trong cuộc sống thường ngày xung quanh ta? Và liệu "chúng ta" có thực sự vô can?
Đầu tiên, xin khẳng định rằng, sẽ chẳng có lời bao biện nào được chấp nhận cho hành động bỏ rơi trẻ sơ sinh của những người mẹ. Đó là hành vi mất nhân tính, cần bị loại trừ lập tức khỏi đời sống xã hội. Lý do lớn nhất cho hành vi độc ác ấy chính là sự thiếu hụt nghiêm trọng về đạo đức và nhận thức ở một số người.
Sẽ vô cùng dễ dàng để tất cả chúng ta - những người chứng kiến buông lời chỉ trích, lên án, nói với nhau những câu chuyện về lương tri. Sự gay gắt của dư luận đối với họ là cần thiết, cũng là lời cảnh tỉnh cho một bộ phận người trẻ hiện nay. Thế nhưng, ở một góc nhìn sâu khuất nào đó, có thể họ cũng thật đáng thương. Câu chuyện của một vài người trong số họ có thể là câu chuyện mà không mấy ai trong chúng ta đủ bất hạnh để phải trải qua trong đời. Và cũng vì hai chữ "nhân văn" mà ta thường đưa ra làm chuẩn mực cho sự phán xét, hãy thử một lần làm điều khó hơn: Nghĩ đến một bộ phận những người phụ nữ chưa từng nhận được sự quan tâm cần có của xã hội.
Tuy xã hội ngày càng hiện đại và phát triển nhưng đâu đó vẫn có những lề thói khắc nghiệt, những định kiến bảo thủ, những hủ tục lỗi thời khiến con người rời xa chân - thiện - mỹ. Có những bậc cha mẹ vì nhất quyết không chịu nổi cái gọi là "ô nhục dòng họ", bắt con gái của mình phá thai dù có đau đớn, nguy hiểm thế nào. Đối với một số gia đình, việc gìn giữ danh tiếng để không phải cúi mặt với đời quan trọng hơn quyền sống một bào thai nhỏ bé. Hay những đôi uyên ương yêu nhau đến cháy lòng, đã trót mang bầu nhưng vì không "môn đăng hộ đối" nên bị cấm cản, đe dọa. Cũng có rất nhiều gã đàn ông gật đầu sái cổ với tình dục, nhưng lại lắc đầu nguây nguẩy với trách nhiệm…
Một vài người chọn cách giữ và nuôi con, chấp nhận để bé mồ côi cha. Vài trường hợp khác, không đủ điều kiện để nuôi dạy tốt nên quyết định bán con. Cũng có những bạn trẻ chọn cách phá thai để hài lòng hai bên nội ngoại. Và cũng có trường hợp chấp nhận đẻ con ra, rồi buộc phải đặt thiên thần nhỏ ấy xuống một cái hố ga...
Nạn nhân của tất cả những việc trên là ai? Là phụ nữ, và những đứa trẻ.
Có những người phụ nữ đánh đổi thanh xuân, sự nghiệp, danh dự, gia đình, mồ hôi, nước mắt và máu để đơn độc nuôi con.
Có những mảnh đời sinh ra và lớn lên, không ý thức được ngoài việc bị đánh đập, hành hạ, lạm dụng ra thì mình còn tồn tại để làm gì.
Em P.T.T., 19 tuổi, là mẹ đơn thân, quê ở Lào Cai, nhặt ve chai ở Hà Nội. Em là một cô gái có nét xinh xắn, ăn nói nhẹ nhàng. Bố của T. có tiền sử bệnh tâm thần, tự vẫn từ khi em chưa lọt lòng do gia đình cấm cản đến với mẹ em. Mẹ gửi em cho một người họ hàng và bỏ đi không trở về. Lúc ấy T. mới vài tháng tuổi.
Em lớn lên, mưu sinh từ khi lên 8, không đếm nổi số lần bị lạm dụng tình dục, và hoàn toàn không có khái niệm về tình cảm gia đình. Năm 2017, em có bầu với một cậu bạn trai hơn em 5 tuổi. Gia đình bạn trai nhất quyết thuyết phục em phá thai và không đồng ý cho con trai mình tiếp tục mối quan hệ.
2 năm sau, T. yêu một người khác hơn em 7 tuổi. Tất cả những gì người này để lại cho em là một cái thai 5 tháng, một dòng tin nhắn chân thành ngắn gọn: "Anh xin lỗi".
Do phát hiện muộn, T. đành phải sinh và nuôi con một mình. Từ khi có bầu em không dám gặp mặt người thân họ hàng. Em lên Hà Nội thuê nhà, kiếm việc làm nuôi thân và nuôi con, đồng thời tránh mặt người quen. Khi tôi gặng hỏi, em trả lời thật lòng khiến tôi không khỏi rùng mình: "Mấy dì mấy bác họ hàng mà biết chuyện chắc em chết. Nhiều lúc em nghĩ, hay là bỏ nó đi cho đỡ khổ. Nhưng khi nhìn thấy mặt con, em không nỡ."
Và sẽ luôn có một sự thật nói với bạn rằng: Dù có gặp biến cố đau khổ đến cỡ nào, cuộc sống vấn tiếp diễn theo một cách bình thường vốn dĩ. Ngày mà tâm hồn bạn đổ nát, có thể ngoài kia trời vẫn xanh, gió vẫn mát, quang cảnh vẫn đẹp như một chiều thu tháng Mười. Bao nhiêu người trong chúng ta dám khẳng định rằng ngay cả khi bản thân liên tục gặp đau khổ và bị đối xử bất công như vậy, vẫn luôn giữ được tâm hồn trong sáng và bản tính thiện lương? Dưới áp lực khắt khe của một bộ phận xã hội với những định kiến thiếu tính nhân văn, bao nhiêu người có thể vượt qua chúng mà sống đúng với lương tâm?
Phần lớn những trường hợp bỏ rơi con là những bạn trẻ đang trong độ tuổi học sinh sinh viên, hoàn cảnh khó khăn hoặc do áp lực tinh thần từ gia đình và xã hội. Thế hệ trẻ luôn cần được giáo dục hết sức nghiêm túc về tư tưởng đạo đức, trang bị đầy đủ kiến thức về sức khỏe sinh sản để phòng tránh những hệ lụy xấu.
Xin nhấn mạnh lại một lần rằng tất cả những điều trên không nhằm bao biện cho bất kì hành vi độc ác nào, nhưng qua đó, hãy nghĩ về người Phụ Nữ trong một xã hội văn minh đang đề cao bình đẳng giới, và nghĩ về "Chúng ta": Những gã đàn ông vô trách nhiệm; những bậc cha mẹ có lối suy nghĩ áp đặt cổ hủ; những ông chú, bà cô khắc nghiệt trong gia đình, những gã hàng xóm ưa thêu dệt, hay chỉ là những cư dân lang thang trên cõi mạng online…
Liệu “chúng ta” có thực sự vô can?
*Bài viết thể hiện quan điểm của tác giả.