Vay 3 triệu, nợ hơn 400 triệu vì vay tiền qua app

Vay 3 triệu đồng qua app, chị Ánh chỉ được thực nhận 1,2 triệu đồng. Do không có tiền trả, chị lại vay tiền của app khác để trả nợ. Quanh đi quẩn lại, chị vay tới 39 app, tổng số tiền lên tới hàng trăm triệu đồng.

Vay tiền app này, trả nợ app kia

Phòng An ninh mạng và phòng, chống tội phạm sử dụng công nghệ cao, Công an tỉnh Tuyên Quang đã tiếp nhận, xử lý tin báo của chị Trần Thị Ánh, trú tại huyện Yên Sơn. Chị Trần Thị Ánh có vay số tiền 3 triệu đồng qua App “Sieudong” với thủ tục đơn giản: Gửi ảnh chứng minh nhân dân và cho phép app truy cập vào danh bạ điện thoại. Tuy nhiên, chị Ánh chỉ nhận được 1,2 triệu đồng. Bên cho vay giải thích thu lãi, gốc, phí dịch vụ và yêu cầu chị phải trả đủ số tiền 3 triệu đồng trong vòng 7 ngày, nếu chậm nộp sẽ phải chịu phí phạt.

C:\Users\Administrator.ICT-20210911LTB\Downloads\anh vay tien.jpg

Nhiều người đã rước họa vào thân khi tìm đến các app vay tiền trên mạng (Ảnh minh họa)

Đến hạn, chị Trần Thị Ánh chưa có tiền trả, bên cho vay giới thiệu chị vay tiền qua các app khác để trả nợ. Quanh quẩn như vậy, chị Ánh đã vay tiền của 39 app như: “Cây phát tài”, “vay tốt”, “ví vui vẻ”, “trạm tiền”, “ví chanh”…. Tổng số tiền chị Ánh phải trả cho các app lên tới hàng trăm triệu đồng. Ngoài ra, chị liên tục bị số điện thoại lạ gọi điện “khủng bố”, đe dọa tính mạng, nhắn tin quấy rối bạn bè, người thân, đồng nghiệp, gây sức ép để chị Ánh trả tiền.

Chị Ánh đã vay tiền của bạn bè, người thân 124 triệu đồng để trả cho các app. Nhưng chị vẫn còn nợ lại 355,2 triệu đồng, trong khi đó số tiền lãi liên tục tăng. Chị không đủ khả năng trả nợ và rơi vào hoảng loạn. Bị “khủng bố” tinh thần, đe doạ bất kể ngày đêm, không còn cách nào khác, chị Ánh làm đơn nhờ sự can thiệp của cơ quan công an.

Đừng tự rước họa vào thân

Vào Google, Facebook... gõ cụm từ “vay online”, “vay trực tuyến”, “vay nhanh”, chúng ta sẽ thấy xuất hiện nhan nhản các trang web cho vay tiền siêu nhanh với những lời giới thiệu như vay tiền không cần gặp mặt; vay tiền mặt, 30 giây có tiền ngay.

Thử đóng vai người vay tiền qua app, PV nhận thấy tất cả các app đều cam kết, “chúng tôi đảm bảo an toàn cho thông tin của bạn" và yêu cầu người dùng cho phép truy cập quyền vị trí theo định vị GPS của điện thoại với lời mời chào hấp dẫn: "Sau khi cho phép quyền này, tỉ lệ duyệt khoản vay sẽ được tăng lên đến 99,9%".

Mở một app cho vay, PV bấm nút "Tôi muốn vay tiền" và được yêu cầu nhập số điện thoại. Ngay khi PV nhập số điện thoại, app đưa ra nhiều hạng mức vay. Trên màn hình app hiện dòng chữ: "Chúng tôi sẽ không sử dụng những thông tin này cho mục đích khác".

Theo từng bước, người vay nhập thông tin: họ tên, ngày sinh, giới tính, tình trạng hôn nhân, số con, địa chỉ thường trú, địa chỉ số nhà, chứng minh nhân dân. Tiếp theo là nhập thông tin tình trạng việc làm. Bước ba, nhập thông tin liên lạc chỉ được sử dụng để xác định mối quan hệ xã hội của người vay.

Ở bước này, app yêu cầu người vay cho phép thực hiện quản lý cuộc gọi điện thoại và truy cập danh bạ điện thoại, Facebook cá nhân. Bước bốn, điền thông tin ngân hàng nhận khoản vay.

Cuối cùng, người vay phải chụp mặt trước, mặt sau chứng minh nhân dân và chụp hình ảnh của mình để gửi đi. Trên app sau đó hiện dòng chữ "Hình ảnh chỉ dùng để giải ngân nhanh chóng hơn".

Khi nhập đủ thông tin, chỉ sau 10 giây tính toán, kết quả app đưa ra hạn mức khách hàng được vay là 1,5 triệu đồng, thời hạn vay 14 ngày cùng lời hứa: "Sau khi hoàn tất khoản vay đầu tiên, sẽ mở thêm hạn mức khác cho bạn". Chính vì vay tiền qua app quá dễ dàng nên không ít người đã tự rước họa vào thân.

Chị Nguyễn Thanh Tâm (Hà Đông, Hà Nội) chia sẻ, thời gian gần đây, gia đình chị luôn sống trong tâm trạng nặng nề khi liên tục bị gọi điện, nhắn tin đe dọa đòi nợ. Hàng loạt tin nhắn đòi nợ kiểu "xã hội đen" kèm hình ảnh của chị Tâm, thậm chí cả hình ảnh con gái mới học lớp 5 của chị được gửi đến nhiều bạn bè trên Facebook. Quá sợ hãi, chị Tâm phải tạm thời đóng Zalo, app vay tiền.

Chị Tâm kể, vào giữa năm 2021, do cần tiền nên chị đã tìm hiểu vay "nóng" trên app 5 triệu đồng. Chỉ với một số thao tác tải app, điền thông tin cá nhân, số tài khoản nhận tiền, gửi ảnh chụp cá nhân và chứng minh nhân dân, đồng ý cho app truy cập danh bạ cá nhân, chị Tâm đã hoàn thành thủ tục vay. Tuy nhiên, số tiền chị nhận về chỉ hơn 3 triệu đồng. Do do ảnh hưởng của dịch Covid-19, thu nhập giảm sút, chị Tâm chậm trả và đó cũng là lúc chị nếm đủ vị đòi tiền cũng như hệ lụy từ việc vay online.

Mỗi ngày chậm trả, số tiền chị Tâm phải thanh toán tăng lên và được báo liên tục về app điện thoại. Sau ba tháng trễ, chị Tâm phải thanh toán cả gốc lẫn lãi, tiền phạt phí nộp trễ cho khoản vay là 10,8 triệu đồng.

Chị Tâm bị đòi nợ bất kể ngày đêm và thường xuyên nhận thông tin đe dọa sẽ tung hình ảnh chị lên mạng xã hội để bêu rếu. Người thân trong danh bạ điện thoại, bạn bè trên Facebook của chị cũng liên tục bị quấy rầy bởi những tin nhắn với đủ lời lẽ xúc phạm.

Khi chị Tâm chưa trả nợ, bên cho vay dùng ảnh của chị Tâm kèm theo những thông tin cảnh báo lừa đảo đã được gửi cho bạn bè, người thân. Những hình ảnh này chính là hình ảnh chị Tâm đã tải lên app để đăng ký truy cập theo yêu cầu ban đầu. "Khi vay trong app, bên cho vay khẳng định sẽ bảo mật thông tin khách hàng, vậy mà giờ họ lại dùng nó để đe dọa tôi. Hiện giờ nhân viên của app vẫn gọi điện, nhắn tin cho tôi và người thân để đòi nợ”, chị Tâm nói.

Theo các chuyên gia cảnh báo, các app cho vay tiền đa phần do những đối tượng hoạt động “tín dụng đen” sử dụng công nghệ cao ẩn dưới dạng cho vay trực tuyến với lãi suất cao. Đề nghị người dân có nhu cầu vay tiền hãy đến ngân hàng, tổ chức tín dụng tin cậy để được tư vấn cụ thể về mức vay, lãi suất, thời hạn trả một cách rõ ràng.

* Tên nhân vật đã được thay đổi

L.C/ Người Đưa Tin