Vay thấu chi, trả nợ ngân hàng khác có được hưởng gói hỗ trợ lãi suất?

Ngân hàng Nhà nước giải đáp một số nội dung về các vấn đề bao gồm: Phạm vi điều chỉnh; Nguyên tắc, điều kiện hỗ trợ lãi suất...

Ngân hàng Nhà nước Việt Nam (NHNN) vừa có văn bản giải đáp một số nội dung của Nghị định 31/2022/NĐ-CP và Thông tư số 03/2022/TT-NHNN về triển khai gói hỗ trợ 2% lãi suất từ nguồn cấp bù ngân sách nhà nước.

Theo đó, NHNN giải đáp một số nội dung về các vấn đề bao gồm: Phạm vi điều chỉnh; Nguyên tắc, điều kiện hỗ trợ lãi suất; Thời hạn, phương thức hỗ trợ lãi suất; Thu hồi số tiền hỗ trợ lãi suất…

Trong đó, về phạm vi điều chỉnh, đối với các khoản thấu chi có được hỗ trợ lãi suất hay không, NHNN cho biết: Theo quy định tại Thông tư số 39/2016/TT-NHNN của NHNN, đối với khách hàng, việc cho vay theo hạn mức thấu chi trên tài khoản thanh toán là một trong các phương thức cho vay. Vì vậy, ngân hàng thương mại được hỗ trợ lãi suất đối với khoản vay từ phương thức cho vay này khi xác định thuộc đối tượng và đáp ứng đầy đủ điều kiện quy định tại Nghị định 31/2022/NĐ-CP.

Đối với các khoản vay để trả nợ cho khoản vay đã được tài trợ tại ngân hàng thương mại khác, Ngân hàng Nhà nước cho hay: Theo quy định tại khoản 2 Điều 2 Nghị định 31/2022/NĐ-CP, khách hàng được hỗ trợ lãi suất cần có mục đích sử dụng vốn vay thuộc các ngành, lĩnh vực được hỗ trợ lãi suất. Do đó, các khoản vay với mục đích để trả nợ cho khoản vay khác không được hỗ trợ lãi suất.

Tương tự, các khoản vay bù đắp vốn tự có/vốn vay bên thứ ba để thanh toán, chi trả các chi phí thuộc phương án, dự án kinh doanh cũng không thuộc đối tượng được hỗ trợ lãi suất theo Nghị định 31/2022/NĐ-CP.

Trường hợp ngân hàng và khách hàng đã ký kết hợp đồng tín dụng trước ngày 1/1/2022 nhưng khế ước nhận nợ ký sau ngày 1/1/2022 thì có được hỗ trợ lãi suất hay không? Về vấn đề này NHNN cho biết, Thông tư số 39/2016/TT-NHNN quy định tổ chức tín dụng thẩm định khả năng đáp ứng các điều kiện vay vốn của khách hàng theo quy định tại Điều 7 Thông tư này để xem xét quyết định cho vay (khoản 1 Điều 17); Thỏa thuận cho vay phải được lập thành văn bản (khoản 1 Điều 23); Tổ chức tín dụng thỏa thuận với khách hàng việc áp dụng các phương thức cho vay (Điều 27); Tổ chức tín dụng và khách hàng căn cứ vào chu kỳ hoạt động kinh doanh, thời hạn thu hồi vốn, khả năng trả nợ của khách hàng, nguồn vốn cho vay và thời hạn hoạt động còn lại của tổ chức tín dụng để thỏa thuận về thời hạn cho vay (khoản 1 Điều 28),…

Theo đó, theo quy định tại Thông tư số 39/2016/TTNHNN, một khoản vay được xác định trên cơ sở một thỏa thuận cho vay.

Theo quy định tại khoản 1 Điều 23 Thông tư số 39/2016/TT-NHNN, văn bản thỏa thuận giữa tổ chức tín dụng và khách hàng có đầy đủ các nội dung theo quy định tại khoản 1 Điều 23 Thông tư số 39/2016/TT-NHNN là một thỏa thuận cho vay. Theo đó, trường hợp tổ chức tín dụng và khách hàng ký kết hai (hoặc nhiều) văn bản thỏa thuận liên quan đến cùng một khoản vay:

Nếu văn bản thứ nhất (ký trước) là một thỏa thuận cho vay (có đầy đủ nội dung tối thiểu theo quy định tại khoản 1 Điều 23 Thông tư số 39/2016/TT-NHNN), văn bản thứ hai (ký sau) không đủ nội dung tối thiểu theo quy định tại khoản 1 Điều 23 Thông tư số 39/2016/TT-NHNN, thì thời điểm ký kết thỏa thuận cho vay là thời điểm ký kết văn bản thứ nhất.

Nếu văn bản thứ hai (ký sau) được xác định là một thỏa thuận cho vay (có đầy đủ nội dung tối thiểu theo quy định tại khoản 1 Điều 23 Thông tư số 39/2016/TT-NHNN), thì thời điểm ký kết thỏa thuận cho vay là thời điểm ký kết văn bản thứ hai.

Nếu văn bản thứ nhất (ký trước) kết hợp với văn bản thứ hai (ký sau) mới có đầy đủ nội dung tối thiểu theo quy định tại khoản 1 Điều 23 Thông tư số 39/2016/TT-NHNN, thì hai văn bản được xác định là một thỏa thuận cho vay và thời điểm ký kết thỏa thuận cho vay là thời điểm ký kết văn bản thứ hai.

Tuệ Minh