Vay tiền qua app, nam sinh bỏ học vì bị “khủng bố” đòi nợ

Từ khoản vay ban đầu là 10 triệu đồng, sau 6 tháng đã lên đến gần 100 triệu. Khi không còn khả năng chi trả, Hiếu bị nhân viên của app liên tục đòi nợ, họ tìm đến đến cả trường học để đe doạ. Không những thế, bạn bè, người thân trong gia đình Hiếu cũng bị "khủng bố".

Nguyễn Trung Hiếu (21 tuổi, Văn Chấn, Yên Bái) là con cả trong một gia đình nghèo, dưới có 3 người em. Lên đại học, cậu đi làm giao hàng để kiếm tiền trang trải cuộc sống.

Nguyễn Trung Hiếu chia sẻ về câu chuyện của mình.

Một lần, khi đi giao hàng cho đi giao hàng, không may Hiếu bị ngã xe làm vỡ hai lọ lục bình nên phải đền 10 triệu đồng. Không biết kiếm đâu ra tiền đền cho cửa hàng, cậu quyết định vay tiền qua một app online.

“Em tải app vay tiền về điện thoại, nhấn vào nút chấp nhận cho app truy cập danh bạ điện thoại và vị trí của mình. Sau khi điền đầy đủ thông tin cá nhân và chụp ảnh 2 mặt CCCD, em được giới thiệu, nếu vay 10 triệu chỉ nhận được tầm 8 triệu đồng hoặc ít hơn với lý do là giấy tờ, bảo hiểm....”, Hiếu kể.

Vì vậy, để nhận được 10 triệu, Hiếu đã phải vay 12 triệu đồng. Sau khi điền đầy đủ thông tin, Hiếu nhanh chóng nhận được 10 triệu đồng qua tài khoản ngân hàng. Với thủ tục đơn giản, nhanh chóng và tiện lợi, Hiếu đã giải quyết được vấn đề cá nhân.

Tháng đầu tiên, Hiếu chi tiêu tiết kiệm, chăm chỉ đi làm để đóng tiền lãi 2 triệu đồng/tháng. Tuy nhiên, đến tháng thứ 2, số tiền lãi tăng lên 2,6 triệu với lý do thêm chi phí bảo hiểm... Tiền lãi sau mỗi tháng tăng đến chóng mặt, Hiếu phải đi làm nhiều chỗ để có tiền trả nợ, nghỉ học thường xuyên.

Do không trả tiền lãi được theo định kỳ, bên vay lại giới thiệu cho Hiếu vay app khác. Cứ như vậy, từ số tiền 10 triệu đồng, sau 6 tháng, cậu đã nợ đến gần 100 triệu đồng. “Không có tiền trả nợ, em bị họ gọi điện liên tục. Em không bắt máy thì họ lên tận trường học đe dọa. Thậm chí họ còn lấy ảnh em viết là lừa đảo, trốn nợ rồi đăng lên mạng xã hội, dán tờ rơi ở trường học”, nam sinh viên kể lại.

Không những thế, bạn bè, người thân trong gia đình Hiếu cũng bị tín dụng đen làm phiền, đe doạ. Chán nản, khủng hoảng tinh thần, Hiếu bỏ học. Biết chuyện, bố mẹ ở quê đã xoay sở, vay mượn hàng xóm, họ hàng cho Hiếu đủ tiền trả nợ. “Đã hết nợ nhưng em vẫn xấu hổ, không dám quay lại trường học, không dám gặp cả bạn bè nữa”, Hiếu tâm sự.

Luật sư Nguyễn Văn Hà, Quản lý tại Công ty Luật TNHH Toàn Quốc.

Câu chuyện của Hiếu không phải là cá biệt. Rất nhiều người vay tiền tín dụng đen bị đòi nợ theo cách khủng bố, dọa nạt, xúc phạm danh dự. Theo ông Nguyễn Văn Hà, Quản lý tại Công ty Luật TNHH Toàn Quốc, hiện nay có nhiều nhóm cho vay qua app với thủ tục đơn giản, nhanh chóng, không thế chấp nhưng lãi suất rất cao từ 100% - 300%, thậm chí lên đến 700%/năm. Khi đến hạn, app đòi nợ bằng cách quấy rối điện thoại, lăng mạ, sỉ nhục, đe doạ đến cả người vay và những người không liên quan đến khoản vay.

Ông Hà đưa ra khuyến cáo, người dân cần hết sức tỉnh táo trước khi quyết định vay tiền, đặc biệt là cần tránh xa tín dụng đen bởi các chiêu thức, chiêu trò của các đối tượng cho vay ngày càng tinh vi.

Trong trường hợp người dân có nhu cầu vay vốn cần tìm những nguồn vốn chính thống như ngân hàng hoặc tổ chức công ty tài chính được cấp phép theo quy định pháp luật.

Khi cá nhân có nhu cầu vay vốn, ngoài tìm đến ngân hàng, tổ chức tín dụng được cấp phép thì nên xem xét xem còn kênh huy động vốn nào khác không? Người dân nên chủ động tìm hiểu các quy định pháp luật về cho vay, khi có nhu cầu vay vốn thì phải xem xét thật kỹ hợp đồng, đảm bảo nội dung hợp đồng cho vay phải phù hợp với quy định pháp luật, không được vi phạm các điều cấm của pháp luật.

Không chụp hoặc tiết lộ thông tin hoăc các loại giấy tờ tuỳ thân như CMND/CCCD, bằng lái xe cho một bên thứ 3 nào khác.

Tên nhân vật đã được thay đổi.