Sử dụng thiết bị kỹ thuật số trước khi ngủ
Nghiên cứu của Trường ĐH Harvard (Mỹ) cho biết dùng iPad, iPhone hay các thiết bị tương tự thường khó thức dậy hơn là đọc sách trước khi ngủ. Ánh sáng xanh phát ra từ thiết bị ức chế hormon gây ngủ melatonin, kiểm soát các chu kỳ ngủ và thức. Khi melatonin không hoạt động, có thể khiến ngủ không ngon giấc. Hãy tắt mọi thiết bị điện tử, như máy tính, điện thoại, máy tính bảng 90 phút trước khi ngủ. Bác sĩ Sylvia Morris tại Atlanta khuyên không để điện thoại trong phòng, cho dù là cài chế độ airplane mode bởi vì ánh sáng phát ra từ một chiếc điện thoại cũng đủ để quấy rối giấc ngủ của bạn.
Ngủ sai tư thế
Tiến sĩ người Mỹ Benjamin Domb giải thích:” Bạn có thấy đau lưng khi thức dậy? Có thể do nằm ngủ nghiêng một bên suốt đêm, làm cho hông bị cong. Nếu bạn thuộc trong số 57% người thường ngủ tư thế này, hãy kê thêm cái gối vào giữa hai chân để duy trì độ thẳng của hông. Tổn thương ở hông rất phổ biến, làm ảnh hưởng đến giấc ngủ vì cơn đau do chấn thương thường xuất hiện ở nhiều vị trí khác nhau trên cơ thể, trong đó có thắt lưng”.
Gối ngủ kém chất lượng
Một cái gối bông lớn có thể gây cảm giác đau khi ngủ. Shawn Stevenson, người sáng lập hệ thống The Advance Integrative Health Alliance, cho biết:“Tư thế ngủ chống đỡ đầu làm cột sống bị kéo giật, giống như khi bạn đi bộ tám tiếng đồng hồ suốt cả ngày trong khi cổ chúi xuống. Hãy chọn loại gối mềm, ruột gối xốp để hỗ trợ tốt khi ngủ”.
Uống rượu trước khi ngủ
Uống rượu trước khi ngủ giúp ngủ không mộng mị vì chất cồn có tác dụng giúp dễ ngủ, nhưng ảnh hưởng đến chất lượng giấc ngủ. Chất cồn phá vỡ chu kỳ bình thường của giấc ngủ, gây mệt mỏi và cơ thể mất nước vào sáng hôm sau. Nghiên cứu những người ở Úc có uống nước ép cam với rượu vodka trước khi ngủ cho thấy, sóng anpha của não thường hoạt động nhiều hơn khi chợp mắt, nghĩa là giấc ngủ không sâu, khó phục hồi sức khỏe. Phụ nữ đặc biệt nhạy cảm với sự gián đoạn của giấc ngủ do chất cồn vì chuyển hóa chất cồn nhanh hơn, làm thức giấc nhanh hơn. Một ly đồ uống chứa chất cồn không có hại, nhưng hãy giới hạn một ly mỗi buổi tối, và uống hai tiếng hồ trước khi ngủ, hoặc thay vì uống rượu, hãy uống sữa trước khi ngủ.
Ngưng thở khi ngủ không được chẩn đoán
Nghiên cứu cho biết phân nửa phụ nữ trưởng thành có một số vấn đề về chứng ngưng thở khi ngủ. Phụ nữ độ tuổi 20 và 44 chiếm 25%, độ tuổi từ 45 đến 54 chiếm 56% và độ tuổi từ 55 đến 77 chiếm 75%. Đặc điểm của bệnh là ngưng thở trong thời gian ngắn, nhiều lần trong đêm, dẫn đến giảm sút chất lượng giấc ngủ. Đặc biệt, ngưng thở khi ngủ rất phổ biến ở phụ nữ trong giai đoạn tiền mãn kinh, mà đôi khi bị nhầm lẫn với việc thường hay thức giấc lúc nửa đêm do bốc hỏa. Kết quả là thường thức dậy với cảm giác mệt mỏi, ngay cả khi ngủ đủ giấc.Trường hợp này, cần đến gặp chuyên gia về giấc ngủ. Cách tốt nhất để chẩn đoán ngưng thở khi ngủ là chọn những thiết bị y tế dùng tại nhà trong những trường hợp nặng. Trường hợp nhẹ được chữa trị bằng cách giảm cân và tránh đồ uống chứa cồn trước giờ ngủ, nhưng nếu mức độ bệnh từ trung bình đến nặng hơn, cần dùng một thiết bị giống như CPAP, đó là một ống khí ôxy đặt dưới mũi để phát ra áp lực không khí nhẹ, làm thông đường thở.
Nghiến răng khi ngủ
Theo chuyên gia liệu pháp mát xa Kathy Gruver tại Santa Monica, Mỹ:”Nếu bị đau đầu khi thức dậy, rất có thể bạn đang ghì chặt quai hàm hoặc nghiến răng suốt đêm khi ngủ. Hãy thực hiện một vài áp lực nhẹ nhàng và/hoặc đắp một miếng vải ấm, ướt ở hàm ngay trước khi đi ngủ và ngay sau khi thức dậy buổi sáng. Hoặc có thể đến nha sĩ để kiểm tra răng”.
Trường Thi (Một thế giới)