13, 6, 5, 3…là các con số thể hiện cho số nạn nhân thiệt mạng trong các vụ cháy liên quan đến quán karaoke trong mấy năm trở lại đây. Ngày 1/8 vừa qua, sự việc đau lòng khi 3 chiến sĩ PCCC Công an quận Cầu Giấy hy sinh khi làm nhiệm vụ tại quán karaoke ISIS (số 231 Quan Hoa, phường Quan Hoa, quận Cầu Giấy, Hà Nội) khiến nhiều người bàng hoàng. Đây không phải lần đầu tiên các vụ cháy quán karaoke có thiệt hại lớn về người và tài sản xảy ra. Vậy tại sao ở những quán karaoke, khi có sự cố hỏa hoạn lại gây thiệt hại lớn?
Quán karaoke tiềm ẩn nhiều nguy cơ cháy nổ
Trên địa bàn TP. Hà Nội từng xảy ra nhiều vụ cháy quán karaoke kinh hoàng khác như: cháy quán karaoke 68 (Trần Thái Tông, Hà Nội) khiến 13 người tử vong, cháy quán karaoke Zone 9 (Trần Thánh Tông, Hà Nội) khiến 6 người tử vong, cháy quán karaoke Nhật Thức (Giảng Võ, phường Cát Linh, quận Đống Đa, Hà Nội) khiến 5 người tử vong…
Cháy quán bar và quán karaoke được đánh giá rất khó để dập nhanh. Một trong những nguyên nhân dẫn đến việc phòng hát karaoke bị cháy nổ đó là do thiết kế phòng hát không đảm bảo an toàn về việc phòng cháy, chữa cháy. Đa phần các quán karaoke đều thiết kế phòng hát cách âm rất cao, không gian trong và ngoài đều kín. Điều này khiến người bên ngoài khó nhận biết đám cháy trong phòng hát và người bên trong phòng cũng không định hình được những mối nguy hại cháy nổ bên ngoài.
Ngoài ra, điểm chung của các quán bar, karaoke, khách sạn…đa phần đều được chủ cơ sở thay đổi kết cấu bên trong, cải tạo, sửa chữa và trang trí nội thất thật sang trọng, bắt mắt để thu hút khách hàng. Quá trình tiến hành sửa chữa là một trong những mối nguy hại lớn dẫn đến cháy nổ tại quán karaoke khi thợ hàn cắt kim loại không tuân thủ các quy định về an toàn PCCC, hút thuốc, bật lửa khi làm việc. Cùng với đó, hiểm họa từ sự cố chập điện do các quán bar thường xuyên sử dụng công suất điện lớn cho hệ thống âm thanh, ánh sáng, biển quảng cáo…
Những quán karaoke thường có thiết kế rất kín, gây khó khăn cho công tác cứu hộ cứu nạn khi xảy ra sự cố
Nguy cơ là vậy song công tác PCCC tại các cơ sở kinh doanh có điều kiện hiện nay chưa đáp ứng tốt yêu cầu; nhiều cơ sở không có phương án chữa cháy, thoát nạn theo quy định; nhân viên thường xuyên thay đổi, không được tập huấn, trang bị kiến thức cơ bản về phòng ngừa hỏa hoạn.
Trên thực tế, đã có những quy định và tiêu chuẩn cho việc thiết kế và hệ thống phòng cháy chữa cháy tại các quán bar, karaoke. Thông tư 47 về PCCC khi kinh doanh karaoke, vũ trường có quy định rõ về diện tích của một quán karaoke, cách thiết kế và các vật liệu sử dụng. Cùng với đó hệ thống chữa cháy phải đảm bảo khi có sự cố xảy ra có thể ứng cứu kịp thời.
Phòng karaoke phải thi công bằng những vật liệu không cháy hoặc khó cháy, bắt buộc phải có lối thoát hiểm và thang thoát hiểm độc lập. Quá trình thi công, sửa chữa quán karaoke phải đảm bảo giảm thiểu tối đa rủi ro cháy nổ. Trang bị hệ thống báo cháy, chữa cháy tự động, hệ thống họng nước chữa cháy trong nhà. Một phòng hát có thêm các thiết bị cảnh báo cháy nổ, bình chữa cháy, bình dưỡng khí chắc chắn sẽ giảm thiểu tối đa số người thương vong, giảm thiệt hại kinh tế rất nhiều.
Hát karaoke là hoạt động giải trí phổ biến, phòng hát thường thiết kế rất kín, cách âm
Hát karaoke là một trong những hoạt động giải trí phổ biến tại Việt Nam và các quốc gia khác trên thế giới. Nắm bắt nhu cầu của khách hàng, nhiều quán karaoke được thiết kế hoành tráng, tiện nghi. Tuy nhiên, loại hình giải trí này vẫn luôn tiềm ẩn những nguy cơ về hỏa hoạn, cháy nổ lớn vì tính chất không gian kín, cách âm, nhiều thiết bị điện công suất lớn…Những vụ việc thương tâm xảy ra là một hồi chuông cảnh tỉnh cho các mô hình kinh doanh quán karaoke, vũ trường…về việc đảm bảo an toàn phòng cháy chữa cháy.