Vì sao dịch Covid-19 lại bùng phát ở Tiền Giang?

Tỉnh Tiền Giang đang là “điểm nóng” ở khu vực ĐBSCL về dịch Covid-19. Dịch bệnh đang lây lan nhanh và đã xảy ra ở 5/11 huyện, thành phố, thị xã. Vì sao địa phương này bùng phát dịch?

Tính đến ngày 22/6, tỉnh Tiền Giang đã phát hiện 56 ca mắc Covid-19 trong cộng đồng với 9 ổ dịch, nhiều trường hợp nghi mắc và gần 900 trường hợp F1. Có 5/11 huyện, thị thành phố trong tỉnh xuất hiện dịch bệnh Covid-19 gồm huyện Cai Lậy, Cái Bè, Chợ Gạo, Thị xã Cai Lậy và thành phố Mỹ Tho; trong đó có 1 ca đã tử vong tại thành phố Mỹ Tho.

Hầu hết các quán giải khát, cá phê, quán ăn uống trên địa bàn TP.Mỹ Tho, tỉnh Tiền Giang đều ngưng hoạt động hoặc bán cho khách mang về nhà

Dịch Covid-19 tại tỉnh Tiền Giang được phát hiện từ ngày 5/6 vừa qua. Ca đầu tiên là trường hợp tại ấp Quí Thành, xã Nhị Quí, Thị xã Cai Lậy lây lan lúc làm việc tại một quán chè ở Quận Gò Vấp, TP.HCM. Ca bệnh thứ 2 là một thanh niên ở xã Hòa Tịnh, huyện Chợ Gạo. Thanh niên này nhập cảnh đã cách ly qua 21 ngày, sau đó về cách ly thêm 7 ngày nữa tại nhà, khi xét nghiệm có kết quả dương tính với SARS-CoV-2. Ca thứ 3 là nhân viên của Văn phòng hiện trường của công ty cổ phần BOT cao tốc Trung Lương- Mỹ Thuật đặt tại xã Mỹ Đức Đông, huyện Cái Bè. Từ ca bệnh thứ 3 đã lây lan ra 14 nhân viên khác tại công ty này. Sau đó ngày 11/6 ổ dịch kế tiếp bùng phát tại ấp Mỹ Hội, xã Mỹ Hạnh Đông, Thị xã Cai Lậy. Một ca bệnh ban đầu từ TP.HCM về đã lây lan cho 23 cá nhân khác và hơn 50 F1. Ổ dịch này lây lan nhanh và đang diễn biến rất phức tạp. Vậy vì sao chỉ trong 20 ngày mà dịch bệnh Covid-19 tại Tiền Giang lại bùng phát mạnh trong cộng đồng?

Đoàn công tác liên ngành của TP.Mỹ Tho đi kiểm tra việc chấp hành giãn cách xã hội

Trước hết, tỉnh Tiền Giang ở vị trí cửa ngõ miền Tây, có nhiều đầu mối giao thông trung chuyển từ TP.HCM đến vùng ĐBSCL. Tiền Giang có nhiều người dân đến làm ăn, sinh sống, học tập, công tác tại TP.HCM. Địa bàn cũng có nhiều dự án trọng điểm và nhiều khu, cụm công nghiệp như: Dự án cao tốc Trung Lương-Mỹ Thuận, cầu Mỹ Thuận 2; các khu, cụm công nghiệp: Mỹ Tho, Tân Hương, Long Giang, Tân Mỹ Chánh…. Do đó, Tiền Giang thu hút một lượng lớn cán bộ, công nhân kỹ thuật và hàng chục nghìn công nhân lao động từ mọi miền đất nước đến lao động, công tác. Thế nên sự tương tác, giao lưu, giao thương... giữa nhiều địa phương; trong đó có nhiều vùng dịch là không thể tránh khỏi nên có nguy cơ cao phát sinh và lây lan dịch bệnh. Cụ thể như ổ dịch tại xã Mỹ Đức Đông, huyện Cái Bè là do lây nhiễm từ 2 nhân viên công trình đường cao tốc quê ở miền Bắc và Đông Nam bộ. Các ca bệnh khác đều do nguồn lây từ TP.HCM.

Bên cạnh những nỗ lực chung của Ban Chỉ đạo phòng chống dịch bệnh Covid-19 các cấp trong tỉnh thì ý thức một bộ phận người dân, thậm chí chính quyền và ngành chức năng ở một số địa phương về việc chủ động phòng chống dịch vẫn chưa cao.

Hàng trăm công nhân lao động tại các khu, cụm công nghiệp được lấy mẫu xét nghiệm Covid-19

Dù dịch bệnh xảy ra trên diện rộng, toàn tỉnh Tiền Giang thực hiện giãn cách theo Chỉ thị 15-16 của Thủ tướng Chính phủ, UBND tỉnh có chủ trương cấm hoạt động kinh doanh vé số trên địa bàn nhưng ở nhiều địa bàn như huyện Cái Bè, Chợ Gạo, thành phố Mỹ Tho vẫn còn có nhiều người bán vé số lẻ, một số quán cà phê giải khát còn lén lút hoạt động, tụ tập đông người, chính quyền và ngành chức năng khó phát hiện và xử lý.

“Ở xã An Thái Đông này quán bán ca phê, bán ăn trong chợ bình thường, không đeo khẩu trang gì hết. Người bán vé số cũng còn đi. Người dân lo ngại báo chính quyền nhưng chưa có ai đến nữa. Đề nghị chính quyền, lực lượng phòng chống dịch phải thường xuyên kiểm tra đường phố, hàng ăn… Gần đây đã có 1 ổ dịch và có 1 ca dương tính nữa nên chúng tôi rất hoang mang”, ông Phan Hữu Tín, một tiểu thương tại xã An Thái Đông, huyện Cái Bè lo ngại.

Các chợ tại địa bàn tỉnh Tiền Giang tổ chức kiểm tra thân nhiệt người ra vào

Mới đây, tại phường 5, Thành phố Mỹ Tho còn xảy ra tình trạng một số đối tượng tụ tập uống rượu, mâu thuẫn dẫn đến đánh nhau gây thương tích. Công an TP.Mỹ Tho củng cố hồ sơ xử lý theo pháp luật.

Tại huyện Châu Thành, Tân Phú Đông... cơ quan công an còn bắt giữ nhiều tụ điểm cờ bạc ăn thua bằng tiền trong thời điểm giãn cách xã hội. Ngoài ra, còn có những trường hợp về từ vùng dịch không tự giác, khai báo y tế, và còn bất hợp tác với chính quyền và cơ quan y tế khi tuyên truyền, vận động đi lấy mẫu xét nghiệm Covid-19.

Nghiêm trọng nhất là trường hợp của bà H.M.T từ Quận Gò Vấp, TP.HCM về xã Mỹ Hạnh Đông, Thị xã Cai Lậy, tỉnh Tiền Giang nhưng không tự giác khai báo y tế, không chấp hành cách ly phòng chống dịch bệnh, không hợp tác với cán bộ y tế xã để lấy mẫu xét nghiệm. Sau khi cưỡng chế lấy mẫu xét nghiệm bà T đã dương tính với SARS-CoV-2. Từ bà T đã lây lan dịch bệnh cho nhiều người khác.

Cơ quan cảnh sát điều tra- Công an Thị xã Cai Lậy vừa ký quyết định khởi tố vụ án để điều tra về tội “Làm lây lan dịch bệnh truyền nhiễm nguy hiểm cho người” và tiếp tục củng cố hồ sơ để khởi tố bị can đã làm lây lan dịch bệnh tại địa phương này.

Người ra vào chợ Cổ Cò, huyện Cái Bè chưa chấp hành nghiêm quy định phòng chống đại dịch

Trao đổi với phóng viên VOV, ông Trần Văn Thức, Chủ tịch UBND Thị xã Cai Lậy, tỉnh Tiền Giang cho rằng, ý thức một số người dân chưa cao trong công tác phòng chống dịch Covid-19. Tuy nhiên đối với ổ dịch ở xã Mỹ Hạnh Đông không hoàn toàn là lỗi phía người dân, vụ việc đang được cơ quan công an điều tra làm rõ.

“Đúng là ý thức cũng chưa cao, nhưng mà đối với vụ án mà khởi tố có nhiều yếu tố phức tạp, công an đang điều tra. Nói chung nhận thức phòng chống dịch bệnh của người dân chưa cao. Trong vụ án này vẫn còn nhiều yếu tố phức tạp nên tôi cũng chưa thể nói là chỉ do người dân lơ là”, ông Thức cho biết thêm.

Một trường hợp khác vào ngày 18/6, ông Dương Văn T từ phường 4, Quận Gò Vấp, TP.HCM về gia đình ở ấp 3, xã Thạnh Lộc, huyện Cai Lậy (Tiền Giang). Sau đó, ông T cùng một số người thân trong gia đình và người hàng xóm cùng ngồi chung tiệc rượu.

Đến ngày hôm sau, ông Dương Văn T. mới đến trạm y tế xã khai báo, đo thân nhiệt, cán bộ trạm y tế yêu cầu ông đến Trung tâm y tế huyện Cai Lậy test nhanh thì người tnày mới thực hiện và có kết quả ban đầu dương tính. Khi có kết quả test nhanh dương tính ông T mới khai nhận mình về từ vùng dịch. Rất may, xét nghiệm PCR, ông T âm tính với SARS-CoV-2, nếu ông tiếp tục dương tính thì hậu quả khó lường.

Dù tỉnh cấm hoạt động kinh doanh vé số nhưng nhiều địa bàn ở tỉnh Tiền Giang vẫn còn nhiều người làm nghề này

Ông Nguyễn Văn Khoa, người dân ở Thành phố Mỹ Tho cho rằng, việc kiểm soát người về từ vùng dịch chưa chặt. Nếu không có biện pháp chế tài nghiêm khắc thì khi người dân né tránh khai báo y tế, không tự giác đi lấy mẫu xét nghiệm, nguy cơ lây lan dịch bệnh rất cao.

“Trường hợp như tại xã Thạnh Lộc không nên lặp lại lần thứ 2. Trường hợp này ngày 18/6 về mà ngày 19/6 mới ra trạm y tế. Trạm y tế lại kêu anh ta phải ra trung tâm y tế test tôi thấy chưa hợp lý”, ông Khoa nêu ý kiến.

“Những trường hợp từ vùng dịch về phải có quy trình, yêu cầu ở tại nhà và Trung tâm y tế vô nhà test chứ làm sao bắt họ đi lòng vòng vậy. Những trường hợp khi đã mắc bệnh đi lòng vòng vậy càng lây cho người khác nữa. Nếu làm lây lan trên đường đi, chính quyền địa phương phải chịu trách nhiệm mấy chuyện đó”, ông Khoa kiến nghị.

Ngoài ra, công tác truy vết các F1, F2 các ngành chức năng có nỗ lực nhưng do gặp nhiều khó khăn, phức tạp đôi lúc thực hiện còn chậm. Thực tế có trường hợp F2 vẫn đi ra khỏi vùng dịch, chưa nghiêm túc cách ly tại nhà theo quy định.

Bến phà Quơn Long- Bình Phục Nhứt (huyện Chợ Gạo) thường xuyên đông đúc, thiếu an toàn dịch bệnh và kém an toàn giao thông

Tại phường 9, Thành phố Mỹ Tho có 2 bệnh nhân Covid-19 (trong đó có 1 ca đã tử vong) do chính người con dâu về từ vùng dịch đã tiếp xúc gần với người thân làm lây lan mầm bệnh dẫn đến hậu quả là cả gia đình đều vào khu cách ly, 1 người đã qua đời tại bệnh viện dã chiến.

Trong thời điểm khi mới xảy ra dịch Covid-19, việc thông tin tuyên truyền còn chậm, tạo tâm lý hoang mang, lo lắng trong nhân dân. Việc này được tháo gỡ từ ngày 12/6/2021, khi có chỉ đạo của Chủ tịch UBND tỉnh, ông Trần Thanh Thảo, Giám đốc Sở Y tế tỉnh Tiền Giang mới ký văn bản số 2615 chỉ đạo các đơn vị trực thuộc công khai, cung cấp thông tin khi có ca nghi mắc Covid-19. Từ đó, công tác thông tin, truyền truyền về diễn biến dịch bệnh mới được kịp thời.

Hiện nay, dịch Covid-19 chưa lắng dịu, các cấp, các ngành và người dân tỉnh Tiền Giang đang khẩn trương phòng chống đại dịch lây lan. Trước thực tế và những tồn tại nêu trên, cần được quan tâm, khắc phục để “trận chiến” chống dịch như chống giặc mới sớm kết thúc, ổn định lại cuộc sống của người dân./.

Nhật Trường/VOV-ĐBSCL