Vì sao giá cát Hà Tĩnh cao gấp nhiều lần Quảng Bình và Nghệ An?

Giá cát xây dựng trên địa bàn Hà Tĩnh cao gấp nhiều lần Quảng Bình và Nghệ An được tư lệnh ngành TNMT lý giải do giá đấu mỏ cao và do quản lý Nhà nước quá chặt.

Sáng 14/7, kỳ họp HĐND tỉnh Hà Tĩnh tiếp tục phiên chất vấn. Vấn đề về vật liệu xây dựng được các đại biểu quan tâm, đặt câu hỏi chất vấn tư lệnh ngành TN-MT.

Đại biểu Phan Tấn Linh, huyện Nghi Xuân đặt câu hỏi: Liệu có tình trạng khai thác cát trái phép hoặc nhập nguồn không rõ nguồn gốc?, bởi theo báo cáo của sở, việc cấp phép mỏ cát xây dựng trên địa bàn mới chỉ đáp ứng được 6% so với nhu cầu. Giá vật liệu cao khiến doanh nghiệp gặp nhiều khó khăn, làm nhiều lỗ nhiều.

Dân sinh - Vì sao giá cát Hà Tĩnh cao gấp nhiều lần Quảng Bình và Nghệ An?

Ông Lê Ngọc Huấn, Giám đốc Sở TN-MT Hà Tĩnh trả lời tại phiên chất vấn.

Trả lời câu hỏi này, ông Lê Ngọc Huấn, Giám đốc Sở TN-MT Hà Tĩnh cho hay, hiện, giá cát tại Hà Tĩnh cao gấp nhiều lần so với Quảng Bình và Nghệ An. Mổ xẻ nguyên nhân, tư lệnh ngành TM-MT cho biết có 3 nguyên nhân chính:

Thứ nhất, về trữ lượng mỏ. Tại Nghệ An, quy hoạch 50 triệu m3, Quảng Bình 20 triệu m3, trong khi Hà Tĩnh toàn tỉnh có 37 mỏ nhưng trữ lượng chỉ được 14 triệu m3. Bên cạnh đó, nguồn tiềm năng cát Quảng Bình và Nghệ An nhiều hơn Hà Tĩnh. Đơn cử như Nghệ An có rất nhiều mỏ với trữ lượng hàng trăm triệu khối.

Thứ hai, giá đấu mỏ tại Hà Tĩnh quá cao. Hà Tĩnh có nhiều mỏ đấu lên cao gấp 40 giá khởi điểm, trong khi Nghệ An cao nhất cũng chỉ 12 lần. Tiền cấp quyền khai thác khoáng sản tại Nghệ An 3 ngàn đồng /m3, Quảng Bình xấp xỉ 4 ngàn đồng/m3, trong khi, Hà Tĩnh lên đến 11 ngàn đồng/m3

Thứ 3, quản lý Nhà nước tại Hà Tĩnh quá chặt, không khai thác lậu được nên giá cát cao. “Năm 2019, công an tỉnh truy quét vật liệu xây dựng thì giá cát tăng lên gấp 3 lần. Nói có thể cử tri nghe chưa thuyết phục nhưng quản lý Nhà nước chặt quá không khai thác lậu được thì giá vật liệu tăng lên”, ông Huấn nói.

Dân sinh - Vì sao giá cát Hà Tĩnh cao gấp nhiều lần Quảng Bình và Nghệ An? (Hình 2).

Nhiều "chi phí" đội giá cát tại Hà Tĩnh lên cao.

Cũng theo ông Huấn, hiện, các mỏ cát tại Quảng Bình chỉ có duy nhất 1 mỏ đấu thầu còn lại không đấu thầu. Ngoài ra, qua kiểm tra, Hà Tĩnh hiện có 74 điểm kinh doanh cát đều lấy nguồn cát từ Nghệ An về, giá thấp hơn. Những công trình thi công tại huyện Đức Thọ, Nghi Xuân, nhiều hoá đơn lấy cát ở huyện Hưng Nguyên (Nghệ An).

Ông Huấn cũng thừa nhận, tại tỉnh này, có tình trạng khai thác cát lậu, nguyên nhân là do ở các địa phương tập trung xây dựng nông thôn mới, khai thác cát làm công trình, khi Sở TN-MT bắt được thì huyện xin, xã xin nên rất khó xử lý. Ngoài ra, cũng có những trường hợp người dân ở gần sông, bãi bồi xúc một vài xe công nông về xây nhà.

Tư lệnh ngành TN-MT cũng thẳng thắn nhận trách nhiệm, là đơn vị than mưu, để xảy ra tình trạng thiếu nguồn cát xây dựng trách nhiệm đầu tiên thuộc về Sở TN-MT. Ông Huấn đề nghị, thời gian tới, các doanh nghiệp phải đồng hành cùng sở, không để xảy ra tình trạng giá vật liệu trên hoá đơn thấp hơn giá thực tế.

Thời gian qua, vấn đề thiếu hụt vật liệu xây dựng trên địa bàn; nguồn vật liệu phục vụ dự án Cao tốc Bắc – Nam rất được cử tri quan tâm. Theo dự báo của Sở Xây dựng, nhu cầu VLXD thông thường đến năm 2030 về đá cần hơn 53 triệu m3; đất san lấp hơn 46 triệu m3; cát hơn 26,4 triệu m3; vật liệu xây khoảng 19,3 triệu m3 đất làm gạch.

Kết quả rà soát của Sở TN-MT dự báo, tài nguyên khoáng sản đất san lấp đến năm 2030 lớn hơn nhu cầu dự báo của Sở Xây dựng. Hiện tại, tổng trữ lượng khai thác đất san lấp còn lại hơn 29,2 triệu m4, nếu theo dự báo của Sở Xây dựng, nhu cầu đến năm 2030 còn thiếu hụt 16,8 triệu m3.

PV