Tổng Công ty Hàng không Việt Nam (Vietnam Airlines, MCK: HVN) vừa công bố báo cáo tài chính hợp nhất quý III. Theo đó, tổng lỗ lũy kế của Vietnam Airlines đã lên đến 21.200 tỷ đồng.
Trong quý, HVN cũng đã hoàn thành tăng vốn điều lệ thêm 8.000 tỷ đồng lên hơn 22.100 tỷ đồng. Nhờ đó, Vietnam Airlines thoát cảnh âm vốn chủ. Tính đến 30/9, vốn chủ sở hữu của HVN là 1.475 tỷ đồng.
Trước đó, trong lần trả lời phóng vấn Người Đưa Tin, ông Lê Hồng Hà - Tổng Giám đốc Vietnam Airlines cho biết: "Chúng tôi đã triển khai thành công đợt phát hành thêm cổ phiếu chào bán cho cổ đông hiện hữu để tăng vốn điều lệ. Đợt phát hành kết thúc với gần 800 triệu cổ phiếu được phân phối, tương ứng 99,5% số cổ phiếu chào bán và thu về số tiền gần 8.000 tỷ đồng cho Vietnam Airlines.
Sau đợt phát hành này, vốn điều lệ của Vietnam Airlines đã tăng lên hơn 22.100 tỷ đồng. Nhờ được bổ sung đáng kể nguồn vốn và dòng tiền, Tổng Công ty đã phần nào giải tỏa được áp lực dòng tiền, cải thiện khả năng thanh toán trong ngắn hạn, đồng thời có thêm cơ hội để vượt qua khó khăn và tạo đà phát triển trong tương lai.
Nguồn tiền có được từ phát hành cổ phiếu tăng vốn sẽ được chúng tôi dùng cho việc bổ sung vốn lưu động, hỗ trợ thanh khoản để thanh toán các khoản vay đến hạn trả, các khoản nợ quá hạn và dự phòng trong trường hợp dịch bệnh tiếp tục có diễn biến phức tạp, kéo dài".
Dù vậy, Vietnam Airlines vẫn đối mặt với nguy cơ bị hủy niêm yết nếu báo cáo kiểm toán năm 2021 của doanh nghiệp ghi nhận vốn chủ sở hữu ở mức âm.
Cụ thể, trường hợp này xảy ra nếu mức lỗ quý IV của hãng vượt quá vốn chủ sở hữu còn lại tại thời điểm cuối quý III. Bên cạnh đó, nếu báo cáo kiểm toán năm 2022 của Vietnam Airlines không có lãi, hãng vẫn sẽ bị hủy niêm yết bắt buộc theo quy định do đã có 3 năm liên tiếp không có lợi nhuận.
Tại Hội nghị trực tuyến của Chính phủ với cộng đồng doanh nghiệp hồi cuối tháng 9 vừa qua, Vietnam Airlines đã gửi một số kiến nghị và đề xuất hàng loạt ưu đãi đặc biệt.
Đáng chú ý, trong đó có kiến nghị cho phép xem xét doanh nghiệp này là trường hợp đặc biệt được duy trì niêm yết cổ phiếu trên sàn HoSE trong giai đoạn ngắn có thể bị âm vốn chủ sở hữu. Tuy nhiên, đến nay chưa có thêm thông tin nào liên quan đến kiến nghị của Vietnam Airlines.
Nhờ đợt tăng vốn gần đây nên tình hình thanh khoản của Vietnam Airlines đã cải thiện đáng kể. Tổng lượng tiền mặt và tiền gửi ngắn hạn tại thời điểm cuối quý III đạt gần 8.300 tỷ đồng trong khi cuối quý II chỉ có 1.600 tỷ đồng.
Tính đến 30/9, tổng nợ phải trả của HVN là 65.600 tỷ đồng, trong đó chủ yếu là 21.334 tỷ đồng khoản phải trả người bán ngắn hạn và 36.548 tỷ đồng tổng nợ vay tài chính ngắn hạn và dài hạn.
Về tình hình kinh doanh, doanh thu quý III đạt 4.735 tỷ đồng, giảm 38% so với cùng kỳ. Kinh doanh dưới giá vốn dẫn đến Vietnam Airlines bị lỗ gộp 3.588 tỷ đồng thuần từ hoạt động sản xuất kinh doanh. Sau khi trừ các chi phí khác, hãng hàng không này lỗ sau thuế 3.531 tỷ đồng, trong khi cùng kỳ năm ngoái cũng lỗ 3.017 tỷ đồng.
Lũy kế 9 tháng đầu năm, Vietnam Airlines đạt hơn 18.880 tỷ đồng doanh thu, giảm đáng kể so với mức 32.564 tỷ đồng của cùng kỳ. HVN lỗ sau thuế 12.153 tỷ đồng, tăng lỗ hơn 3.800 tỷ đồng so với mức 8.280 tỷ đồng của 9 tháng đầu năm 2020.
Lãnh đạo hãng hàng không Vietnam Airlines lý giải nguyên nhân lợi nhuận giảm mạnh do đợt bùng phát dịch Covid-19 lần thứ 4 diễn ra trong thời gian cao điểm hè ảnh hưởng lớn đến công ty. Lợi nhuận quý III giảm mạnh ngoài nguyên nhân liên quan đến công ty mẹ, còn do lợi nhuận các công ty con có liên quan đến cung cấp dịch vụ hàng không cũng giảm mạnh như Vaeco, Nasco...
Với việc các chuyến bay thường lệ nội địa bắt đầu được phép khai thác lại từ tháng 10/2021, Vietnam Airlines tin tưởng hoạt động kinh doanh từng bước ổn định và đang chuẩn bị các điều kiện sẵn sàng cho giai đoạn phục hồi và phát triển trong giai đoạn tới.
Theo Người Đưa Tin