Vĩnh Khang – Medicon: Lúc liên danh, khi thành đối thủ và những bất thường từ gói thầu gần 74 tỷ ở sở Y tế Trà Vinh

Không chỉ có dấu hiệu chênh lệch cao gần 10 tỷ đồng, gói thầu số 66 Mua sắm thiết bị phẫu thuật – gây mê hồi sức trị giá 73,5 tỷ đồng tại sở Y tế Trà Vinh còn được điều chỉnh hồ sơ mời thầu 4 lần và trải qua 2 lần mở thầu để chọn liên danh Vĩnh Khang – Medicon trúng thầu.

Một gói thầu có nhiều điểm bất thường

Được biết, gói thầu số 66: Mua sắm thiết bị phẫu thuật – gây mê hồi sức (39 thiết bị) của sở Y tế tỉnh Trà Vinh trải qua 2 lần mở thầu.

Cụ thể, theo Quyết định số 685/QĐ-SYT ngày 9/7/2021, ông Kiên Sóc Kha – Giám đốc sở - đã phê duyệt danh sách nhà thầu đáp ứng yêu cầu về kỹ thuật gói thầu số 66 là liên danh Ha Cao – Hai Khoa – HDN – Do Than. Điều 2 Quyết định này nêu rõ: “Quyết định này là cơ sở để tiếp tục mở và đánh giá hồ sơ đề xuất tài chính của các nhà thầu cho gói thầu số 66”.

Tuy nhiên, đến ngày 10/8/2021, Giám đốc sở Y tế tỉnh Trà Vinh lại ký Quyết định số 769/QĐ-SYT về việc hủy kết quả đấu thầu qua mạng, gói thầu số 66. Lý do hủy thầu được nêu rõ tại Điều 1 là “E-HSĐXKT không đáp ứng được yêu cầu của E-HSMT”. Điều 2 nêu rõ “Hủy Quyết định số 685/QĐ-SYT ngày 9/7/2021 của sở Y tế Trà Vinh”. Cũng tại Quyết định này, sở Y tế giao bệnh viện Đa khoa tỉnh phối hợp công ty liên doanh TNHH Tư vấn y tế Mediconsult Việt Nam tổ chức đấu thầu lại gói thầu nêu trên.

Đến ngày 17/12/2021, Giám đốc Kiên Sóc Kha ký phê duyệt Quyết định 1198/QĐ-SYT phê duyệt danh sách nhà thầu đáp ứng yêu cầu kỹ thuật gói thầu số 66 (mở thầu lần 2). Lần này, có 2 liên danh tham dự thầu là liên danh HA CAO – HAI KHOA - HDN – DO THAN và liên danh Vĩnh Khang – Medicon. Kết quả cuối cùng, gói thầu trị giá 73.560.000.000 đồng (Bằng chữ: Bảy mươi ba tỷ, năm trăm sáu mươi triệu đồng) thấp hơn giá gói thầu được duyệt là 2.240.250.000 đồng tương đương tỉ lệ giảm thầu 2,95% đã thuộc về liên danh Vĩnh Khang – Medicon theo Quyết định số 1234 ngày 24/12/2021.

Tại Quyết định số 1234/QĐ – SYT ngày 24/12/2021 của sở Y tế tỉnh Trà Vinh nêu rõ 4 lần điều chỉnh E-HSMT trong vòng nửa tháng, cụ thể tại các Quyết định số: 936/QĐ-SYT ngày 29/9/2021; 951/QĐ-SYT ngày 1/10/2021; 980/QĐ-SYT ngày 9/10/2021 và 991/QĐ-SYT ngày 13/10/2021.

Trao đổi với phóng viên, một chuyên gia trong lĩnh vực đấu thầu cho rằng: “Theo quy định của pháp luật đấu thầu thì không có giới hạn số lần điều chỉnh E-HSMT của chủ đầu tư, tuy nhiên việc điều chỉnh luôn hạn chế ở mức thấp, thường là 1 hoặc 2 lần là nhiều. Việc liên tục điều chỉnh E-HSMT như vậy là có vấn đề bởi vì HSMT trước khi đăng tải là đã phải qua bước phê duyệt thẩm định rồi.

hieuunganhcom62ca6d35d2161

Một phần nội dung Quyết định số 1234/QĐ – SYT.

Theo ý kiến của luật sư Phạm Văn Phất, văn phòng luật sư An Phát Phạm: “Muốn biết có sự bất thường ở việc điều chỉnh E-HSMT hay không thì cơ quan chức năng cần làm rõ các tiêu chí trong từng lần điều chỉnh, nội dung điều chỉnh có đúng quy định pháp luật hay không”.

Việc phê duyệt danh sách nhà thầu cũng như hủy phê duyệt danh sách nhà thầu trong lần mở thầu 1 và phê duyệt kết quả lựa chọn nhà thầu của gói thầu số 66 đều có ý kiến đề xuất của tư vấn chấm thầu là công ty liên doanh TNHH Tư vấn Y tế Mediconsult Việt Nam (tư vấn lập hồ sơ mời thầu và đánh giá hồ sơ mời thầu) và tư vấn thẩm định kết quả chấm thầu công ty Cổ phần tư vấn Vạn Long (tư vấn thẩm định hồ sơ mời thầu và thẩm định kết quả lựa chọn nhà thầu).

Một điểm bất thường nữa trong gói thầu này, đó là nhiều thiết bị được mua sắm với giá cao hơn giá mà các đơn vị y tế công lập, chênh lệch từ 7-10 tỷ đồng – so sánh dựa trên thông tin về kí hiệu nhãn, mác của sản phẩm và xuất xứ là giống nhau.

Đơn cử, hệ thống phẫu thuật nội soi full HD (Model máy chính: OTV-S200/Hãng sản xuất: Olympus) có đơn giá dự thầu là 5.000.000.000 đồng, trong khi sở Y tế tỉnh Khánh Hòa từng mua với giá 3.220.000.000 đồng, bệnh viện Việt Nam - Thụy Điển mua với giá 1.593.000.000 đồng; chênh lệch trên số lượng 2 hệ thống dao động từ 3.560.000.000 – 6.814.000.000 đồng.

Hệ thống phẫu thuật nội soi khớp (Model máy chính: ENDOCAM LOGIC HD /Hãng sản xuất: Richard Wolf), sở Y tế Trà Vinh mua với giá 4.900.000.000 đồng thì sở Y tế tỉnh Hậu Giang mua với giá 2.420.000.000 đồng, chênh lệch là 2.480.000.000 đồng.

hieuunganhcom62ca6d73f2aaf

Bảng so sánh giá do phóng viên nghiên cứu, tìm hiểu.

Nhìn vào thông số bảng so sánh này, có thể thấy chỉ 5 sản phẩm, sở Y tế Trà Vinh đã có dấu hiệu mua sắm chênh lệch cao hơn giá các đơn vị y tế công lập khác hơn 7,4 tỷ đồng. Nếu so sánh giá 5 sản phẩm (trong đó hệ thống phẫu thuật nội soi full HD so sánh với giá mà bệnh viện Việt Nam – Thụy Điển đã mua) thì chênh lệch cao hơn là trên 10 tỷ đồng.

Tất nhiên, giá thiết bị y tế cao hay thấp nhiều khi còn phụ thuộc (hoặc bị ảnh hưởng) bởi rất nhiều yếu tố như chức năng, thời gian bảo hành, linh phụ kiện, phần mềm đi kèm, chi phí vận chuyển... Thế nhưng, những dấu hiệu bất thường này cũng cần sớm được các cơ quan chức năng làm rõ, minh bạch thông tin trước dư luận, tránh những điều tiếng không hay về chủ đầu tư.

Đề nghị UBND tỉnh xem xét, chỉ đạo làm rõ

Liên quan đến một số dấu hiệu bất thường trong gói thầu số 66 kể trên, để có thông tin đa chiều, phóng viên đã liên hệ tới ông Kiên Sóc Kha – Giám đốc sở, cũng là người ký phê duyệt gói thầu này. Tuy nhiên, sau khi tiếp nhận các thông tin mà phóng viên phản ánh, ông Kha đã không phản hồi.

Trao đổi với phóng viên tạp chí Đời sống và Pháp luật xung quanh dấu hiệu đội giá mua sắm tại gói thầu số 66 của sở Y tế Trà Vinh, ông Trần Ngọc Vinh, Ủy viên Thường vụ Trung ương hội Luật gia Việt Nam, Chủ tịch hội Luật gia TP.Hải Phòng – nguyên là Uỷ viên ủy ban Pháp luật của Quốc hội khóa XII, XIII – nêu quan điểm: “Đấu thầu phải thực hiện theo đúng luật Đấu thầu về các thủ tục. Nếu cùng loại hàng hóa, xuất xứ, nhưng giá mà sở Y tế Trà Vinh mua cao hơn các đơn vị khác thì theo tôi phía sở Y tế Trà Vinh và UBND tỉnh Trà Vinh cần chỉ đạo xem xét việc thực hiện gói thầu có đúng pháp luật không. Kết quả như thế nào cần công khai minh bạch giải thích rõ trước dư luận.

Nếu có dấu hiệu đội giá thực sự thì căn cứ theo pháp luật xử lý nghiêm. Cần minh bạch, giải thích rõ cho dư luận vì sao giá lại chênh lệch như vậy, hay là có vấn đề gì? Nếu có vấn đề thì cần xử lý. Hiện nay, ở các tỉnh đều có cơ quan chống tham nhũng, tôi nghĩ cơ quan này ở Trà Vinh cũng cần vào cuộc”.

Ông Vinh cũng đồng tình với việc cần xem xét lại năng lực của nhà thầu, tính hợp lệ trong giấy tờ chứng nhận của hãng sản xuất, nhà sản xuất hoặc đại lý được ủy quyền, nhà phân phối sản phẩm cho công ty trúng thầu. “Đó là tiền của Nhà nước, tiền ngân sách cũng là tiền của nhân dân, chênh lệch giá từ 7-10 tỷ không phải là ít. Cần phải làm rõ ràng. Luật đã quy định rõ rồi, còn việc gì chưa phù hợp thì phải đề xuất xử lý”, ông Vinh nhấn mạnh thêm.

Liên danh Vĩnh Khang – Medicon từng là đối thủ của nhau

Theo tìm hiểu của phóng viên được biết, liên danh Vĩnh Khang – Medicon (0101915194 – công ty Cổ phần trang thiết bị y tế Vĩnh Khang ,0102778335 - công ty Cổ phần Trang thiết bị và Công trình Y tế) trúng gói thầu số 66 của sở Y tế Trà Vinh. Tuy nhiên, trước đó tại gói thầu Mua thiết bị y tế chuyên dùng phục vụ công tác chuyên môn của bệnh viện Đa khoa huyện Hải Hậu, Nam Định, hai công ty này lại là đối thủ của nhau. Ở gói thầu này, công ty Cổ phần Trang thiết bị và Công trình Y tế vượt qua Vĩnh Khang để thắng thầu với giá trúng thầu là 7.130.350.000 đồng. Gói thầu được phê duyệt ngày 1/9/2020.

Kết quả phân tích dữ liệu của phần mềm đấu thầu cho thấy, công ty Vĩnh Khang đã tham gia 14 gói thầu, trong đó trúng 7 gói, trượt 6 gói, 1 chưa có kết quả, 0 gói đã bị huỷ. Tổng giá trị trúng thầu: 160.936.252.000 đồng (Bằng chữ: Một trăm sáu mươi tỷ, chín trăm ba mươi sáu triệu, hai trăm năm mươi hai nghìn đồng). Công ty Cổ phần Trang thiết bị và Công trình Y tế đã tham gia 120 gói thầu, trong đó trúng 103 gói, trượt 12 gói, 2 chưa có kết quả, 3 gói đã bị huỷ. Tổng giá trị trúng thầu: 1.327.179.986.940 đồng (Bằng chữ: Một nghìn ba trăm hai mươi bảy tỷ, một trăm bảy mươi chín triệu, chín trăm tám mươi sáu nghìn, chín trăm bốn mươi đồng).

Dương Thu