Vụ máy bay Indonesia gặp nạn: Đã xác định được vị trí hộp đen

Lực lượng chức năng Indonesia đã xác định được vị trí hộp đen trên chiếc máy bay của hãng hàng không Sriwijaya Air rơi ở khu vực quần đảo Seribu.

Một quan chức cấp cao của quân đội Indonesia hôm nay cho biết, lực lượng cứu hộ đã phát hiện tín hiệu khẩn cấp từ hộp đen của máy bay mang số hiệu SJ 182 hãng Sriwijaya Air.

“Chúng tôi tin rằng họ sẽ sớm vớt được”, Tổng tư lệnh quân đội Indonesia, Tướng Hadi Tjahjanto, vừa nói tại cuộc họp báo ở sân bay quốc tế Jakarta, trung tâm điều phối nỗ lực cứu hộ.

Ông Tjahjanto không tiết lộ cụ thể về thời gian trục vớt hộp đen. Tuy nhiên, ông khẳng định, vị trí chính xác của chiếc máy bay đã được xác định ở độ sâu 23m và không xa nơi máy bay biến mất khỏi màn hình radar. “Ngay lúc này, các quân nhân đang tiếp cận vị trí”, ông nói.

Thợ lặn thuộc các lực lượng hải quân tìm kiếm các mảnh vỡ chiếc máy bay gặp nạn tại vùng biển gần đảo Lancang, Indonesia, ngày 10/1. Ảnh: AFP/TTXVN

Ủy ban giao thông quốc gia Indonesia cho biết, họ đã truy xuất dữ liệu radar, ghi âm cuộc trao đổi giữa phi công máy bay và nhân viên trạm kiểm soát không lưu.

Trước đó, cơ quan Đánh giá và Ứng dụng Công nghệ (BPPT) Indonesia thông báo triển khai tàu Nghiên cứu Baruna Jaya IV để xác định vị trí hộp đen của máy bay mang số hiệu SJ 182.

Theo phóng viên TTXVN tại Jakarta, Baruna Jaya IV là một loại tàu đặc chủng, được trang bị các thiết bị tinh vi để sử dụng cho hoạt động nghiên cứu độ sâu và lập bản đồ mực nước biển, đặc biệt tàu có thể phát hiện tín hiệu từ hộp đen máy bay.

Tàu Baruna Jaya IV cũng được sử dụng cho các hoạt động khảo sát khác, với công nghệ tín hiệu siêu âm trên tàu có khả năng phát hiện vật thể ở độ sâu 2.500 mét dưới biển. Tín hiệu siêu âm được gửi đi bằng cách dựa vào sóng âm dưới nước. Tín hiệu siêu âm phản xạ sẽ được trung tâm điều khiển trên tàu nhận lại để đo khoảng cách và chuyển đổi thành một đối tượng trực quan.

Tàu Baruna Jaya có kinh nghiệm và khả năng đọc tín hiệu trong 2 hộp đen máy bay, gồm thiết bị ghi dữ liệu thoại (VDR) và thiết bị ghi dữ liệu chuyến bay (FDR). Con tàu này đã từng được sử dụng để tìm kiếm máy bay Boeing 737 Adam Air 574 bị rơi ở Đông Nam Sulawesi năm 2007, tìm kiếm phà Bahuga Jaya ở eo biển Sunda năm 2012 và phà KM Gurita ở Sabang năm 1996.

Đặc biệt, tàu này cũng được triển khai tìm kiếm hộp đen của chuyến bay QZ8501 của AirAsia bị mất tích vào tháng 12/2014 và máy bay Boeing-737 MAX mang số hiệu JT610 của hãng Lion Air cũng của Indonesia hồi năm 2018.