Vụ nhận chuyển nhượng đất dự án VP6 Linh Đàm: Đại gia Lê Thanh Thản khai gì?

Ông Lê Thanh Thản cho hay bị cáo Lê Huy Lân chủ động đến liên hệ, xin ký hợp đồng, cá nhân ông không thúc đẩy, tác động khiến Coma 18 chuyển nhượng dự án.

Trong tháng 7, Tòa án nhân dân TP Hà Nội đã xét xử các bị cáo Lê Huy Lân (SN 1962, cựu Tổng giám đốc Công ty cổ phần Coma 18), Nguyễn Xuân Phong (SN 1968, cựu Phó tổng giám đốc); Lê Văn Khương (SN 1955, cựu Chủ tịch Hội đồng thành viên) về tội Vi phạm quy định về quản lý, sử dụng tài sản nhà nước gây thất thoát, lãng phí.

Vụ án này liên quan đến dự án chung cư VP6 Linh Đàm (Hà Nội) do Doanh nghiệp tư nhân số 1 tỉnh Điện Biên của ông Lê Thanh Thản xây dựng.

Quá trình thủ tục, do bị cáo không đảm bảo sức khỏe và xin hoãn xét xử, nên hội đồng xét xử đã tạm hoãn làm việc, Vietnamnet đưa tin.

Ông Lê Thanh Thản từng hầu tòa vào tháng 8/2023. Ảnh: Báo Giao thông

Ông Lê Thanh Thản từng hầu tòa vào tháng 8/2023. Ảnh: Báo Giao thông

Hồ sơ vụ án xác định, Công ty cổ phần Coma 18 được thành lập và hoạt động từ năm 2005, vốn điều lệ doanh nghiệp là hơn 134 tỷ đồng, trong đó Nhà nước chiếm 51% do Tổng công ty Cơ khí xây dựng (Coma) giữ cổ phần. Bị cáo Lân làm Tổng giám đốc.

Trước đó, vào năm 1994, Thủ tướng có quyết định giao 184ha đất cho Công ty phát triển nhà và đô thị thuộc Bộ Xây dựng (nay là Tổng công ty Đầu tư phát triển nhà và đô thị - HUD) làm chủ đầu tư dự án Khu dịch vụ tổng hợp và nhà ở hồ Linh Đàm.

6 năm sau, UBND TP Hà Nội có quyết định phê duyệt chi tiết dự án Khu dịch vụ tổng hợp và nhà ở hồ Linh Đàm (VP6 Linh Đàm), tỷ lệ 1/500, trong đó lô đất VP6 Linh Đàm có chức năng là tòa nhà thương mại dịch vụ và văn phòng cho thuê, theo Tiền Phong.

Năm 2010, Tổng công ty Đầu tư phát triển nhà và đô thị (HUD) làm chủ đầu tư dự án Khu dịch vụ tổng hợp và nhà ở hồ Linh Đàm (VP6 Linh Đàm) và chuyển giao hạ tầng lô đất dự án cho Công ty Coma 18.

Hợp đồng không cho phép các bên chuyển giao lô đất, chuyển nhượng quyền sử dụng đất cho bên thứ ba. Sau đó, Công ty Coma 18 đề nghị UBND TP Hà Nội chấp thuận, điều chỉnh dự án từ xây dựng văn phòng cho thuê sang xây công trình hỗn hợp văn phòng, dịch vụ thương mại và nhà ở cao tầng.

Năm 2013, sau khi chính quyền thành phố đồng ý, bị cáo Lân ký tờ trình và được ông Lê Văn Khương và Hội đồng thành viên Tổng công ty chấp thuận cho Coma 18 được chuyển nhượng dự án hoặc hợp tác kinh doanh.

Ngay sau đó, các thành viên Hội đồng quản trị Công ty Coma đều đồng ý chuyển nhượng dự án cho Doanh nghiệp tư nhân Điện Biên của ông Lê Thanh Thản. Hai bên không thành lập pháp nhân mới, mà Doanh nghiệp tư nhân Điện Biên góp 95% tổng mức đầu tư dự án (tương đương hơn 12,3 tỷ) và được hưởng 100% kết quả kinh doanh.

Theo cáo buộc, doanh nghiệp của "đại gia điếu cày" Lê Thanh Thản đã xây dựng dự án VP6 Linh Đàm trái với quy hoạch được phê duyệt, xây vượt tầng và vượt căn hộ, làm tăng 630m2 đất xây dựng.

Đến tháng 4/2015, tòa nhà VP6 được đưa vào sử dụng. Sau đó, Doanh nghiệp tư nhân Điện Biên xuất hóa đơn giá trị gia tăng bán, thu tiền của khách hàng. Đầu tháng 8/2016, Thanh tra TP Hà Nội có kết luận thanh tra, tạm tính tiền sử dụng đất của dự án VP6 Linh Đàm là hơn 74,8 tỷ đồng.

Đến năm 2023, Sở TN&MT Hà Nội ra kết luận giám định cho thấy, hành vi của nhóm lãnh đạo Coma 18 khi giao đất cho doanh nghiệp của ông Lê Thanh Thản, đã gây thiệt hại hơn 64,3 tỷ đồng.

Số tiền thiệt hại này hiện đã được doanh nghiệp tư nhân xây dựng số 1 tỉnh Điện Biên nộp 64 tỷ đồng, còn lại 300 triệu đồng doanh nghiệp sẽ nộp khi cơ quan điều tra có yêu cầu.

Hồ sơ vụ án cho thấy, trong giai đoạn điều tra, đại gia Lê Thanh Thản khai “không thỏa thuận với bị cáo Lê Huy Lân về việc Công ty Coma 18 nhận khu đất VP6 Linh Đàm để chuyển lại cho Doanh nghiệp tư nhân xây dựng số 1 tỉnh Điện Biên”.

Ông Thản cho hay bị cáo Lê Huy Lân chủ động đến liên hệ, xin ký hợp đồng, cá nhân ông không thúc đẩy, tác động khiến Coma 18 chuyển nhượng dự án.

Do chưa có cơ sở xác định vai trò đồng phạm của ông Lê Thanh Thản, cơ quan điều tra tách tài liệu để làm rõ sau.

Mộc Miên/Đời sống pháp luật