Theo văn phòng đại diện Tổ chức Y tế thế giới (WHO) tại Việt Nam, trong số 46 sản phẩm không đáp ứng được các hồ sơ cần thiết có sản phẩm của Việt Á.
Văn phòng đại diện Tổ chức Y tế thế giới (WHO) tại Việt Nam vừa phát đi thông cáo báo chí, trả lời các câu hỏi của truyền thông về bộ xét nghiệm PCR do công ty Việt Á sản xuất.
Tri thức trực tuyến cho hay, theo WHO, đến ngày 20/12/2021 có 28 sản phẩm chẩn đoán IVD COVID-19 được chấp thuận thông qua quy trình EUL IVD (danh sách sử dụng khẩn cấp) của WHO, 46 sản phẩm khác không đáp ứng được các hồ sơ cần thiết về an toàn, công năng, hoặc hệ thống quản lý chất lượng.
Trong số 46 sản phẩm không đáp ứng được các hồ sơ cần thiết có sản phẩm của Việt Á.
Sản phẩm LightPower iVASARS-CoV-21stRT rPCR kit đã nộp hồ sơ cho danh sách EUL hạng mục chẩn đoán IVD COVID-19. Mã hồ sơ đăng ký EUL của sản phẩm là EUL 0524-210-00.
"Hồ sơ sản phẩm đã được đánh giá và không đáp ứng được các yêu cầu cần thiết. WHO đã đăng tải báo cáo công khai EUL về hồ sơ sản phẩm này", Tuổi trẻ dẫn thông tin từ thông cáo.
Trước đó, cuối tháng 4/2020, bộ Khoa học và công nghệ, lãnh đạo Việt Á và lãnh đạo một số bộ ngành đã thông báo việc bộ xét nghiệm kể trên của Việt Á "được WHO chấp nhận theo quy trình danh sách sử dụng khẩn cấp EUL và cấp mã số EUL 0524-210-00". Thực chất đây là mã hồ sơ đăng ký.
Thông tin này mới được bộ Khoa học và công nghệ gỡ vài ngày trước, khi lãnh đạo Việt Á đã bị bắt để điều tra việc kê khống giá bộ xét nghiệm.
Liên quan đến vụ án, C03 - Bộ Công an đã khởi tố vụ án, khởi tố bị can và bắt tạm giam Phan Quốc Việt, Chủ tịch HĐQT kiêm Tổng Giám đốc Công ty Cổ phần Công nghệ Việt Á, cùng các bị can về tội Vi phạm quy định về đấu thầu gây hậu quả nghiêm trọng.
Theo điều tra, tháng 4/2020, công ty Việt Á được bộ Y tế cấp phép đăng ký lưu hành cho sản phẩm kit xét nghiệm COVID-19.
Đến nay, công ty Việt Á đã cung ứng kit xét nghiệm Covid cho Trung tâm kiểm soát bệnh tật và các cơ sở y tế khác của 62 tỉnh, thành phố trên cả nước với doanh thu gần 4.000 tỷ đồng.