Báo Công An Nhân Dân đưa tin, ngày 10/12, phiên xét xử Nguyễn Thái Luyện - Chủ tịch HĐQT Công ty Alibaba và các đồng phạm tiếp tục với phần xét hỏi của các luật sư.
Tại phiên xét xử, bên cạnh việc hỏi Huỳnh Thị Mình Thắng, Võ Thị Thanh Mai (vợ của Luyện) và Nguyễn Thái Lực (em ruột Luyện) về hành vi “rửa tiền”, các luật sư còn hỏi nhiều bị cáo khác, trong đó hầu hết là những người từng là giám đốc đại diện pháp luật cho các công ty con của Công ty Alibaba để làm rõ vai trò, trách nhiệm của từng bị cáo.
Hầu hết các bị cáo cho rằng không biết mình sai, vi phạm pháp luật bởi tin tưởng vào bị cáo Luyện và thực hiện theo chỉ đạo của Luyện, chỉ đến khi làm việc với cơ quan điều tra mới nhận thức được hành vi phạm tội.
Cụ thể, bị cáo Nguyễn Trung Trường (SN 1992, nguyên Giám đốc Công ty Long Thành Capital), Huỳnh Thị Ngọc Như (SN 1992, nguyên Phó Tổng Đào tạo Công ty Alibaba), Vũ Hoàng Hải (SN 1990, nguyên Giám đốc Công ty Big Bang thuộc Công ty Alibaba)… khai gom tiền mua đất dự án của Công ty Alibaba. Các bị cáo thực hiện theo chỉ đạo của Luyện, đều nhận lương cứng là 6 triệu đồng/tháng, chỉ tới khi làm việc với cơ quan điều tra mới nhận thức được hành vi phạm tội.
Bị cáo Nguyễn Huỳnh Tú Trinh (SN 1995, nhân viên pháp lý Công ty Alibaba, trợ thủ đắc lực cho Luyện) từng hầu tòa ở tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu vì chống đối, đập xe đoàn cưỡng chế “dự án ma”. Trả lời câu hổi của luật sư, bị cáo Trinh khai không trực tiếp soạn thảo các hợp đồng. Thời điểm nhận chuyển nhượng 4 thửa đất tại xã Long Phước (huyện Long Thành, tỉnh Đồng Nai) là giữa các cá nhân với nhau, không sai quy định.
Sau khi nhận chuyển nhượng, bị cáo đã ủy quyền lại cho Công ty Alibaba Law Firm (công ty thuộc Công ty Alibaba) toàn quyền sử dụng các thửa đất này và không biết các bước tiếp theo, không tìm kiếm khách hàng, không được hưởng lợi... Đến khi nhận kết luận điều tra, bị cáo mới biết có 93 bị hại với số tiền chiếm đoạt hơn 64 tỷ đồng, báo Sài Gòn Giải Phóng thông tin.
Trong những người có quyền, nghĩa vụ liên quan vụ án được triệu tập có ông Nguyễn Trung Đình. Ngày 9/12, ông Đình đã đề nghị HĐXX xem xét trả ô tô hiệu Range Rover cho mình vì đây là xe ông vay ngân hàng mua nhưng bị cơ quan điều tra kê biên. Tuy nhiên, xác nhận lại trước HĐXX, ông Đình cho biết mình chỉ là người đứng tên giùm cho tài sản của bị cáo Luyện.
Về phía Nguyễn Thái Luyện, trả lời câu hỏi của luật sư, bị cáo khẳng định không lừa đảo. Các hợp đồng thỏa thuận chuyển nhượng là các giao dịch dân sự. Nhiều khách hàng còn trực tiếp đi xem đất và xác định đúng thực tế là đất nông nghiệp, chưa có cơ sở hạ tầng. Sau 5 - 10 ngày khách không muốn mua thì vẫn trả lại tiền.
Cáo trạng nêu có hơn 4.500 bị hại nhưng Luyện khai số lượng lớn hơn nhiều, có thể họ tin tưởng, bảo vệ công ty nên không làm đơn. Theo lời khai của Luyện, Công ty Alibaba có vài trăm nghìn người đã ký kết hợp đồng, bình quân mỗi tháng công ty bán từ 1.500-2.000 sản phẩm. Bị cáo khẳng định các hợp đồng ký với khách hàng là Hợp đồng thỏa thuận chuyển nhượng quyền sử dụng đất, không phải Hợp đồng chuyển nhượng đất.
Trong số các khách hàng ký hợp đồng mua đất nền của Alibaba, có nhiều người là nhân viên của Alibaba, nhiều bị cáo trong vụ án cũng là bị hại. Trong suốt phần xét hỏi của HĐXX, đại diện VKS và các luật sư, nhiều bị cáo khai, do tin tưởng Luyện và bộ phận pháp lý của công ty nên mỗi khi nghe có dự án liền dốc hết tiền lương, tiết kiệm và thuyết phục người thân bỏ tiền mua đất dự án của Alibaba và biến họ thành bị hại.
Giải thích về việc tách thửa đất nông nghiệp, bị cáo Luyện cho rằng luật không nghiêm cấm, mà còn khuyến khích đầu tư để tăng giá trị đất. Phiên tòa sẽ được tiếp tục vào ngày 12/12.
Đinh Kim (T/h)