Nghị định 117/2020/NĐ-CP sẽ chính thức có hiệu lực từ ngày 15/11 tời đây. Theo đó, đáng chú ý nhất là tại Điều 30 của Nghị định, quy đinh người có hành vi xúi giục, kích động, lôi kéo người khác uống rượu, bia sẽ bị xử phạt từ 500.000 đồng đến 1 triệu đồng. Riêng việc ép buộc người khác uống rượu, bia sẽ bị xử phạt 1-3 triệu đồng.
Trong đời sống của người dân Việt Nam, "chén chú, chén anh" là việc rất đỗi bình thường. "Văn hóa rượu bia" cũng từ đó hình thành và để từ chối một người mời rượu là chuyện hết sức khó khăn.
Anh Bùi Tuấn Quang, nhân viên văn phòng tại Hà Nội, chia sẻ: "Đối với công việc của tôi, nhiều khi không muốn nhưng vẫn phải uống. Uống vì "sĩ diện" và vì muốn giữ gìn mối quan hệ, đôi khi còn phải "giúp đỡ" các sếp. Bởi vậy, tôi vẫn chưa biết việc áp dụng xử phạt như thế nào".
Có thể nói, ép bia rượu là hành vi đáng lên án và cần phải xử lý bởi trên thực tế đã xảy ra quá nhiều trường hợp kích nhau uống quá chén, quá sức chịu đựng của cơ thể dẫn đến những hành vi sai lệch với thuần phong mỹ tục và nhiều trường hợp gây ra những tai nạn đáng tiếc. Nhưng làm thể nào để nhận diện giữa chuyện tự nguyện hay ép buộc, ai là người giám sát... đang là điều dư luận quan tâm.
Trao đổi với PV, Luật sư Tào Văn Đức - Công ty Luật Tín phát & Công sự (Đoàn Luật sư TP Hà Nội) cho biết: " Khoản 1 Điều 5 Luật phòng chống tác hại bia rượu năm 2019 đã quy định rõ nghiêm cấm hành vi "Xúi giục, kích động, lôi kéo, ép buộc người khác uống rượu, bia" và Điều 30 của Nghị định 117/2020 ra đời để cụ thể hóa điều khoản trong Luật. Theo đó, hành vi ép buộc người khác uống rượu bia cũng bị phạt tiền 1-3 triệu đồng".
Theo Luật sư Đức, đây là nội dung rất cần thiết nhưng để đưa vào áp dụng trong đời sống xã hội là hết sức khó khăn, bởi chúng ta vẫn chưa có cơ sở.
Quy định muốn được hiểu đúng, áp dụng đúng thì cần có những giải thích cụ thể thế nào là kích động, xúi giục; là lôi kéo, ép buộc. Từ đó mới có căn cứ xử lý các hành vi vi phạm. Hay chúng ta dựa vào tố cáo của công dân? Tuy nhiên, ai sẽ đứng ra để tố cáo. Cùng với đó, cơ quan nào sẽ chịu trách nhiệm và họ sẽ phải thực thi như thế nào để phù hợp với văn hóa "chúc rượu" của người Việt? Các cơ quan chức năng (nếu có) chắc sẽ phải đến dự từng bàn "nhậu" trên địa bàn để kiểm tra và giám sát?
Ngoài ra, Luật sư Đức nhận định: "Việc xây dựng ra một bộ quy định về các hành vi nào bị xem là "ép" uống rượu bia là hết sức khó khăn, bởi ranh giới giữa ép rượu và tự nguyện uống rượu gần như không có".
Trong từ điển tiếng Việt, "ép buộc" có nghĩa là bắt phải làm điều không muốn hoặc trái với ý muốn. Trong lĩnh vực luật pháp, "ép buộc" được hiểu chung là dùng quyền lực của mình buộc người khác phải làm theo ý mình mà họ không muốn. Hành vi ép buộc có thể bằng lời nói: dụ dỗ, hăm dọa, hứa hẹn hoặc bằng hành động như: dùng vũ lực, đe dọa dùng vũ lực hoặc bằng những thủ đoạn nguy hiểm đến tính mạng, sức khỏe, nhân phẩm, danh dự. Trong trường hợp bên bàn nhậu, khi người cầm chén chủ động cạn ly khó có thể phân biệt được đâu là ý chí tự nguyện, đâu là bị ép buộc.
"Phân định hành vi uống rượu bia vẫn phải phụ thuộc vào ý chí chủ quan của người trong cuộc, nhưng đố ai có thể từ chối một lời mời. Chính vì vậy, tôi nghĩ chắc vẫn chỉ có thể là giáo dục nhận thức của người đi mời và người được mời", Luật sư Đức nói thêm.