Xử vụ VN Pharma giai đoạn 2: Hé lộ quy trình đánh tráo thuốc giả trong “một nốt nhạc”

Quá trình xét hỏi các bị cáo trong giai đoạn 2 của vụ ánVN Pharma, một số bị cáo thừa nhận mua Helix nhưng mang về Việt Nam lại gắn nhãn mác Health 2000, tuồn trót lọt số thuốc này vào thị trường Việt Nam.

Ngày 12/5, HĐXX của TAND TP.Hà Nội bắt đầu tiến hành xét hỏi các bị cáo trong vụ 838.100 hộp thuốc giả của VN Pharma liên quan cựu Thứ trưởng y tế Trương Quốc Cường.

Để có được những lời khai khách quan từ các cựu nhân viên VN Pharma, HĐXX cấp sơ thẩm quyết định cách ly Cựu Tổng giám đốc VN Pharma Nguyễn Minh Hùng cùng hai cấp phó là Nguyễn Trí Nhật và Phạm Anh Kiệt.

xu vu vn pharma giai doan 2 he lo quy trinh danh trao thuoc gia trong mot not nhac

Bị cáo Nguyễn Minh Hùng tại phiên xét hỏi ngày 12/5.

Theo truy tố của VKS, khoảng năm 2007, Nguyễn Lê Xuân Khang (đang bị truy nã) chuẩn bị hồ sơ giả rồi nhờ ông Nguyễn Minh Hùng đứng tên đăng ký lưu hành 7 loại thuốc tân dược. Sau đó, số thuốc được Cục Quản lý dược cấp phép.

Trả lời HĐXX, bị cáo Võ Mạnh Cường (Giám đốc Công ty TNHH Thương mại hàng hải quốc tế H&C) khai: Năm 2009, bị cáo là cháu họ xa của Khang, được Khang nhờ làm đại diện để kinh doanh dược phẩm tại Việt Nam. “Bị cáo được Khang đưa con dấu giả của công ty dược Health 2000 Canada để giúp Khang quan hệ, giao dịch với khách hàng trong nước”, Võ Mạng Cường khai.

Từ tháng 11/2009 đến tháng 6/2014, Khang và Cường ký hợp đồng bán 6/7 thuốc nhãn mác Health 2000 Canada, gồm hơn 2,4 triệu hộp thuốc có tổng trị giá trên 7 triệu USD cho 5 doanh nghiệp kinh doanh dược phẩm trong nước.

Sau đó, do vi phạm hợp đồng bán thuốc độc quyền, gây mất uy tín, Khang “biến mất”. Để giải quyết các vấn đề này, bạn làm ăn chung của Khang là Raymundo Y. Mararac (quốc tịch Philippines), Giám đốc công ty dược Helix, sang Việt Nam thương lượng, nhằm duy trì thị trường.

Cường khai đưa Raymundo đi gặp dàn lãnh đạo của VN Pharma hai lần vào cuối tháng 10/2014 để bàn về việc "duy trì thị trường".

nhung hinh anh dau tien cua cuu thu truong bo y te truong quoc cuong ngay dau hau toa

Cựu Thứ trưởng Bộ Y tế Trương Quốc Cường.

Nội dung cuộc họp, theo cáo trạng nêu, Raymundo cam kết sẽ sản xuất và bán cho VN Pharma thuốc với "cùng hoạt chất, công dụng và đặt tên thương mại giống như các thuốc do Health 2000 Canada mà Khang đã bán cho Công ty VN Pharma trước đó", tức "nhái" sản phẩm của Health 2000 Canada.

Tại tòa, bị cáo Võ Mạnh Cường khẳng định, đôi bên gặp nhau để "giải quyết hậu quả do Khang để lại", chứ không bàn về việc làm thuốc giả.

Quá trình kinh doanh, Cường được ông Hùng liên hệ đặt mua 4 loại thuốc do Helix Canada sản xuất có cùng hoạt chất, công dụng và tên thương mại giống với Health 2000 Canada. Tuy nhiên, Helix chưa được cấp phép tại Việt Nam nên các bị cáo không thể nhập khẩu loại thuốc này.

Do đó, ông Hùng cùng Cường và một số cựu nhân viên VN Pharma làm giả các hợp đồng mua bán thuốc, đánh tráo vỏ thuốc Helix Canada thành thuốc nhãn mác Health 2000 Canada. Từ đó, nhóm bị cáo tuồn trót lọt thuốc vào Việt Nam.

Được yêu cầu trở lại phòng xét xử để đối chất với lời khai của Cường, cựu Tổng giám đốc VN Pharma Nguyễn Minh Hùng đồng tình với những lời khai trên và cho biết ông ta chịu trách nhiệm với những gì đã gây ra. Đồng thời, ông này mong HĐXX xem xét vai trò của bị cáo trong giai đoạn 2 của vụ án.

Khi được hỏi về mối quan hệ với cựu Thứ trưởng Bộ Y tế Trương Quốc Cường, bị cáo Nguyễn Minh Hùng trình bày bản thân được một người trung gian giới thiệu quen biết với ông Trương Quốc Cường từ năm 2012 tại một hội thảo.

“Với việc các bị cáo thừa nhận mua Helix nhưng mang về Việt Nam lại gắn nhãn mác Health 2000, thì hành vi buôn bán hàng giả là thuốc chữa bệnh đã đủ rồi”, chủ tọa nhấn mạnh.

Theo cáo buộc của cơ quan công tố, ông Trương Quốc Cường trong thời gian giữ chức Cục trưởng Quản lý dược kiêm Phó chủ tịch Thường trực Hội đồng xét duyệt thuốc Bộ Y tế được giao quản lý hoạt động của nhóm chuyên gia thẩm định việc cấp số đăng ký thuốc. Tuy nhiên, bị can này không làm tròn nhiệm vụ. Hậu quả khiến lô thuốc giả có tổng trị giá hơn 148 tỷ đồng được nhập khẩu, tiêu thụ hết tại Việt Nam.

Đối với nhóm bị cáo tại VN Pharma đã làm giả, hợp thức chứng từ thanh toán để thông quan, nhập khẩu các loại thuốc giả với tổng số lượng hơn 838.100 hộp có trị giá hàng chục tỷ đồng. Sau đó, số thuốc trên được VN Pharma bán cho nhiều doanh nghiệp, bệnh viện, nhà thuốc. Qua đó, các bị cáo thu lợi bất chính hơn 31 tỷ đồng.