Xuất hiện ngày càng nhiều các đối tượng lợi dụng lòng tin, lừa đảo - chiếm đoạt tài sản

Nổ có nhiều mối quan hệ, quen biết với nhiều vị lãnh đạo, chủ của các doanh nghiệp lớn… các đối tượng này tìm cách quen thân, rồi đưa nạn nhân vào tròng và lừa đảo chiếm đoạt tài sản. Đây là một trong những thủ đoạn không mới, tuy nhiên, do quá tin tưởng nên nhiều nạn nhân phải… “dở khóc dở cười”.

Gầy dựng lòng tin

Bà Dương Ngọc Lan (ngụ quận Gò Vấp, TP.HCM) cho biết: “Đã làm đơn tố cáo ông Vũ Trọng Hải (SN 1977, hộ khẩu thường trú phường Gia Cẩm, TP.Việt Trì, tỉnh Phú Thọ) là Giám đốc Công ty TNHH Thương mại Quốc tế Viễn Tuyến (số 3 đường, D52, phường 12, quận Tân Bình, TP.HCM) có hành vi lừa đảo chiếm đoạt tài sản”.

Giấy vay nợ của ông Hải.

Theo đó, bà Lan cho biết: “Vào giữa năm 2017, tôi có quen biết với ông Hải thông qua một người bạn. Được thời gian, ông Hải có đến công ty tôi để mượn tiền, nói là để làm ăn. Để tạo lòng tin, ông Hải nổ có quen biết với rất nhiều lãnh đạo lớn, đồng thời cho tôi xem rất nhiều hợp đồng đã ký kết với các chủ đầu tư khác, thực hiện các công trình tại TP. Nha Trang (tỉnh Khánh Hòa) và tỉnh Kiên Giang.

Đến tháng 6/2018, sau nhiều lần, tôi có cho ông Hải mượn tổng số tiền đến nay là hơn 4,2 tỷ đồng cùng Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất (thửa đất số 1, tờ bản đồ số 15, diện tích hơn 80m2) tại địa chỉ tại 416/15/97 Dương Quảng Hàm, phường 5, quận Gò Vấp). Đồng thời, bằng Giấy chứng nhận trên, ông Hải nhờ tôi bảo lãnh để vay tiền tại ngân hàng nhằm thực hiện 1 công trình đang làm dang dở tại TP. Nha Trang, với thời hạn 3 tháng. Dù vậy, đến thời điểm này, sau khi công trình hoàn tất hơn cả năm nhưng vẫn không thấy ông Hải trả nợ”.

“Tiếp đó, ông Hải còn nói mượn chiếc xe ô tô bán tải trong mấy ngày (hiệu Ford Ranger, biển kiểm soát 51D-04525), trị giá khoảng gần 500 triệu đồng (vào thời điểm đó), do Công ty Phú Thành Nam đứng tên. Tuy nhiên, đến 7, rồi 10 ngày sau cũng không thấy mang xe đến trả, tôi có gọi cho ông Hải nhưng không thể liên lạc được. Dù trên xe có hệ thống định vị GPRS, tuy nhiên cũng đã bị tháo ra nên không biết hiện xe đang ở đâu. Đây là hành vi cố tình chiếm đoạt tài sản của tôi.

Ngay sau đó, tôi đã tìm đến trụ sở Công ty của ông Hải nhưng không còn hoạt động, đồng thời, những người trước đây có mối quan hệ với ông Hải cũng không biết tin tung tích ông này. Đến thời điểm này, tôi hoàn toàn không liên lạc được và ông này cũng không hề có thiện chí để trả nợ”, bà Lan nói trong bức xúc.

Hay vào tháng 5/2020, dư luận xôn xao với tên Phạm Phi Long (40 tuổi, quê Bảo Lộc, tỉnh Lâm Đồng) bằng thủ đoạn môi giới mua căn hộ chung cư Đồng Quốc Bình (quận Ngô Quyền, TP.Hải Phòng) đã lừa đảo, chiếm đoạt gần 20 tỷ đồng của 12 bị hại.

Theo đó, nhiều người đã đưa cho Long tiền để làm thủ tục mua nhà trả góp tại chung cư Đồng Quốc Bình và hẹn đầu tháng 4/2020 sẽ giao nhà… nhưng sau đó mất liên lạc.

Điều đáng nói, Long dùng vẻ ngoài điển trai, cộng với khiếu ăn nói đã gây được ấn tượng mạnh với các nạn nhân, từ đó dụ dỗ con mồi sập bẫy. Đồng thời, đối tượng này còn nổ có bố mẹ định cư tại Mỹ và thường xuyên làm việc với các quan chức, lãnh đạo tại Việt Nam.

Chưa hết, Long còn cho biết, gia đình đang sở hữu một tập đoàn kinh tế lớn, góp vốn đầu tư trong các tập đoàn kinh tế lớn tại Việt Nam, như: Vingroup, Ecoba… Thực tế, qua xác minh, Long là đối tượng lừa đảo chuyên nghiệp, còn bố mẹ bị vỡ nợ nên đã chuyển đi nơi khác, hiện không rõ địa chỉ.

Rồi hồi tháng 6 vừa qua, TAND tỉnh Quảng Nam đã mở phiên tòa xét xử sơ thẩm và tuyên phạt Phạm Thị Nghĩa (45 tuổi, ngụ xã Tam Đàn, huyện Phú Ninh, tỉnh Quảng Nam) 11 năm tù về tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản.

Trước đó, trong 2 năm (2017-2018) với cương vị là Phó Hiệu trưởng Trường Tiểu học Võ Thị Sáu (xã Tam Đàn), bà Nghĩa đã lợi dụng sự tin tưởng của người dân ở khu vực này, đưa ra nhiều thông tin gian dối, như: làm đáo hạn ngân hàng, mua bán bất động sản… để mượn tiền và vàng của người dân.

Đồng thời, bà Nghĩa cam kết trả đủ tiền lãi-gốc, được một thời gian, do sử dụng số tiền vào mục đích cá nhân, dẫn đến không có khả năng trả nợ, bà này nghỉ việc, tìm cách trốn. Thống kê cơ quan chức năng xác định, bà Nghĩa đã lừa đảo, chiếm đoạt của các bị hại hơn 12 tỷ đồng.

Rất khó nhận diện

Liên quan đến vụ việc của bà Lan phản ánh, chiều ngày 7/7, PV đến trụ sở theo đăng ký của Công ty Viễn Tuyến, tại số 3 đường D52, phường 12, quận Tân Bình nhưng đã có công ty khác hoạt động. Còn bảo vệ tòa nhà cho biết: “Công ty Viễn Tuyến rời đi từ năm 2017, do lừa đảo và vỡ nợ, bị nhiều người đến đòi nên đã chạy trốn”.

Dù vậy, tại Cổng Thông tin Quốc gia về đăng ký doanh nghiệp, công ty Viễn Tuyến vẫn đang trong tình trạng “hoạt động”, có người đại diện pháp luật vẫn là ông Vũ Trọng Hải.

Công ty này thành lập từ ngày 24/4/2010, có ngành nghề kinh doanh chính là: Bán buôn máy móc, thiết bị điện, vật liệu điện (máy phát điện, động cơ điện, dây điện và thiết bị khác dùng trong mạch điện). Bán buôn máy móc, thiết bị và phụ tùng máy dệt, may, da giày. Bán buôn máy móc, thiết bị và phụ tùng máy văn phòng (trừ máy vi tính và thiết bị ngoại vi). Bán buôn máy móc, thiết bị và phụ tùng máy công nghiệp.

Ngoài ra, theo tìm hiểu của PV, còn địa điểm kinh doanh 1 Công ty TNHH Thương mại Quốc tế Viễn Tuyến tại địa chỉ 30/33 Nguyễn Đình Chi, phường 9, quận 6, TP.HCM có người đại diện pháp luật là Lưu Tuấn Anh, thành lập từ 21/4/2011, cũng có ngành nghề kinh doanh chính như Công ty Viễn Tuyến.

Về vụ việc của bà Lan, sau khi có đơn tố cáo, Cơ quan Cảnh sát điều tra (Công an quận Gò Vấp) tiếp nhận Đơn và hồ sơ, tài liệu liên quan. Làm việc với PV chiều ngày 7/7, đại diện Công an quận Gò Vấp cho biết: “Đã tiếp nhận đơn tố cáo, hồ sơ, tài liệu của bà Lan, đồng thời, nhiều lần mời ông Hải lên làm việc nhưng ông này không có mặt tại địa chỉ đã đăng ký. Hiện, vụ việc vẫn đang được tiếp tục điều tra để xử lý theo quy định của pháp luật”.

Nói thêm, vị cán bộ này cho biết: “Thời gian gần đây có rất nhiều vụ việc tương tự, khi nhiều đối tượng đã lợi dụng lòng tin để lừa đảo, chiếm đoạt tài sản, thậm chí có những vụ việc lên đến nhiều tỷ đồng, do đó, người dân cần cảnh giác, đề phòng”.

Bàn về vấn đề này, thạc sỹ Đoàn Ngọc Hải cho biết: “Về khách quan, hành vi của tội phạm lừa đảo chiếm đoạt tài sản là dùng thủ đoạn gian dối để chiếm đoạt tài sản của người khác mà ngay lúc đó, người bị hại không biết được có hành vi gian dối. Hoặc dùng thủ đoạn gian dối là đưa ra thông tin giả, không đúng với sự thật nhưng làm cho người bị lừa dối tin đó là thật và giao tài sản cho người phạm tội”.

“Việc đưa ra thông tin giả có thể được thực hiện bằng nhiều cách khác nhau như bằng lời nói, bằng chữ viết (viết thư), bằng hành động, bằng hình ảnh… hoặc kết hợp bằng nhiều cách thức khác nhau. Hiện nay, thủ đoạn lừa đảo của tội phạm rất tinh vi, tội phạm thường thực hiện hành vi lừa đảo trên các trang mạng xã hội hoặc các trang web, sau khi đã chiếm đoạt được tài sản, tội phạm sẽ cắt đứt mọi liên hệ với người bị hại và thường người bị hại không biết hoặc biết những thông tin không chính xác về tội phạm”, chuyên gia này phân tích thêm.

Điều 174 BLHS năm 2015, sửa đổi bổ sung năm 2017 quy định về Tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản, nếu: Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 12 năm đến 20 năm hoặc tù chung thân: Chiếm đoạt tài sản trị giá 500.000.000 đồng trở lên; Chiếm đoạt tài sản trị giá từ 200.000.000 đồng đến dưới 500.000.000 đồng (nhưng thuộc một trong các trường hợp: Đã bị xử phạt vi phạm hành chính về hành vi chiếm đoạt tài sản mà còn vi phạm; Đã bị kết án về tội này hoặc về một trong các tội quy định tại các Điều 168, 169, 170, 171, 172, 173, 175 và 290 của Bộ luật này, chưa được xóa án tích mà còn vi phạm; Gây ảnh hưởng xấu đến an ninh, trật tự, an toàn xã hội; Tài sản là phương tiện kiếm sống chính của người bị hại và gia đình họ); Lợi dụng hoàn cảnh chiến tranh, tình trạng khẩn cấp….