Xuất khẩu cá ngừ của Việt Nam sang Mexico tăng trưởng mạnh

Trong 3 tháng trở lại đây, xuất khẩu cá ngừ của Việt Nam sang Mexico tăng trưởng liên tục.

Xuất khẩu cá ngừ sang Mexico tăng mạnh

Theo Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu thủy sản Việt Nam (VASEP), trong 3 tháng trở lại đây, xuất khẩu cá ngừ của Việt Nam sang Mexico tăng trưởng liên tục. Chỉ riêng trong tháng 4/2023, xuất khẩu cá ngừ sang thị trường này tăng tới 117% so với cùng kỳ năm 2022, đạt gần 1,9 triệu USD.

Cụ thể, tính lũy kế 4 tháng đầu năm 2023, xuất khẩu sang Mexico đạt gần 7,4 triệu USD, tăng 44% so với cùng kỳ năm 2022. Với tốc độ tăng trưởng này, Mexico hiện đang là thị trường nhập khẩu cá ngừ lớn thứ 8 của Việt Nam.

Theo số liệu thống kê của Hải quan Việt Nam, Mexico nhập khẩu chủ yếu thịt/loin cá ngừ từ Việt Nam, với tỷ trọng chiếm 74% tổng giá trị xuất khẩu, còn lại là các sản phẩm cá ngừ chế biến khác.

Với việc hiệp đinh CPTPP có hiệu lực, các sản phẩm thăn/philê cá ngừ đông lạnh mã HS0304 của Việt Nam xuất khẩu sang Mexico hiện đang được giảm từ mức thuế cơ sở 20% xuống còn 0%. Còn các sản phẩm cá ngừ chế biến khác như loin cá ngừ hấp đông lạnh đang được miễn thuế khi nhập khẩu vào Mexico.

Như vậy, việc CPTPP có hiệu lực sẽ tạo điều kiện thuận lợi để cho các doanh nghiệp cá ngừ của Việt Nam đẩy mạnh xuất khẩu cá ngừ sang thị trường Mexico, nhất là đối với mặt hàng thăn/philê cá ngừ đông lạnh mã HS0304.

Thông tin trên Công Thương, năm 2022, có 9 doanh nghiệp đang tham gia xuất khẩu cá ngừ sang Mexico. Trong số này, Công ty TNHH Thủy sản An Hải, Công ty TNHH Hải Thanh và Công ty CP Thủy sản Bình Định là 3 công ty xuất khẩu nhiều nhất cá ngừ sang thị trường này, chiếm 82% tổng giá trị xuất khẩu cá ngừ.

Theo Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu thủy sản Việt Nam (Vasep), tính cả năm 2022, xuất khẩu cá ngừ của Việt Nam cán đích 1 tỷ USD, tăng 34% so với năm 2021. Đây cũng là lần đầu tiên ngành hàng cá ngừ đạt giá trị xuất khẩu tỷ USD. Kết quả này đóng góp vào kim ngạch xuất khẩu 11 tỷ USD của ngành thủy sản trong năm 2022.

Các sản phẩm cá ngừ của Việt Nam đã xuất khẩu sang 99 thị trường trên thế giới. Trong số đó, Mỹ, Liên minh châu Âu (EU), các nước trong Hiệp định Đối tác toàn diện và tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP), Israel, Thái Lan, Saudi Arabia, Nga, Philippines và Ai Cập là các thị trường nhập khẩu cá ngừ lớn nhất của Việt Nam, chiếm 92% tổng giá trị xuất khẩu.

Kinh tế vĩ mô - Xuất khẩu cá ngừ của Việt Nam sang Mexico tăng trưởng mạnh

Chỉ tính riêng tháng 4/2023, xuất khẩu cá ngừ sang Mexico  tăng tới 117% so với cùng kỳ năm 2022. Ảnh minh họa.

Tiềm năng xuất khẩu nông, thủy sản sang thị trường Mexico

Thông tin trên báo Chính Phủ, tham tán thương mại, Thương vụ Việt Nam tại Mexico (kiêm nhiệm Guatemala, Honduras, El Salvador, Belize) cho biết, người dân ở quốc gia này tiêu thụ mạnh các sản phẩm đã qua sơ chế hoặc chế biến tại các siêu thị hoặc của hàng tiện dụng, do vậy mặt hàng này là một mặt hàng tiềm năng cho các sản phẩm thủy hải sản của Việt Nam.

Theo Bộ Công Thương, Mexico và Việt Nam là hai thị trường khá tương đồng với nhau. Nhiều mặt hàng chủ lực của Việt Nam có nhiều cơ hội thâm nhập vào thị trường đông dân thứ 11 trên thế giới, nhất là sau khi Hiệp định Đối tác Toàn diện và Tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP) đi vào thực thi.

Kim ngạch xuất khẩu thủy sản Việt Nam giảm mạnh

Theo VTV, trong 5 tháng đầu năm, nhiều mặt hàng xuất khẩu chính có giá trị xuất khẩu giảm so với cùng kỳ năm ngoái nên tổng kim ngạch xuất khẩu giảm mạnh.

Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cho biết, trong tháng 5, kim ngạch xuất khẩu nông, lâm, thủy sản ước đạt 4,85 tỷ USD, giảm 3,5% so với cùng kỳ năm ngoái. Tính chung 5 tháng đầu năm 2023, tổng kim ngạch xuất, nhập khẩu nông, lâm, thủy sản ước đạt 36,96 tỷ USD; trong đó, xuất khẩu 20,26 tỷ USD, giảm 11,1% so với cùng kỳ năm ngoái; nhập khẩu 13,15 tỷ USD, giảm 8,7%. Giá trị xuất siêu nông, lâm, thủy sản 5 tháng đạt 3,55 tỷ USD, giảm 21,1%.

Theo đánh giá của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, các thị trường xuất khẩu nông, lâm, thủy sản lớn của Việt Nam đang dần lấy lại đà tăng trưởng khi Trung Quốc mở cửa trở lại; xuất khẩu sang Nhật Bản, khu vực châu Á tăng trở lại.

Tuy nhiên, kinh tế thế giới tiếp tục gặp nhiều khó khăn, lạm phát cao tại một số quốc gia phát triển, các chính sách thắt chặt tiền tệ, nhất là ở các thị trường lớn như Hoa Kỳ và châu Âu khiến các doanh nghiệp gặp khó khăn trong ký kết và thực hiện các đơn hàng.

Bởi vậy, trong 5 tháng đầu năm, nhiều mặt hàng xuất khẩu chính có giá trị xuất khẩu giảm so với cùng kỳ năm ngoái nên tổng kim ngạch xuất khẩu vẫn giảm mạnh. Trong số đó, nhóm nông sản đạt 10,3 tỷ USD, tăng 9,9%; chăn nuôi đạt 190 triệu USD, tăng 34,5%; thuỷ sản 3,47 tỷ USD, giảm 25,9%; lâm sản đạt 5,52 tỷ USD, giảm 26,8%.

Nhiều mặt hàng có giá trị xuất khẩu cao hơn như: gạo tăng 49%, rau quả tăng 39%; hạt điều tăng 5,5%; thịt, phụ phẩm tăng trên 59%, cà phê tăng nhẹ 0,2%...

Cũng có những mặt hàng có giá trị xuất khẩu giảm như: cao su giảm 24%, chè giảm gần 19%, hồ tiêu giảm gần 10%, sắn và sản phẩm sắn giảm 14,3%, cá tra giảm 40,7%, tôm giảm 34,4%, gỗ và sản phẩm gỗ giảm 27,3%...

Nguyên nhân giá xuất khẩu bình quân giảm, cụ thể: hồ tiêu giảm 34,9%; cao su giảm 21,5%; sắn và sản phẩm từ sắn giảm 12,0%...

Về thị trường xuất khẩu, 5 tháng đầu năm, giá trị xuất khẩu nông, lâm, thủy sản chỉ tới các thị trường thuộc khu vực châu Á tăng 2,3%. Còn khác thị trường khác đều có giá trị giảm như: châu Mỹ giảm 34,6%; châu Âu giảm 13,2%; châu Phi giảm 5,6%; châu Đại Dương giảm 28%.

Trung Quốc, Hoa Kỳ và Nhật Bản tiếp tục duy trì là 3 thị trường xuất khẩu nông, lâm, thủy sản lớn nhất. Trong số đó, giá trị xuất khẩu sang Trung Quốc chiếm tỷ trọng 20,4%, tăng 2,9% so với cùng kỳ năm ngoái; Hoa Kỳ chiếm 19,8%, giảm 35,2% và Nhật Bản chiếm 7,8%, giảm 1,2%.

Trúc Chi (t/h)