Điều sợ nhất của chiến tranh không phải là mưa bom bão đạn
Chiến tranh dù đã kết thúc, trong số những người con trở về từ trận tuyến đã có không ít người để lại một phần máu thịt của mình. Và khi về với cuộc sống đời thường, dù trên cơ thể còn những thương tật nhưng họ vẫn nhiệt tình tham gia công tác sản xuất, công tác xã hội ở địa phương, giữ vững truyền thống “Bộ đội Cụ Hồ” và luôn sống vì một lý tưởng cách mạng cao đẹp.
Người cựu binh Võ Công Hoan (SN 1952), trú ở đường Lê Văn Hưu, phường 1, Tp.Đông Hà, tỉnh Quảng Trị là một người như thế.
Giữa cái nắng như đổ lửa của mùa Hè miền Trung, người viết tìm về gặp ông. Ông Hoan hiện đang công tác tại Hội Luật gia tỉnh Quảng Trị và dù gần đến giờ tan làm nhưng trong căn phòng của mình, người cựu binh ấy vẫn đang ngồi tỉ mẩn nghiên cứu cả một tập tài liệu ngổn ngang, dày cộm trên bàn. Hỏi thăm mới biết, ông đang nghiên cứu một số điều luật về đất đai và giải đáp một số đơn thư khiếu nại của bà con để chuẩn bị công tác tham mưu cho buổi tiếp dân của lãnh đạo tỉnh nhà sắp tới.
Bên chén nước trà, qua những điều ông kể, mới nhận ra, đằng sau nụ cười gần gũi, cùng mái tóc bạc phơ, người cựu binh có dáng hình như một ông giáo đôn hậu ấy là cả một quá khứ thật oanh liệt, bi hùng.
Tháng 1/1971, chàng thanh niên nhỏ con Võ Công Hoan dù chỉ nặng gần 44kg nhưng vẫn xin gia đình nhập ngũ tham gia chiến đấu chống Mỹ ở miền Nam. Sau 4 tháng rèn luyện ở Hà Tĩnh, ông gia nhập Đoàn 2291 và lên đường vào mặt trận miền Đông chiến đấu.
Trải qua nhiều trận chiến ác liệt tại các mặt trận ở Long An, Đồng Tháp, Đăk Nông, lăn lộn từ chiến trường này sang chiến trường khác, ông càng ngày càng thể hiện bản lĩnh và tài trí thông minh trong trận mạc của mình. Chỉ trong vòng 3 năm, từ một chiến sỹ binh nhất, ông dần được cấp trên tin tưởng giao làm Tiểu đội phó rồi Trung đội phó và sau đó là Chuẩn uý Trung đội trưởng dẫn dắt nhiều trận đánh, giải phóng nhiều địa điểm địch chiếm đóng.
Ông chia sẻ, đoàn của ông lúc lên đường có tổng cộng 700 người nhưng khi vào đến nơi đã hi sinh mấy trăm người. Qua nhiều trận chiến, điều sợ nhất không phải là mưa bom bão đạn của kẻ thù, mà là phải chứng kiến cảnh mất đi những đồng đội từng kề vai sát cánh bên mình.
“Mỗi trận chiến qua đi, phải chứng kiến những người đồng đội của mình ngã xuống quá đau lòng. Lúc đó, chiến trường khốc liệt, đồng đội hi sinh là phải chôn vội, rồi đánh dấu và tiếp tục di chuyển sang khu vực khác để chiến đấu. Có người sau đó còn tìm lại được nhưng có người mãi không biết ở đâu…”, ông Hoan xúc động nói.
Trong số những đồng đội hi sinh, người mà đến nay ông vẫn nhớ và trăn trở nhất là Trung đội phó Chinh, người hơn ông 4 tuổi, quê ở Thái Bình. Lúc ấy, ông Hoan đã là Trung đội trưởng.
Ông hồi ức lại, đó là vào cuối năm 1973, trung đoàn ông được huy động tăng cường lên chiến trường ở khu vực Đăk Song- Tuy Đức (tỉnh Đăk Nông hiện tại) để chiến đấu giành lại những vùng đất mà địch tái chiếm.
Trên đường đuổi theo những đội quân của địch, Trung đoàn của ông tiến sát đánh địch giữa núi rừng ở vùng Tuy Đức.
“Tại đây, vì địch ở trên gò núi cao, mình ở dưới nên liên tục nhận phải đại liên của địch xả xuống. Trên đường xông lên, anh Chinh không may bị trúng đạn ở ngực. Lúc ấy, ta chỉ còn lại mười mấy người, tôi cùng anh y tá vội băng vết thương cho anh, đoạn tôi dặn để bọn tôi lên “dứt điểm” địch rồi quay lại đưa anh ra, thì anh đã hi sinh", cựu binh Võ Công Hoan rưng rưng nhớ lại.
Sau khi vội để thi thể đồng chí Chinh lại, ông Hoan cùng đồng đội xông lên quyết tâm hạ được đại liên của địch ở trên cao. Nhưng khi gần áp sát địch, không may ông Hoan bị trúng đạn bể khớp ở khuỷu tay rồi ngất lịm đi. Tỉnh dậy, ông thấy mình đã ở bệnh xá dã chiến và đang được các y bác sĩ nhiệt tình cứu chữa.
“Dù sau đó, tôi đã hỏi thăm, có ai đưa được anh Chinh ra không nhưng giữa chiến trường khốc liệt lúc ấy, chẳng ai rõ. Và kể cả sau này, khi thời bình, trăn trở về lời nói sẽ trở lại đưa anh ra, tôi cũng đã về lại chiến trường xưa để tìm tung tích anh Chinh. Nhưng dù đi hỏi thăm nhiều nơi, ghé nhiều nghĩa trang liệt sỹ xung quanh chiến trường nơi anh Chinh hi sinh, tôi vẫn không tìm ra được phần mộ anh”, ông Hoan thở dài.
Đầy nhiệt huyết cống hiến, xứng danh “Bộ đội Cụ Hồ”
Kết thúc trận chiến ấy, người lính Võ Công Hoan vinh dự nhận được Huân chương chiến công hạng Ba, Huân chương chiến sỹ giải phóng hạng Ba, Huy chương kháng chiến chống Mỹ hạng Nhì...
Năm 1975, ông trở về quê hương với thương tật cánh tay trái bị bể khớp, mất sức 60%. Dù vậy, từ năm 1979 đến năm 1993, ông vẫn kinh qua nhiều vị trí ở Toà án nhân dân tỉnh Bình Trị Thiên, rồi Toà phúc thẩm Toà nhân dân tối cao tại Đà Nẵng.
Đến năm 1994, ông bắt đầu có những cống hiến cho ngành tư pháp tỉnh Quảng Trị và trải qua nhiều vị trí như: Phó Giám đốc sở, Giám đốc sở Tư pháp. Năm 2003, ông được bầu là Trưởng ban vận động thành lập Hội Luật gia tỉnh Quảng Trị. Sau đó là Uỷ viên Ban chấp hành Trung ương Hội Luật gia Việt Nam nhiệm kỳ 2009-2014 và giữ chức vụ Chủ tịch Hội Luật gia tỉnh Quảng Trị từ năm 2014-2022.
Trong Đại hội đại biểu Hội Luật gia tỉnh Quảng Trị lần thứ III vừa qua, dù tuổi đã cao nhưng với sự tin tưởng của Ban chấp hành, Ban Thường vụ và các hội viên, ông Võ Công Hoan tiếp tục được tín nhiệm bầu giữ chức Phó Chủ tịch Hội Luật gia tỉnh nhiệm kỳ 2022-2026.
Chia sẻ với người viết, ông Hoàng Kỳ, Giám đốc sở Tư pháp, Chủ tịch Hội Luật gia tỉnh Quảng Trị nhận xét, luật gia Võ Công Hoan không chỉ trình độ chuyên môn cao, hiệu quả công việc tốt, mà còn đầy nhiệt huyết cống hiến, mang đậm tư tưởng Người lính Cụ Hồ. Hiện, ông là thành viên không thể thiếu của Hội Luật gia tỉnh. Không chỉ tích cực tham gia trong công tác tham mưu cho lãnh đạo UBND tỉnh trong các buổi tiếp dân định kỳ, ông còn tham gia tư vấn giải quyết nhiều vụ việc khiếu nại, tố cáo phức tạp, tham gia giám sát giải quyết khiếu nại ở cơ sở với tư cách là thành viên của Mặt trận Tổ quốc, cũng như hỗ trợ tư vấn pháp luật trên kênh Phát thanh – Truyền hình của tỉnh góp phần đưa pháp luật vào cuộc sống, áp dụng tích cực vào đời sống của nhân dân.
Trong những năm công tác tại Sở Tư pháp tỉnh Quảng Trị, bằng những cống hiến không mệt mỏi của mình, ông Võ Công Hoan đã góp phần không nhỏ trong việc bồi dưỡng nghiệp vụ tư pháp cho nhiều cán bộ cấp xã, huyện, đặc biệt là những cán bộ tư pháp ở vùng núi của tỉnh Quảng Trị. Ông từng vinh dự nhận được Bằng khen của Thủ tướng Chính phủ và rất nhiều Bằng khen của Bộ trưởng, Tỉnh uỷ, Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Trị về những đóng góp tích cực của mình.
Với cuộc sống đời thường, hiện người cựu binh Võ Công Hoan đang có một mái ấm hạnh phúc bên vợ và hai người con, trong đó có một người con đã có gia đình. Khi buổi nói chuyện với người viết gần kết thúc, người vợ phúc hậu của ông vẫn ngồi chờ cơm để ăn cùng. Ông bảo, ăn vội tí rồi lên lại cơ quan để kịp giờ làm việc, có lẽ với người cựu binh ở tuổi ngoài 70 ấy, sự cống hiến với công việc, với xã hội, chưa đến lúc ngưng nghỉ…