14 bị cáo vụ Nhật Cường vẫn phải liên đới bồi thường 251 tỷ đồng

Đó là phán quyết cuối cùng của TAND Cấp cao tại Hà Nội. Theo đó, HĐXX phúc thẩm bác kháng cáo, tuyên 14 bị cáo phải liên đới nộp gần 251 tỷ đồng.

Sau 2 ngày xét xử phúc thẩm vụ án Buôn lậu và Vi phạm quy định về kế toán gây hậu quả nghiêm trọng xảy ra tại Công ty Nhật Cường, hôm nay (30/11), HĐXX cấp phúc thẩm của TAND Cấp cao tại Hà Nội đã ra tuyên án.

Phiên tòa phúc thẩm được mở do có kháng cáo xin giảm nhẹ hình phạt và miễn trách nhiệm trong việc nộp tiền phạt khắc phục hậu quả của 11/14 bị cáo trong vụ án này.

bc-vu-nhat-cuong-phuc-tham-1638261167.png

14 bị cáo vụ Nhật Cường

Ngoài ra, VKSND Tp.Hà Nội cũng có kháng nghị đối với bản án hình sự sơ thẩm của TAND Tp.Hà Nội đã tuyên trước đó. Quan điểm của VKS là đề nghị TAND cấp cao tại Hà Nội xét xử phúc thẩm theo hướng đưa Công ty Nhật Cường tham gia tố tụng với tư cách là người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan; buộc Công ty Nhật Cường phải nộp lại khoản tiền 221 tỷ đồng thu lợi bất chính từ hành vi buôn lậu để tịch thu sung quỹ nhà nước, không buộc các bị cáo thuộc Công ty Nhật Cường phải liên đới nộp lại khoản tiền thu lợi bất chính nêu trên.

Quá trình mở tòa, các bị cáo thừa nhận hành vi phạm tội như tòa cấp sơ thẩm quy kết. Song cho rằng, mình chỉ là người làm công ăn lương, không được hưởng lợi bất chính trong vụ án nên tha thiết mong tòa phúc thẩm giảm nhẹ hình phạt và miễn trách nhiệm hình sự cho các bị cáo.

Căn cứ vào lời khai nhận tội của các bị cáo, phần tranh luận, đối đáp công khai tại tòa cùng các tài liệu, chứng cứ có trong hồ sơ vụ án, tòa cấp phúc thẩm đủ cơ sở kết luận: Từ 2014 đến tháng 5/2019, Công ty Nhật Cường mua 2.502 đơn hàng với 254.364 sản phẩm của nhiều chủ hàng tại nước ngoài. Công ty không nhập khẩu điện thoại qua đường chính ngạch mà chi 72,9 tỷ đồng để thuê 9 đường dây vận chuyển trái phép từ Hong Kong về Việt Nam. Tổng trị giá hàng hoá và chi phí tiền công vận chuyển hơn 3.000 tỷ đồng, thu lợi hơn 221 tỷ đồng.

Các hoạt động mua bán hàng hoá từ nước ngoài của Nhật Cường không có hoá đơn nên bị coi là buôn lậu. Huy còn chỉ đạo nhập nhiều số liệu trên phần mềm để theo dõi nội bộ mà không đưa vào báo cáo thuế. Hành vi này bị xác định gây thiệt hại cho nhà nước gần 30 tỷ đồng.

HĐXX phúc thẩm định, đây là vụ án đồng phạm có tổ chức, các bị cáo đã liên kết với nhau cùng các đường dây vận chuyển để thực hiện hành vi phạm tội. Tổng giám đốc Nhật Cường Bùi Quang Huy (đã bỏ trốn) là chủ mưu, cầm đầu, tổ chức chỉ đạo để kết nối các bị cáo với nhau giúp sức cho anh ta thực hiện hành vi buôn lậu. Hành vi của các bị cáo lặp đi lặp lại trong thời gian dài nên họ không thể nói rằng không biết về nguồn gốc hàng hoá.

Mặc dù các bị cáo thành khẩn khai báo, ăn năn hối cải nhưng không xuất trình được thêm các tình tiết giảm nhẹ khác nên không có căn cứ chấp nhận kháng cáo. Riêng bị cáo Nguyễn Bảo Trung có nhiều tình tiết giảm nhẹ mới nên được toà chấp nhận giảm 2 năm tù, từ 8 xuống 6 năm.

Về dân sự, toà bác toàn bộ kháng nghị của VKSND Hà Nội về việc buộc Công ty Nhật Cường nộp tiền hưởng lợi từ hành vi buôn lậu để khắc phục hậu quả thay cho các bị cáo. Từ đó, không chấp nhận kháng cáo xin miễn nộp tiền khắc phục hậu quả của 14 bị cáo.

Vì các lẽ trên, HĐXX của TAND Cấp cao tại Hà Nội bác kháng cáo, tuyên 14 bị cáo phải liên đới nộp gần 251 tỷ đồng tiền khắc phục hậu quả song các bị cáo có quyền khởi kiện ông chủ Nhật Cường bồi hoàn số tiền này.

Theo Người Đưa Tin