30 NGÀY TẬN SỨC Ở TÂM DỊCH ĐÀ NẴNG

Sau khi dịch bùng phát trở lại hồi cuối tháng 7, số ca nhiễm Covid-19 ở Đà Nẵng tăng nhanh như "vệt dầu loang". Tròn 1 tháng chiến đấu, số ca nhiễm tại tâm dịch giảm xuống, có ngày không có ca nhiễm mới.

0h ngày 24/7, Bệnh viện C Đà Nẵng phong tỏa, đánh dấu điểm khởi đầu cho chuỗi ngày gian nan chống dịch ở thành phố đáng sống. Một ngày sau, Đà Nẵng công bố bệnh nhân 416 có 5 lần xét nghiệm dương tính với SARS-CoV-2.

Một Đà Nẵng "nội bất xuất, ngoại bất nhập"

Việt Nam bước vào đợt dịch thứ 2 trước ngưỡng 100 ngày không có ca lây nhiễm trong cộng đồng. Kể từ đó, số ca nhiễm tăng nhanh như “vệt dầu loang”. Dịch Covid-19 lần lượt lan sang các tỉnh, thành phố miền Trung như Quảng Nam, Huế, Quảng Ngãi…

0h ngày 28/7, TP Đà Nẵng thắt chặt các biện pháp cách ly xã hội nghiêm ngặt chưa từng có. Mọi hoạt động vận tải, kinh doanh bao gồm bán hàng ăn uống tại chỗ và mang về đều phải tạm ngưng. Giữa những ngày hè tháng 8 nắng cháy, cả thành phố du lịch “đóng băng”.

Những dòng chữ cảnh báo “khu vực hạn chế”, những bệnh viện ngưng tiếp nhận bệnh nhân mới… dần trở thành hình ảnh quen thuộc. Thành phố đáng sống bỗng trở thành nơi “nội bất xuất, ngoại bất nhập” để bảo vệ chính mình và bảo vệ cả nước.

Hàng trăm cán bộ, chiến sĩ, tình nguyện viên túc trực ngày đêm tại chốt phong tỏa cửa ngõ, kiểm soát dòng người ra vào thành phố. Bữa ăn trưa nguội ngắt bên lề đường, giấc ngủ chập chờn, ngắt quãng trong những container tạm bợ không làm nản lòng những người Đà Nẵng.

Tình người hàn gắn "vết thương" Covid-19

Ngày 31/7 là thời điểm khó quên với người dân Đà Nẵng vì những “lần đầu tiên” không mong muốn. Số ca nhiễm được công bố trong một ngày ở mức kỷ lục: 45 ca. Cũng ngày hôm đó, Việt Nam có 2 ca tử vong đầu tiên, xô đổ thành tích không có ca tử vong ở giai đoạn 1.

Trong bóng đen u ám của dịch Covid-19, tình người đã thắp sáng thành phố này. Họ khích lệ nhau bằng những bức thư nhét vội vào thùng hàng tiếp tế gửi vào khu cách ly, bằng những bữa cơm miễn phí ủng hộ người khó khăn. Cả thành phố giãn cách nhưng lòng người thì xích lại gần nhau. Hàng loạt cao ốc, khách sạn đồng loạt thắp sáng trái tim cổ vũ “Đà Nẵng cố lên”.

Chính tình người đã hàn gắn những “vết thương” mà Covid-19 để lại. Những ngày cách ly, núi hàng hóa tiếp tế từ đồ ăn, thức uống, nhu yếu phẩm đến quạt, thảm,… được nhà hảo tâm liên tục mang đến cổng bệnh viện.

Người mang tới không ngớt, người ra nhận cũng không xuể. Không ai có thể thống kê đủ, cũng không ai đong hết tấm lòng của người Đà Nẵng những ngày này.

Ngày cách ly xã hội thứ 7, số ca nhiễm Covid-19 được công bố vẫn ở mức hàng chục. Dịch bệnh vẫn còn dấu hiệu nguy cấp. TP Đà Nẵng tiến hành phun khử trùng, xử lý môi trường trên diện rộng.

Làm sạch Bệnh viện Đà Nẵng

Khi công tác phòng dịch được đảm bảo ở khu dân cư thì công tác dập dịch cũng được đẩy mạnh trong các bệnh viện - nơi điều trị cho các bệnh nhân Covid-19.

Nhằm giải tỏa “ổ dịch” Bệnh viện Đà Nẵng, ngành y tế quyết định từng bước đưa tất cả ca nhiễm Covid-19 sang đơn vị điều trị chuyên biệt và “làm sạch” các bệnh viện hạng 1 như Bệnh viện Đà Nẵng.

Trong thời gian chờ nơi chuyên điều trị Covid-19 hoàn thành, các cơ sở y tế lân cận như Bệnh viện 199, Bệnh viện Ung bướu, Bệnh viện Vinmec… trở thành nơi tiếp nhận bệnh nhân Covid-19, “chia lửa” cho Bệnh viện Đà Nẵng.

Song song với việc nâng cấp Bệnh viện dã chiến Hòa Vang, Bệnh viện Phổi Đà Nẵng thì Bệnh viện dã chiến Tiên Sơn cũng được xây dựng với tốc độ “vũ bão” chỉ trong 4 ngày, quy mô 1.500-2.000 giường bệnh.

Xen lẫn tín hiệu vui từ số ca nhiễm giảm dần là sự lo lắng từ những ca lây nhiễm trong cộng đồng. Qua rà soát, Sở Y tế TP đã phát hiện 4.000 bệnh nhân từng điều trị tại Bệnh viện Đà Nẵng từ 15/7-30/7.

Dự kiến, với số bệnh nhân là 2.452 người thì con số những người liên quan bao gồm người nhà, người chăm sóc, người ra vào thăm nom sẽ khoảng trên 8.000 trường hợp.

Họ có thể trở thành mầm bệnh len lỏi trong cộng đồng dân cư. Ngành y tế phải chạy đua với thời gian để truy vết, xét nghiệm, tìm kiếm ca nhiễm.

Để đẩy nhanh tốc độ truy vết, TP Đà Nẵng triển khai xét nghiệm nhóm 3-5 người cùng gia đình. Phương pháp này thậm chí còn chưa được Bộ Y tế xây dựng quy trình nhưng Đà Nẵng đã tiên phong thực hiện để chạy đua với dịch.

Bước đi tiên phong của Đà Nẵng đã cho thấy kết quả. Xét nghiệm cộng đồng ngày 11/8 phát hiện 2 mẹ con tại Hòa Minh 3, quận Liên Chiểu, dương tính với SARS-CoV-2. Hai người này đã từng chăm sóc người nhà là bệnh nhân của Bệnh viện Đà Nẵng. Hàng loạt ca nhiễm cũng được phát hiện nhờ phương pháp mới này.

Xét nghiệm, truy vết, cách ly, phong tỏa, dập dịch - đó là cách mà ngành y tế đã làm để giải tỏa căng thẳng cho “tâm dịch của tâm dịch” ở Đà Nẵng. Sự quyết liệt của Đà Nẵng đã mang lại những thắng lợi ban đầu.

Ngày 10/8, ngày cách ly xã hội thứ 13, bốn bệnh nhân Covid-19 đầu tiên của giai đoạn dịch thứ hai được tuyên bố khỏi bệnh. Ngay sau đó, 0h ngày 11/8, Bệnh viện Chấn thương chỉnh hình và Phục hồi chức năng cùng các tuyến phố xung quanh được gỡ phong tỏa. Như vậy, chỉ còn Bệnh viện Đà Nẵng vẫn phải tiếp tục cách ly y tế.

Ngày 11/8, Đà Nẵng hết 14 ngày cách ly đầu tiên nhưng tình hình dịch bệnh vẫn diễn biến phức tạp, thành phố quyết định tiếp tục cách ly xã hội, ở mức độ nghiêm ngặt hơn nữa, cho đến khi có thông báo mới.

Chính quyền thành phố thông báo tăng cấp độ cách ly với yêu cầu đi chợ 3 ngày/lần bằng thẻ theo ngày chẵn - lẻ. Từ 12/8, mỗi hộ gia đình được phát 5 thẻ vào chợ trong 15 ngày. Người dân Đà Nẵng vẫn vui vẻ với trải nghiệm quay trở lại thời “tem phiếu”.

Trong bối cảnh khó khăn, Đà Nẵng vẫn chứng tỏ là thành phố đáng sống khi không hề bỏ rơi những “vị khách” của mình. Sau nhiều ngày chờ đợi, 1.453 khách du lịch mắc kẹt ở Đà Nẵng đã được thu xếp để trở về nhà.

Ngày 12/8, chuyến bay Vietnam Airlines đã đưa 413 khách du lịch đầu tiên trở về nhà trong niềm hạnh phúc sau chuỗi ngày mắc kẹt ở Đà Nẵng. Đến ngày 13/8, toàn bộ du khách mắc kẹt đã được trở về quê hương.

20 ngày sau khi dịch bùng phát ở Đà Nẵng, thành phố đã có những bước đi ngoạn mục trong kiểm soát và điều trị Covid-19. Hàng chục bệnh nhân tại các cơ sở điều trị như: Bệnh viện dã chiến Hòa Vang, Bệnh viện Phổi Đà Nẵng xuất viện trong sự vui mừng của cả cộng đồng.

Những cử chỉ yêu thương, những giọt nước mắt, những câu chào thương mến của bệnh nhân dành cho y bác sĩ khiến mọi thứ trở nên nồng ấm đặc biệt.

Nụ cười sau khẩu trang của nữ điều dưỡng

Chị Đặng Thị Công, điều dưỡng trưởng Bệnh viện dã chiến Hòa Vang, nói rằng mấy chục năm theo ngành y, chưa bao giờ thấy vất vả, cũng chưa bao giờ thấy nhiều cảm xúc như những ngày này. Sau mấy tuần đầu gian nan, giờ đây, ngày nào chị cũng được tiễn từng đoàn bệnh nhân rời viện. Chị vui không tả xiết.

Nhiều ngày ở Bệnh viện dã chiến Hòa Vang, phóng viên Zing đồng hành cùng y bác sĩ nơi này vào khu vực điều trị.

Một bộ đồ bảo hộ, 2 lớp kính, 2 lớp mũ, 3 lớp găng tay. Đó là hành trang của các y bác sĩ, nhân viên y tế mỗi khi bước vào khu điều trị. Sau 30 phút, chị Công đã cảm thấy mồ hôi chảy dọc sống lưng.

Chị đến từng giường bệnh, theo dõi, hỏi thăm sức khỏe từng bệnh nhân. Chị bảo chăm sóc bệnh nhân bị cách ly phải năng nói cười, khích lệ để họ có tinh thần, mau chóng khỏi bệnh. Dịch bệnh có thể ngăn sự tiếp xúc thật gần giữa họ, nhưng những câu nói vui đùa, những cái vẫy tay đã kết nối những trái tim xa lạ với nhau.

Những ngày qua, điều khiến nữ điều dưỡng trưởng ám ảnh nhất là tiếng chuông điện thoại khẩn cấp hàng ngày. Đó là những cuộc gọi thông báo có ca bệnh mới, hoặc người điều trị trở nặng, hay đau lòng nhất là những tin báo tử.

Chị Công kể các điều dưỡng ở đây sợ nhất chính là phải mặc đồ bảo hộ. Nhốt mình trong bộ đồ hàng tiếng đồng hồ, mồ hôi lại túa ra như tắm, ai đi ra khỏi khu cách ly cũng ướt sũng. Mất nước nhưng không ai dám uống nhiều nước vì sợ… đi vệ sinh, bởi mỗi "chuyến đi" vệ sinh trong ca trực sẽ phải mất tới hơn 30 phút - 15 phút cởi đồ ra và 15 phút mặc đồ vào. Dù vậy, ai cũng động viên đồng nghiệp cố gắng vượt qua khó khăn, hoàn thành tốt nhiệm vụ.

Chị là một trong số hàng nghìn y, bác sĩ, tình nguyện viên tận sức với người bệnh, với cộng đồng trong cuộc chiến chống dịch.

Bước sang tuần thứ 4 kể từ khi dịch bệnh bùng phát, Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Trường Sơn khẳng định dịch bệnh tại Đà Nẵng đã được kiểm soát.

Từ những ngày đầu lúng túng, đến nay, Đà Nẵng đã làm chủ được tình thế.

Ngày 23/8, tròn 1 tháng kể từ thời điểm phát hiện ca nhiễm đầu tiên, Đà Nẵng chỉ ghi nhận 1 bệnh nhân mới và 2 bệnh nhân được điều trị khỏi bệnh, xuất viện.

Cuộc chiến Covid-19 ở Đà Nẵng chưa rõ điểm dừng. Nhưng với số ca nhiễm ngày càng giảm và số bệnh nhân khỏi bệnh ngày càng tăng, người dân Đà Nẵng có cơ sở tin vào một chiến thắng đang ở rất gần.