4 trường hợp thẻ căn cước sẽ bị thu, giữ kể từ ngày 1/7

Theo Luật Căn cước 2023, sẽ có hiệu lực từ ngày 1/7/2024, một số trường hợp thẻ căn cước sẽ bị thu hồi.

Luật Căn cước mới sẽ có nhiều điều chỉnh và bổ sung quan trọng so với Luật Căn cước công dân 2014. Một trong những điểm nổi bật là việc thẻ căn cước công dân hiện nay sẽ chuyển đổi thành thẻ căn cước.

Luật Căn Cước 2023 cũng đưa ra các trường hợp mới về việc thu hồi thẻ căn cước. Ngoài các trường hợp như bị tước quốc tịch Việt Nam, thôi quốc tịch, hoặc hủy bỏ quyết định nhập quốc tịch Việt Nam, thì những thẻ căn cước được cấp không đúng quy định hoặc đã bị tẩy xóa, sửa chữa cũng bị thu hồi.

Ngoài ra, các thẻ căn cước dưới đây sẽ bị thu hồi:

(i) Người đang chấp hành biện pháp tư pháp giáo dục tại trường giáo dưỡng; người đang chấp hành quyết định áp dụng biện pháp xử lý hành chính đưa vào trường giáo dưỡng, cơ sở giáo dục bắt buộc, cơ sở cai nghiện bắt buộc.

(ii) Người đang bị tạm giữ, tạm giam, chấp hành án phạt tù.

Trong thời gian bị giữ thẻ căn cước, cơ quan giữ thẻ căn cước xem xét cho phép người bị giữ thẻ căn cước sử dụng thẻ căn cước của mình để thực hiện giao dịch, thực hiện quyền, lợi ích hợp pháp.

thu-giu-the-can-cuoc-1709630794.jpg
Luật Căn cước mới sẽ có hiệu lực từ ngày 1/7/2024. Ảnh minh họa: Internet

Người bị giữ thẻ căn cước sẽ được trả lại thẻ căn cước khi hết thời hạn tạm giữ, tạm giam hoặc có quyết định hủy bỏ việc tạm giữ, tạm giam; chấp hành xong án phạt tù, chấp hành xong biện pháp tư pháp giáo dục tại trường giáo dưỡng; chấp hành xong quyết định áp dụng biện pháp xử lý hành chính đưa vào trường giáo dưỡng, cơ sở giáo dục bắt buộc, cơ sở cai nghiện bắt buộc.

Cơ quan quản lý căn cước sẽ thực hiện thu hồi thẻ căn cước trong các trường hợp tước quốc tịch, thôi quốc tịch hoặc hủy bỏ quyết định nhập quốc tịch. Thẩm quyền giữ thẻ căn cước sẽ thuộc về các cơ quan thi hành các quyết định như tạm giữ, tạm giam, chấp hành án phạt tù, hay các biện pháp giáo dục và xử lý hành chính.