5 loại rau giúp sống lâu, không tồn dư hóa chất nhưng người Việt ít dùng, có loại mọc dại bị vứt bỏ thường xuyên

Với nhiều quốc gia, các loại rau này rất bổ dưỡng, giúp sống lâu, nhưng tại Việt Nam có những loại thường xuyên bị vứt bỏ, hoặc chỉ để chăn nuôi.

Rau là nguồn cung cấp vitamin, khoáng chất và chất xơ dồi dào cho cơ thể, trong đó có những loại được ví như rau “trường thọ” vì giúp cơ thể khỏe mạnh, kéo dài tuổi thọ hơn. Đặc biệt, các loại rau này đều “dị ứng” với chất kích thích và thuốc trừ sâu, vì thế ngoài giúp sống thọ, chúng còn rất an toàn. Dưới đây là 5 loại rau giúp sống thọ, có nhiều ở Việt Nam:

Nấm hương

Nấm có nhiều lợi ích cho cơ thể, trong đó nấm hương là loại phổ biến và được ví là “vua của các loài nấm”. Trước đây, nấm hương là thực phẩm quý, chỉ dùng cho vua chúa, giúp bồi bổ, tăng cương sức khỏe để kéo dài tuổi thọ.

Nấm hương được ví là vua của các loại nấm vì có nhiều lợi ích cho cơ thể. Ảnh minh họa. 

Về dinh dưỡng, nấm hương có hàm lượng calo thấp, nhưng lại chứa lượng lớn chất xơ và các chất dinh dưỡng khác. Theo Viện Dinh dưỡng Quốc gia, nấm hương có nhiều vitamin nhóm B (B2, B3, folate, B5), phốt pho, vitamin D, selen, đồng, kali. Ngoài ra, nấm hương chứa nhiều axit amin tương tự như thịt, cùng với đó là có các chất như polysaccharid, terpenoit, sterol và lipid, một số chất có tác dụng tăng cường miễn dịch, giảm cholesterol và chống ung thư.

Nấm hương có tác dụng rất tốt cho tim mạch, giúp tăng cường miễn dịch cho cơ thể, phòng chống ung thư, giúp ngủ ngon … vì thế chúng được xếp đứng đầu danh sách các loại rau trường thọ.

Rau sam

Đây là loại rau chưa được trồng đại trà nhiều ở Việt Nam, chủ yếu mọc dại ở vùng đồng ruộng, nhưng lại có tác dụng vô cùng lớn với sức khỏe. Chúng được coi là “kháng sinh tự nhiên” vì chứa nhiều chất bảo vệ cơ thể rất tốt. Theo đó, rau sam chứa lượng protein và chất béo ít, nên cung cấp năng lượng thấp, nhưng lại chứa nhiều các vitamin và khoáng chất khác.

Rau sam mọc nhiều ở đồng ruộng, rất ít người sử dụng. Ảnh minh họa. 

Các nghiên cứu của y học hiện đại cho thấy, rau sam chứa nhiều canxi, phốt pho, sắt, caroten và các vitamin nhóm B, C. Đặc biệt, trong rau sam còn chứa lượng Omega-3 rất dồi rào, không kém gì dầu cá.

Rau sam không ăn sống được, chủ yếu chế biến bằng cách nấu canh, luộc hoặc xào sẽ giúp cơ thể hấp thu chất dinh dưỡng tốt hơn. Theo các chuyên gia, rau sam giúp cơ thể chống lại các tế bào ung thư, chống viêm, giải độc, cầm máu, giảm được nguy cơ đột quỵ, tim mạch và xơ vữa động mạch.

Tảo bẹ

Tảo bẹ được ví như rong biển của Nhật Bản, có rất nhiều ở bờ biển tại Việt Nam. Ảnh minh họa. 

Theo Viện Dinh dưỡng, tảo bẹ được đánh giá là thực phẩm có giá trị dinh dưỡng rất cao và được so sánh ngang bằng với rong biển của Nhật Bản. Do vậy, chúng được ví là “rau trường thọ của đại dương”, loại rau này có rất nhiều dọc theo bờ biển ở Việt Nam, tuy nhiên số người sử dụng làm thực phẩm lại không nhiều.

Theo Viện y tế quốc gia Hoa Kỳ (NIH), tảo bẹ được xếp vào nhóm thực phẩm tự nhiên giàu I-ốt bậc nhất thế giới. Khi ăn chúng sẽ bổ sung I-ốt cho cơ thể, phòng các tác nhân gây rối loạn chuyển hóa dẫn đến phì đại tuyến giáp (bệnh bướu cổ). Ngoài làm thuốc, hỗ trợ điều trị bệnh, khi chế biến thành các món ăn, tảo bẹ giúp hỗ trợ điều trị các bệnh tim mạch, giúp giảm cân, ngăn ngừa ung thư.

Dương xỉ

Dương xỉ còn có một cái tên khác là rau dớn, mọc nhiều ở vùng núi hoang và được đánh giá là một loại “siêu thực phẩm”. Dù mọc rất nhiều, nhất là ở vùng núi, trung du nhưng dương xỉ luôn bị coi là loài cỏ dại và bị phát bỏ.

Dương xỉ luôn bị coi là loài cỏ dại và bị phát bỏ, rất ít được sử dụng dù mọc nhiều. Ảnh minh họa. 

Các chuyên gia cho biết, dương xỉ có nhiều dinh dưỡng, nhiều nước nên có thể hỗ trợ duy trì sự sống trong một số trường hợp cần thiết. Điển hình nhất là một sự việc diễn ra ở Quảng Ninh, một người phụ nữ bị rơi xuống vực sâu và mất tích, sau vài ngày tìm thấy nạn nhân vẫn sống sót kỳ diệu. Để sống sót người phụ nữ này đã phải ăn cây dương xỉ qua ngày.

Về thành phần dinh dưỡng và công dụng của dương xỉ, các nghiên cứu cho thấy dương xỉ chứa nhiều nước và các khoáng chất tốt cho cơ thể. Vì thế, chúng có tác dụng lợi tiểu, chống táo bón, làm ngưng các cơn đau ấm ỉ do viêm đại tràng, giải độc. Ngoài ra, trong dương xỉ có một số chất có thể ức chế vi khuẩn, giải độc và khử trùng. Người xưa thường dùng dương xỉ để điều trị cắt cơn sốt, bệnh Eczema, lở loét.

Rau lang

Đây là loại rau quá phổ biến ở Việt Nam, nhưng không được dùng thường xuyên, thậm chí nhiều nơi còn lấy để làm thức ăn chăn nuôi. Tại Nhật Bản, người dân ví rau lang là “rau trường thọ”, có giá khá đắt đỏ, thậm chí phải có điều kiện mới sử dụng được loại rau này.

Rau lang rất phổ biến ở Việt Nam, nhưng không được dùng thường xuyên. Ảnh minh họa. 

Vì sao rau lang lại được ví là rau trường thọ? Các nhà khoa học đã nghiên cứu và chỉ ra, dinh dưỡng trong rau khoai lang tốt hơn nhiều so với củ khoai lang. Loại rau này được xem là kho tàng vitamin, bởi lượng vitamin B2 trong rau khoai lang nhiều gấp 10 lần so với củ khoai lang. Ngoài ra, loại rau này cũng rất giàu chất xơ, vitamin B6, vitamin C, chất chống oxy hóa...

Nếu thường xuyên ăn rau khoai lang, nội tạng sẽ được thanh lọc và bảo vệ rất tốt. Ngoài ra, lá khoai lang còn giúp bảo vệ thị lực, ngăn ngừa bệnh tim mạch, giúp hạ huyết áp và ổn định lượng đường trong máu, nâng cao khả năng miễn dịch cho cơ thể. Nhờ chứa nhiều vitamin K, rau này còn có tác dụng giảm nguy cơ ung thư ruột kết, tuyến tiền liệt, mũi, miệng, dạ. Với nhiều tác dụng với cơ thể, các chuyên gia khuyến cáo nên ăn rau khoang lang nhiều hơn 4 lần/tuần.

LÊ PHƯƠNG.