7 sai lầm tai hại khi bôi kem chống nắng cần sửa ngay

Nếu dùng kem chống nắng sai cách thì ngay cả khi sử dụng sản phẩm tốt nhất làn da của bạn vẫn có thể bị tổn thương.

Dùng không đủ lượng kem chống nắng

Việc bôi kem chống nắng quá ít dẫn đến chỉ số SPF thấp hơn khiến da không nhận được sự bảo vệ tối ưu khỏi tia UV. Theo khuyến cáo, lượng kem chống nắng bằng kích cỡ lòng bàn tay đủ dùng cho cơ thể. Còn với phần mặt, bạn nên bôi lượng kem chống nắng có kích cỡ bằng đồng xu.

Không thường xuyên thoa lại kem chống nắng

7-sai-lam-khi-boi-kem-chong-nang-can-sua-ngay-1621522412.jpg

Để bảo vệ làn da nên bôi lại kem chống nắng khoảng 2-3 tiếng một lần. (Ảnh minh họa)

Kem chống nắng dù là dạng bôi hay dạng xịt đều suy giảm tác dụng sau 2 tiếng sử dụng dưới ánh nắng. Nếu tiếp xúc với nước hoặc đổ nhiều mồ hôi, thời gian trên sẽ càng rút ngắn. Do đó việc thường xuyên bôi lại kem chống nắng là cần thiết. Khi thoa lại kem chống nắng, bạn có thể dùng nước tẩy trang để làm sạch lớp kem trước đó. Nếu đang trang điểm, hãy sử dụng sản phẩm chống nắng dạng bột để dặm lại.

Bỏ qua các khu vực quan trọng

Nhiều chị em cho rằng chỉ phần da tiếp xúc ánh nắng mặt trời mới phải bôi kem chống nắng mà không biết rằng tia UV có thể xuyên qua quần áo và các lớp vải dày mỏng khác nhau. Nếu không bôi kem chống nắng cho toàn bộ cơ thể, nhiều vùng da khác vẫn có thể bị tổn hại như thường.

Ngoài ra lưu ý hai vị trí mọi người thường không chú ý bảo vệ khi ra ngoài nắng là mí mắt và môi. Đặc biệt môi là vùng dễ bị tổn thương vì chúng không có nhiều hắc tố, là một sắc tố bảo vệ chịu trách nhiệm tạo ra màu sắc cho da, tóc và mắt. Môi của bạn càng ngậm nước, tia UV càng dễ xâm nhập sâu hơn vào vùng da không được bảo vệ. Với môi, bạn có thể dùng son dưỡng chứa chỉ số SPF trên 30.

Không làm theo hướng dẫn sử dụng

Để kem chống nắng hóa học phát huy hiệu quả cần bôi lên da ít nhất 20 phút trước khi ra ngoài vì làn da cần có thời gian để hấp thụ các thành phần bảo vệ. Nên thoa đều và kỹ trên da trước khi mặc quần áo để tránh bị sót hoặc dính vệt kem vào trang phục. Riêng đối với sản phẩm có 2 thành phần chống nắng vật lý - titanium oxide và zinc oxide - sẽ hoạt động ngay lập tức sau khi thoa. Vì vậy với kem chống nắng vật lý, bạn không cần chờ đợi thành phần chống nắng bên trong phát huy tác dụng.

Sử dụng kem chống nắng đã mở trong thời gian dài

Khi chưa mở nắp, kem chống nắng thường có hạn sử dụng khoảng 2-3 năm. Tuy nhiên khi đã sử dụng, thời gian này giảm còn khoảng 6 tháng. Bạn không nên dùng kem chống nắng hết hạn, có sự biến đổi về kết cấu, màu sắc hay mùi hương vì có thể gây dị ứng, tổn hại làn da.

Không chú ý đến chỉ số quang phổ trên kem chống nắng

Rất nhiều loại kem chống nắng chỉ có tác dụng chống tia UVB, nguyên nhân gây ra hiện tượng cháy nắng. Trong khi đó, tia UVA cũng mang đến nhiều tác hại. Mang bước sóng dài hơn tia UVB, tia UVA xâm nhập sâu hơn vào da, phá hủy cấu trúc collagen và dẫn đến lão hóa da. Để bảo vệ da tối đa, hãy tìm đến các loại kem chống nắng có công thức chống nắng phổ rộng (trên bao bì có chữ "broad-spectrum") giúp ngăn cản tia UVA và UVB. Với kem chống nắng sử dụng ký tự PA, hãy chọn sản phẩm có ký tự PA kèm những dấu cộng phía sau từ +++ trở lên.

Sử dụng kem chống nắng không phù hợp với da

Kem chống nắng chỉ phát huy tác dụng khi bạn lựa chọn sản phẩm đúng cách, phù hợp với đặc tính làn da của mình. Nên chọn kem chống nắng có chỉ số SPF 20 - 30 đối với làn da sáng, chỉ số SPF dưới 20 cho da sẫm, nếu muốn tăng khả năng bảo vệ dưới trời nắng gắt chỉ nên dùng kem chống nắng có chỉ số SPF 30 - 50 là phù hợp nhất. Những người da dễ nổi mụn thì nên sử dụng dạng xịt. Loại này vừa có tác dụng bảo vệ da vừa làm thông thoáng lỗ chân lông, giúp da không bị bít bởi bụi bặm và mồ hôi. Da nhạy cảm, dễ dị ứng nên chọn kem chống nắng không chứa acid paraaminobenzoic (PABA).

Giống như các loại mỹ phẩm khác, sử dụng kem chống nắng không đúng cách không những không mang lại hiệu quả, thậm chí có thể gây ra những tổn thương đáng tiếc cho da. Nếu bạn đang mắc phải những sai lầm như trên thì cần sửa ngay để có làn da trắng mịn, khỏe mạnh trong mùa hè này.

Theo Người Đưa Tin Pháp Luật