Anh Khôi chia sẻ tiếp, lúc ấy chỉ có hai giải pháp là thiêu thi thể tại chỗ hoặc cố gắng mang ra. Tuy nhiên, việc thiêu tại chỗ vấp phải phản đối gay gắt từ phía lực lượng kiểm lâm và người dân đồng bào tại đây. Cuối cùng chỉ còn lại giải pháp là cố gắng mang ra bằng cách kéo lên đỉnh thác. Rất may, chỉ trong vòng vài tiếng đã huy động được 3 nhóm leo núi đá nhà nghề từ Đà Lạt và Sài Gòn tham chiến ngay trong sáng hôm sau.
“Ngày triển khai chiến dịch, anh em ôm dụng cụ gọn nhẹ phi thẳng lên chỗ thác Lao Phào theo vị trí của mình đã được phân công. Mây trời kéo đến ùn ùn gần đen cả một khu rừng! Mưa đã thật sự xảy ra trong ngày quan trọng nhất. Các anh em tại điểm lấy xác đành phải tự tay quấn thi thể lại và cố định để kéo lên”, anh Khôi viết.
Thành viên đoàn cứu hộ cũng chia sẻ: “Chiều tối vẫn chưa kéo xác lên được, tiếp tế lương thực và dụng cụ hướng dưới thác bị cắt do địa hình khó khăn và không ai đón. Đội tiếp tế đành phi ra điểm hẹn xe ôm thì không thấy bóng dáng một ai đâu, đành băng một hơi mười mấy cây số đường rừng cố gắng ra ngoài kêu được chi viện trong đêm nhưng đã quá trễ.
Thế là các anh em ở trong thác phải ngủ phơi sương luôn ở đó mà không có đồ che chắn. Tại đỉnh thác khi ấy vẫn còn khoảng tầm 40 anh em phụ làm ròng rọc và kéo lên. Lương thực và nhu yếu phẩm được bổ sung bởi cánh xe ôm sơn cước tại điểm tập kết…”, Hoàng Minh Khôi ghi.
Anh Đinh Hoàng, người tham gia đoàn tìm kiếm T.A.K từ những ngày đầu tiên cho đến những ngày cuối cùng cũng xúc động chia sẻ 23h đêm ngày 23/5 khi đưa được thi thể nạn nhân ra, anh mới rời khỏi rừng Phan Dũng. “Hoàn thành hành trình gian nan, bám trụ từ đầu đến cuối. Đồng bọn đã làm nước rút quá tốt, mặc dù đêm qua bị đói, ngủ trời trần, 9 người chỉ 1 gói mì, 1 gói phở…", anh Đinh Hoàng viết.
Cảm động hành trình của những “người hùng thầm lặng”
Gần 12 ngày từ khi thông tin T.A.K mất tích cho đến khi xác định được vị trí nam du khách tử vong, các nhóm cứu hộ đã phải bám trụ, trải qua nhiều vất vả cùng gia đình đưa thi thể ra khỏi rừng và trở về Sài Gòn. Điều đáng nói, trong các đoàn, nhóm phượt, leo núi này đều không quen biết nạn nhân từ trước, sự giúp đỡ đều là tự nguyện, thành tâm.
Trần Cao Thành, một người bạn của Thi An Kiện chia sẻ trong xúc động: “Em xin chân thành cám ơn mọi người trong suốt thời gian qua đã luôn quan tâm, giúp đỡ T.A.K. Gia đình xin bày tỏ lòng biết ơn vô tận đối với các anh trong đội leo núi, đội tìm kiếm, các anh porter, leader không ngại khó khăn, gian khổ để đi đến những nơi nguy hiểm để tìm kiếm T.A.K".
Thành cũng chia sẻ thêm: “Mọi người đi tìm kiếm nghe được tin là bắn đi tìm. Họ không quản ngại an toàn, tính mạng của bản thân. Những người lạ thân thương. Ở nhà lo cho bạn K., lên đây lo hơn cho anh em. Ngoài từ cảm ơn vô nghĩa, thì chẳng biết làm gì… Khi gặp khó khăn mới thấy đời vẫn thật đẹp. Cảm tạ mọi người nhiều lắm".
Một tài khoản là bạn của T.A.K, anh Phi Trần cũng xúc động cho biết, các đoàn tìm kiếm rất nhiệt tình, đi vào tất cả con đường gần như không thể đi, đường đi có những đoạn toàn gai và rất dốc nhưng không ai nề hà. Thậm chí, đoàn 7 người đi trong điều kiện thiếu lương thực, nước uống trầm trọng, tối đến chỉ bắt được vài con tép, con cua, ngủ thì ngủ trên vách đá kế bên vực, lăn xuống là coi như xong.
“Các anh em ở đây đã lùng sục trong điều kiện thiếu thốn thức ăn và nước uống. Tuy nhiên, các anh em vẫn rất nhiệt tình, không tính toán và không ngại nguy hiểm, mặc dù không quen biết nhau từ trước nhưng vẫn hết lòng", anh Phi Trần nói.
Anh Vinh Quảng Trịnh một người bạn thân của T.A.K cũng ghi: "Sau chuyến đi này, tôi mới biết được tình anh em thực sự là gì. Không máu mủ ruột thịt, không bạn bè thân thiết, vậy mà họ không ngại hiểm nguy, đổ mồ hôi máu đi tìm bạn của mình. Vinh sẽ không bao giờ quên được mấy anh".
Được biết, đến nay thi thể T.A.K đã được đưa về Sài Gòn, tang lễ được tổ chức tại một ngôi chùa ở quận 11 – TP. Hồ Chí Minh.
Theo Hà Trang/ Dân trí