Ăn cháo đậu xanh có "giải độc vắc xin"? Chuyên gia lý giải vì sao cháo đậu xanh cực tốt nhưng vô ích với vắc xin

CTV
Các chuyên gia đều cho rằng, không có một sản phẩm hay thực phẩm nào giúp giải độc tố vắc xin. Bởi vắc xin khi tiêm vào cơ thể là giúp bảo vệ cơ thể trước tác nhân gây bệnh, vì thế mọi người không "mù quáng" nghe theo tin đồn để giải độc, nhằm tránh tiền mất, tật mang.

Không có thực phẩm, sản phẩm nào "giải độc" vắc xin

Gần đây, thông tin vắc xin phòng COVID-19 của Astrazeneca sau khi tiêm có thể gây đông máu, từ đó tăng nguy cơ đột quỵ, tử vong khiến nhiều người hoang mang, lo lắng. Đáng nói, sau khi có thông tin trên, không ít các hội nhóm còn truyền tay nhau, chia sẻ “bí quyết” giải độc sau tiêm vắc xin.

Những ai đã tiêm vắc xin các thể loại thì nên lưu ý các phương pháp dưới đây, nó sẽ giúp bạn thải độc. Ngoài ra, đừng hoang mang quá, nếu bạn thải độc thì không vấn đề gì nghiêm trọng quá đâu. Còn không thải độc thì chắc chắn sẽ có những vấn đề nan giải khác”, chia sẻ này đang nhận được nhiều sự quan tâm của cư dân mạng.

Theo như chia sẻ, cách giải độc vắc xin theo phương pháp tự nhiên đơn giản nhất là dùng đậu xanh nấu cháo rồi ăn. Ngoài ra, người chia sẻ thông tin còn đưa ra sản phẩm hỗ trợ giúp giải độc hiệu quả.
 

Bác sĩ Khanh cho biết, việc giải độc vắc xin chỉ là cách ăn theo để bán sản phẩm của một số người. Ảnh chụp màn hình. 

Trước thông tin trên, TS.BS Trương Hữu Khanh - Phó Chủ tịch Liên chi hội Truyền nhiễm TP HCM cho biết, thông tin giải độc vắc xin ra khỏi cơ thể bằng đậu xanh là hoàn toàn không có căn cứ khoa học. Theo bác sĩ, thực chất đây là những kẻ “cơ hội”, tranh thủ lúc mọi người đang quan tâm để bán sản phẩm, là các loại thực phẩm chức năng, gắn mác "giải độc" vắc xin.

Không có loại thực phẩm, sản phẩm nào giúp giải độc tố của vắc xin. Việc sử dụng các loại thực phẩm chức năng, nếu không rõ nguồn gốc còn nguy hiểm hơn rất nhiều. Thậm chí là hỏng gan, suy thận vì chúng chứa nhiều độc tố hơn cả vắc xin”, bác sĩ Khanh cho biết.

Vị chuyên gia này cũng khẳng định, với vắc xin Astrazeneca, mọi người đã tiêm cách đây 2-3 năm, nên không còn tác dụng phụ là gây đông máu như những chia sẻ trên mạng. Vì thế không cần dùng bất kể sản phẩm nào để giải độc. Hay với các loại vắc xin khác cũng vậy, sau khi tiêm mọi người chỉ cần thực hiện theo khuyến cáo của Bộ Y tế, không cần dùng thêm bất kể sản phẩm nào, tránh gây tác dụng phụ.

Đậu xanh giúp thanh lọc cơ thể, nhưng không phải để giải độc vắc xin

Đối với thông tin đậu xanh, hay cháo đậu xanh giúp giải độc vắc xin, cả chuyên gia tây y và đông y đều phủ nhận tác dụng này, mặc dù khẳng định đây là thực phẩm tốt, khi sử dụng giúp bồi bổ và thanh lọc cơ thể.

Lương y Bùi Đắc Sáng (Hội Đông y Hà Nội) cho biết, đậu xanh vị ngọt, tính mát (lạnh), không độc, bổ nguyên khí, thanh nhiệt mát gan, làm sáng mắt, chữa lở loét, ung nhọt, say nắng... Thường xuyên ăn đậu xanh giúp hạ huyết áp, phòng ngừa xơ cứng động mạch, tăng cường sức khỏe gan.

Cháo đậu xanh tốt cho cơ thể, giúp thanh lọc, giải độc gan nhưng không phải dùng để giải độc tố vắc xin. Ảnh minh họa. 

Theo ông Sáng, các loại hạt đậu đều có tác dụng tốt cho cơ thể và có thể chế biến thành nhiều cách khác nhau. Trong đó, việc nấu cháo có thể đem lại nhiều tác dụng. Ông Sáng khuyên mọi người, dùng đậu xanh, đậu đỏ, đậu đen mỗi thứ 300g, đem nấu với cam thảo, ăn cả bã lẫn nước trong vòng 7 ngày có tác dụng trị tiêu khát, giải độc, nóng, lợi tiểu, thanh nhiệt, hạ khí, phòng các chứng bệnh mùa hè.

Có thể dùng đậu xanh 50g, gạo tẻ 100g; nấu cháo, để nguội, cho ăn ngày 2 - 3 lần; dùng cho các trường hợp ngộ độc thức ăn, ba đậu, các thuốc nông nghiệp, các thảo dược. Món ăn này có thể giúp thanh lọc, giải độc cơ thể rất tốt. Tuy nhiên, ông Sáng cũng nhấn mạnh rằng, việc giải độc cơ thể chỉ có tác dụng với người ngộ độc thực phẩm, sau uống rượu bia, không có tác dụng giải độc vắc xin như thông tin trên mạng xã hội.

Dưới góc độ dinh dưỡng, Ths.BS Đặng Ngọc Hùng, Viện Nghiên cứu và Tư vấn Dinh dưỡng cho biết, đậu xanh là thực phẩm giàu chất đạm thực vật. Trong đậu xanh có nhiều tinh bột kháng - giữ vai trò như chất xơ, giúp cải thiện tiêu hóa. Đồng thời, loại hạt này cũng giàu chất chống oxy hóa, kháng viêm... cải thiện đường huyết, giảm mỡ máu... tốt cho bệnh nhân tiểu đường, béo phì.

Ngoài ra, đậu xanh còn chứa nhiều khoáng chất quý báu, bao gồm canxi, sắt, phốt pho, vitamin nhóm B, vitamin E, vitamin C, vitamin K, axit folic, magie, kali… Chính vì thế, loại hạt này là thực phẩm giúp bảo vệ, cải thiện chức năng gan. Magie và kali trong đậu xanh còn giúp kiểm soát mức huyết áp... Do vậy, mọi người có thể dùng đậu xanh nấu cháo, làm giá đỗ ăn rất tốt cho sức khỏe.

Đậu xanh dù tốt nhưng một số người vẫn cần phải lưu ý khi sử dụng. Ảnh minh họa. 

Đậu xanh dù tốt nhưng không phải ai cũng dùng được

Lương y Bùi Đắc Sáng cho biết, đậu xanh nói chung, cháo đậu xanh nói riêng dù tốt nhưng không phải ai cũng có thể dùng thoải mái. Ông khuyến cáo, phụ nữ đang trong chu kỳ kinh nguyệt không nên ăn cháo đậu xanh. Bởi đậu xanh có vị ngọt, tính lạnh, vì thế nếu ăn khi đang bị hành kinh sẽ ảnh hưởng đến tử cung, dẫn tới chảy máu nhiều, tăng cơn đau bụng.

Người mang thể hàn, lạnh bụng cũng không nên dùng đậu xanh. Nguyên nhân là đậu xanh có tính hàn, khi dùng sẽ khiến tay chân dễ bị lạnh, đi ngoài phân lỏng, thiếu sinh lực...

Những người đang dùng thuốc đông y không nên ăn cháo đậu xanh. Bởi đậu xanh có tác dụng giải độc, nên có thể khiến dược tính trong thuốc bị hóa giải. Nếu đang uống thuốc đông y thì tốt nhất là bạn không nên ăn chè đậu xanh, cháo đậu xanh hoặc giá đỗ để tránh làm mất tác dụng của thuốc.

Đậu xanh có chứa khá nhiều đạm, dù là đạm thực vật nhưng nếu ăn nhiều sẽ gây nên tình trạng khó tiêu. Do vậy, không nên ăn nhiều cháo đậu xanh, tuần chỉ nên ăn 1 đến 2 lần. Còn đối với người già, trẻ em, những người có vấn đề về đường tiêu hóa thì nên ăn ít hơn.