Các trường hợp Phản ứng sau tiêm chủng (AEFIs) này xuất hiện khắp cả nước, 7 ca trong số đó đã phải nhập viện. Hai trường hợp tử vong đáng tiếc xảy ra tại bang Uttar Pradesh và Karnataka.
Tuy nhiên, giới chức y tế Ấn Độ khẳng định, ít nhất 1 trong 2 ca tử vong này không liên quan tới vaccine. Trường hợp còn lại đang được điều tra phân tích.
Tới cuối ngày 18/1, Ấn Độ đã tiêm chủng vaccine COVID-19 cho 381.305 người.
Trước đó vào ngày 16/1, Thủ tướng Narendra Modi đã khởi động một chiến dịch mà chính phủ của ông gọi là “chương trình tiêm chủng lớn nhất thế giới'' nhằm kiểm soát đại dịch COVID-19 ở Ấn Độ - quốc gia có số ca nhiễm virus cao thứ hai sau Mỹ.
Chiến dịch tiêm chủng của Ấn Độ sử dụng sự hỗ trợ của ứng dụng Co-Win, do chính phủ phát triển, có chức năng thông báo cho các nhân viên y tế, những người đầu tiên được ưu tiên chủng ngừa, và cho phép các quan chức giám sát và quản lý toàn bộ quá trình triển khai chiến dịch.
Dữ liệu chính thức cho thấy Ấn Độ đặt mục tiêu tiêm chủng cho hơn 300.000 người vào ngày đầu tiên (16/1), nhưng chỉ có 191.181 người được tiêm trong ngày đó.
Trước đó, Tổng cục Quản lý Dược phẩm Ấn Độ đã phê duyệt giấy phép sử dụng khẩn cấp cho 2 loại vaccine là Covishield do đại học Oxford cùng hãng dược phẩm AstraZeneca nghiên cứu phát triển và viện Huyết thanh Ấn Độ sản xuất và Covaxin do công ty dược Ấn Độ Bharat Biotech phối hợp với Hội đồng Nghiên cứu Y học Ấn Độ cùng viện Vi trùng học Quốc gia bào chế.