Án Nước ngoài: Làm đám cưới để lừa trang sức, tiền mặt
Cảnh sát đã theo dõi Swain trong 8 tháng trước khi bắt giữ. Trong ba năm rưỡi, Swain tìm kiếm nạn nhân qua các trang web mai mối trực tuyến. Người đàn ông đóng giả là giáo sư 51 tuổi, phó tổng giám đốc về giáo dục và đào tạo sức khỏe với thu nhập hàng năm từ 5-7 triệu rupee (khoảng 67.000 đến 93.000 USD), Swain tiếp cận phụ nữ trên 40 tuổi, đang gặp áp lực xã hội, hoặc đã ly hôn, có vấn đề trong gia đình bởi họ thiếu cảnh giác, đang tìm kiếm sự an toàn và tình yêu.
Dù Swain có vóc dáng tròn trịa, chiều cao dưới 1,6m nhưng các nạn nhân phớt lờ điều này khi bị lóa mắt bởi “mác” công việc trong chính phủ mà “siêu lừa” dựng nên. Nạn nhân của ông ta gồm cảnh sát, giáo viên, bác sĩ, luật sư, nhân viên chính phủ... trên khắp Ấn Độ.
Động cơ Swain kết hôn là vì tiền. Cảnh sát chưa biết chính xác ông ta đã kiếm được bao nhiêu tiền từ các nạn nhân, đánh giá ban đầu từ 200.000 đến một triệu rupee (khoảng 2.700 đến 13.300 USD).
Trong thời gian làm đám cưới, Swain kiếm tiền bằng cách lấy đồ trang sức bằng vàng hoặc tiền mặt của vợ. Một gia đình phải vay tiền với lãi suất cao từ người quen với niềm tin sẽ có chàng rể tốt.
Sau khi kết hôn, người đàn ông tiếp tục moi tiền bằng nhiều cách, như nói bị chính phủ đóng băng tài khoản ngân hàng vì một lý do nào đó rồi vay tiền vợ. Sau khi lấy được tiền, ông ta sẽ đi tìm vợ khác.
Trong danh bạ điện thoại của Swain, cảnh sát tìm thấy tên của một số phụ nữ được lưu là "vợ 1", "vợ bác sĩ", "vợ giáo viên", "vợ Bhilai", "vợ Guwahati", "vợ Bangalore"..., tùy theo nghề nghiệp và nơi sống của nạn nhân.
Cảnh sát bắt đầu theo dõi các cuộc gọi của Swain từ tháng 7/2021 và nhận thấy ông ta gây án trên khắp đất nước. Từ ghi chép cuộc trò chuyện của Swain và các bằng chứng khác, họ phát hiện ông ta đã liên lạc với 70-75 phụ nữ, đây có thể là đối tượng ông ta sẽ kết hôn trong vài năm tới.
Swain còn bị chính quyền cáo buộc lừa đảo 13 ngân hàng với 10 triệu rupee (134.000 USD) qua 128 thẻ tín dụng giả mạo vào năm 2006. Ông ta từng bị bắt ở thành phố Hyderabad vào năm 2010 vì liên quan đến vụ lừa đảo hứa hẹn việc làm giả cho sinh viên.
Luật Việt Nam: Bị xử lý về 2 tội danh
Chiếu theo pháp luật hiện hành nước ta, hành vi cưới 27 phụ nữ để lừa tiền của Bibhu Prakash Swain không chỉ bị xử lý về tội Lừa đảo chiếm đoạt tài sản (Điều 174, Bộ luật Hình sự 2015) mà còn có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự về tội Vi phạm chế độ một vợ, một chồng (Điều 182, Bộ luật Hình sự 2015).
Theo đó, luật Hôn nhân và Gia đình năm 2014 quy định, hành vi kết hôn giả tạo bị coi là một trong những hành vi bị nghiêm cấm. Việc lừa dối kết hôn là một trong những căn cứ để xác định việc kết hôn trái pháp luật.
Tại hướng dẫn tại Thông tư số 01/2016/TTLT-TANDTC-VKSNDTC-BTP, hành vi lừa dối kết hôn được hiểu là hành vi cố ý của một bên hoặc của người thứ ba nhằm làm cho bên kia hiểu sai lệch và dẫn đến việc đồng ý kết hôn; nếu không có hành vi này thì bên bị lừa dối đã không đồng ý kết hôn.
Tại khoản 1, Điều 10, luật Hôn nhân và Gia đình có quy định rõ người bị lừa dối kết hôn theo quy định của pháp luật về tố tụng dân sự, có quyền tự mình yêu cầu Tòa án hủy việc kết hôn trái pháp luật.
Với hành vi kết hôn giả tạo hoặc lừa dối kết hôn, tùy từng trường hợp người vi phạm còn có thể bị xử phạt vi phạm hành chính với mức phạt tiền từ 10-20 triệu đồng theo quy định tại điểm c, d, khoản 2, Điều 59, Nghị định 82/2020/NĐ-CP ngày 15/7/2020.
Đáng nói, một trong những nguyên tắc hàng đầu trong quan hệ hôn nhân và gia đình là nguyên tắc “một vợ, một chồng”. Việc người đang có vợ, có chồng mà kết hôn hoặc chung sống như vợ chồng với người khác hoặc chưa có vợ, chưa có chồng mà kết hôn hoặc chung sống như vợ chồng với người đang có chồng, có vợ cũng bị xem là hành vi bị nghiêm cấm. Hành vi nêu trên tùy từng trường hợp mà người vi phạm có thể bị xử lý vi phạm hành chính hoặc truy cứu trách nhiệm hình sự.
Theo quy định tại khoản 1, Điều 59, Nghị định 82/2020/NĐ-CP với hành vi của người đang có vợ hoặc đang có chồng mà kết hôn với người khác, chưa có vợ hoặc chưa có chồng mà kết hôn với người mà mình biết rõ là đang có chồng hoặc đang có vợ thì bị phạt tiền từ 3-5 triệu đồng.
Trường hợp người vi phạm chế độ một vợ, một chồng đã bị xử phạt vi phạm hành chính về hành vi này hoặc dẫn tới hậu quả làm cho quan hệ hôn nhân của một bên hoặc hai bên dẫn đến ly hôn thì có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự về tội Vi phạm chế độ một vợ, một chồng theo quy định tại Điều 182, Bộ luật Hình sự 2015 với khung hình phạt là cảnh cáo, phạt cải tạo không giam giữ đến 1 năm hoặc phạt tù từ 3 tháng đến 1 năm.
Trường hợp, dẫn tới hậu quả làm cho vợ, chồng hoặc con của một trong hai bên tự sát hoặc đã có quyết định của Tòa án hủy việc kết hôn hoặc buộc phải chấm dứt việc chung sống như vợ chồng trái với chế độ một vợ, một chồng mà vẫn duy trì quan hệ đó thì người vi phạm có thể bị áp dụng khung hình phạt tù từ 6 tháng đến 3 năm.
Vụ việc trên là lời cảnh tỉnh cho những cô nàng "nhẹ dạ cả tin", cần tỉnh táo khi yêu và kết hôn để tránh bị đối tượng lừa đảo lợi dụng để lừa tình, lừa tiền.